Charles Maynes
MOSCOW - Một phi hành đoàn gồm sáu phụ nữ người Nga vừa hoàn thành một cuộc thử nghiệm kéo dài tám ngày mô phỏng các điều kiện của một cuộc du hành vũ trụ khoảng cách xa. Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên có sự hiện diện của một nhóm toàn các nữ phi hành gia.
Sứ mệnh được thực hiện tại Viện Các vấn đề Y sinh của Nga tại Mowcow tất nhiên chỉ là một chuyến trở về trái đất mô phỏng, nhưng nó bao gồm tất cả các chi tiết của một chuyến bay thật sự.
Bước ra từ bên trong khoang tàu vũ trụ trong bộ quần áo phi hành màu đỏ tươi, những phụ nữ thuộc một nhóm tình nguyện viên gồm những khoa học gia trong độ tuổi 20 và đầu 30 chào cấp trên của họ trước khi nhận hoa.
Họ vừa trải qua tám ngày trong một chuyến bay mô phỏng sâu bên trong vũ trụ trong khi thực hiện một chuỗi những thử nghiệm, trong đó họ chính là những nhân vật chính.
Mục đích của cuộc thử nghiệm đó là kiểm tra các tác động về mặt sinh học và tâm lý trong môi trường vũ trụ đối với phụ nữ, và ở mức độ cơ bản hơn thì liệu xem họ chỉ đơn giản có thể chịu được khoảng thời gian đó hay không. Thậm chí tình huống bay lại vào không gian cũng đã được lên kế hoạch khi thời tiết thay đổi ngoài dự kiến buộc phải kéo dài sứ mệnh thêm một ngày.
Nói chuyện với các nhà báo, chỉ huy chuyến bay Elena Lutchitskaya nói rằng phi hành đoàn biết rằng những phi hành gia thường xuyên phải chờ đợi để tiến lại vào không gian nên họ cũng đã chuẩn bị trước. Cô nói rằng “việc quay trở lại là khó khăn nhưng chúng tôi cũng cần có thêm thời gian để hoàn thành công việc, và chúng tôi cũng thấy thoải mái trong toàn bộ thời gian khi ở đó.”
Còn cô Daryia Kosarova, một nhà nghiên cứu cấp cao trong nhiệm vụ này, nói rằng đây là một trải nghiệm tích cực một cách choáng ngợp và cô một lần nữa đã khẳng định lại những hoài bão từ thời thơ ấu của mình:
“Tôi đã luôn luôn mơ về vũ trụ và tàu vũ trụ…nhưng lúc nào nó cũng chỉ là một giấc mơ không thể chạm tới. Còn bây giờ khi thực hiện thí nghiệm này, tôi nghĩ đây là một việc làm đáng thử. Và ở Nga, tôi nghĩ chúng ta cần có thêm phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp vũ trụ này.”
Đa số phi hành gia của Nga là nam giới và Mỹ cũng giống như vậy.
Nhưng ông Sergei Ponomareve, giám đốc khoa học phụ trách cuộc thí nghiệm “Mặt trăng 2015” rút ra kết luận rằng dựa vào những gì mà ông quan sát được từ phi hành đoàn toàn nữ giới của Nga này thì tương lai của những vì sao không chỉ thuộc về đàn ông mà còn cả phụ nữ:
“Từ những gì mà chúng tôi thấy được, những phụ nữ này làm việc chung với nhau trong một đội mà không có bất cứ xung đột nào. Đây là một phi hành đoàn rất xuất sắc. Nếu được huấn luyện thêm, phi hành đoàn này có thể lên Mặt trăng, Trạm Không gian Quốc tế, Sao Hỏa hay những hành tinh khác.”
Và đây không phải là lần đầu tiên.
Thủ tướng Xô Viết Nikita Khruschev đã công kích Mỹ về sự kỳ thị giới tính chống lại phụ nữ trong cuộc đua vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh.
Vào năm 1963, phi hành gia Xô Viết Valentina Tereshkova đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bước chân vào vũ trụ và đã giúp cho giới hữu trách Xô Viết khi đó có được một lợi thế rất lớn về tuyên truyền.
“Giai cấp tư sản luôn miệng nói phụ nữ là phái yếu,” nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev đã nói như vậy sau chuyến bay của nữ phi hành gia Tereshkova. Ông nói “Hãy nhìn xem cô ấy đã cho những phi hành gia của Mỹ thấy gì. Cô ấy đã cho họ thấy ai là ai!”
19 năm sau đó, Xô Viết lại có một phụ nữ khác bay vào vũ trụ.
Nhưng thí nghiệm “Mặt trăng 2015” lần này là một phần trong nỗ lực được Nga thực hiện để củng cố vị trí đứng đầu trong vũ trụ và có lẽ đồng thời đạt được sự bình đẳng về giới tính.
Trong khi chương trình của NASA vẫn còn chậm chạp, tham vọng của Nga đang ngày càng lớn dần.
Hồi đầu tháng 11, Cơ quan Không gian Liên bang Nga, RosComsos, loan báo các kế hoạch cho phi thuyền thế hệ mới, đang được xây dựng, để thực hiện một sứ mệnh lên Mặt trăng vào năm 2029.
Hiện chưa rõ những ai sẽ trở thành thành viên của phi hành đoàn trong sứ mệnh này nhưng cuộc thí nghiệm được thực hiện vừa rồi là một gợi ý cho việc những nữ phi hành gia có thể có những tấm vé trong chuyến đi này.