Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chủ trì một cuộc họp ở Berlin hôm thứ Tư với Tổng thống Nga, Ukraine và Pháp trong một nỗ lực nhằm kích hoạt lại thỏa thuận hòa bình Minsk đã bị đình trệ. Mục đích của buổi họp là đề ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở đông Ukraine.
Giữa lúc căng thẳng tiếp tục leo thang giữa các nước phương Tây và Nga, bà Merkel mời Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Pháp Francois Hollande đến dự họp để đánh giá việc thực thi thỏa thuận Minsk và thảo luận các bước kế tiếp. Tuy nhiên, không ai tỏ ra lạc quan về triển vọng sẽ đạt một bước tiến bộ nào đáng kể.
Nói chuyện với các nhà báo ở Berlin hôm thứ Ba, bà Merkel nói thoả thuận bị “đình trệ về nhiều mặt, liên quan tới cuộc ngưng bắn, các vấn đề chính trị và nhân đạo”. Bà nói thêm là mọi nỗ lực để nắm bắt cơ hội hầu đạt được tiến bộ, đều đáng làm.
Phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, cho biết điện Kremlin không trông đợi một bước đột phá về vấn đề Ukraine. Ông nói: “Mục đích của cuộc họp là để xác định xem chúng ta đang ở đâu và đâu là những trở ngại trong việc thực thi thỏa thuận Minsk”.
Ông nói thêm: “Nga đã tỏ ra linh động với tinh thần xây dựng, nhưng Nga không thể là nước duy nhất làm như vậy”.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Berlin kể từ năm 2014, khi xảy ra vụ xung đột ở Ukraine. Chuyến đi diễn ra một ngày trước khi 28 nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu được triệu tập để thảo luận các quan hệ với Nga, kể cả các biện pháp trừng phạt Nga vì vai trò của nước này, can dự vào tình hình Ukraine. Đã tới lúc phải được gia hạn các biện pháp này trước khi chúng hết hạn vào cuối năm nay.
Bốn nhà lãnh đạo thỉnh thoảng lại họp lại để thảo luận việc thực thi hiệp định Minsk. Cuộc họp cuối cùng diễn ra ở Paris hôm 2 tháng 10 năm 2015.
Thỏa thuận Minsk, đạt được qua trung gian của Pháp và Đức, đã góp phần làm giảm cường độ các trận chiến lớn giữa quân đội Ukraine và các phần tử ly khai thân Nga ở đông Ukraine.Tuy nhiên, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn và những nỗ lực nhằm đạt một giải pháp chính trị đã bị đình trệ.
Thỏa thuận này được ký tại thủ đô Belarus bởi đại diện của Ukraine, Nga và phiến quân đòi ly khai, kêu gọi Ukraine hãy trao quyền cho các địa phương, và thông qua luật cho phép tự trị tại đông Ukraine, trong khu vực đang do các phần tử ly khai kiểm soát.
Ukraine cáo buộc Nga là đã không làm đủ để gây áp lực với phiến quân để họ từ bỏ quyền kiểm soát các khu vực nằm ở biên giới Ukraine-Nga.
Về phần mình, Nga tố cáo Ukraine là không chấp nhận các tu chính hiến pháp mà Moscow nói Ukraine có nghĩa vụ thi hành, trao quyền tự trị cho nhiều vùng ở đông Ukraine.
Tất cả các bên liên quan đã đồng ý về các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình được ký năm 2015, mặc dù thỏa thuận này không ngăn được các cuộc giao tranh trong khu vực.