Một số nhà đầu tư cho rằng sóng gió trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trở nên tệ hại hơn vì những mối lo ngại về sự đáng tin của những dữ liệu kinh tế của nước này. Và một số người chỉ trích nói rằng những báo cáo của Trung Quốc có thể làm cho các nhà đầu tư bị lạc hướng qua việc tô vẽ một hình ảnh tươi đẹp của nền kinh tế. Thông tín viên Jim Randle của đài VOA tường thuật.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới, một nước có kim ngạch thương mại khổng lồ, và là một nước nhập khẩu với số lượng lớn của tất cả mọi thứ -- từ nông khoáng sản cho tới máy móc. Do đó, sự suy yếu của Trung Quốc ảnh hưởng tới các đối tác thương mại và các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới.
Trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu ở Thượng Hải và những nơi khác đã sụt giảm mạnh, một phần vì những mối lo ngại là nền kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng nhanh như dự kiến của một số nhà đầu tư.
Sự yếu kém này làm các nhà đầu tư lo lắng. Và - khi nhiều nhà đầu tư vì hoảng sợ mà mang cổ phiếu bán đi, giá cổ phiếu bị sút giảm. Sự sợ hãi đó trở nên trầm trọng hơn bởi mối lo ngại là tình hình thực tế còn tệ hại hơn những gì thấy được qua các dữ liệu do chính phủ công bố.
Ông Ben Willis, một nhà mua bán chứng khoán ở thị trường New York, cho biết như sau.
"Trước đây chúng tôi nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 7%. Trên thực tế mức tăng trưởng chỉ vào khoảng phân nửa con số đó. Vì vậy, một sự sút giảm 50% có nghĩa là chúng ta phải định lại giá cả, và đó chính là những gì mà quí vị đang nhìn thấy trên các thị trường chứng khoán và thị trường nông khoáng sản."
Sự khuyếch trương nhanh chóng của các ngành công nghiệp quan trọng là một phần của sự tăng trưởng kinh tế trước đây chưa từng có của Trung Quốc. Ông Nick Lardy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cho biết so với hầu hết các nền kinh tế mới nổi khác, Bắc Kinh có một lợi thế trong việc đo lường sản lượng công nghiệp, đặc biệt là sản lượng của các công ty do nhà nước làm chủ. Tuy nhiên, theo ông Lardy, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giờ đây phát xuất từ khu vực dịch vụ - trong đó có nhiều công ty nhỏ hơn, đa dạng hơn, do tư nhân làm chủ và khó theo dõi hơn.
"Tất cả mọi thứ, từ bán lẻ cho tới bán sỉ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tài chánh, kể cả bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và quản lý tài sản. Ông Lardy nói rằng kinh doanh nhà hàng là một bằng chứng rõ ràng của sự tăng trưởng trong khu vực dịch vụ."
"Khi tôi tới Trung Quốc lần đầu, có thể nói là không có nhà hàng. Nhưng bây giờ họ có hàng triệu, hàng triệu nhà hàng. Thu thập dữ liệu của tất cả những doanh nghiệp nhỏ này là một công việc đòi hỏi rất nhiều lao động."
Ông Lardy nói các dữ liệu chính xác hơn sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc có những quyết định đúng đắn hơn đối với các vấn đề kinh tế."
Nhưng ông nói rằng nhóm nhân viên thu thập dữ liệu ở Trung Quốc là hết sức nhỏ bé khi so sánh với nền kinh tế 10.000 tỉ đô la đang thay đổi nhanh chóng và mỗi ngày một đa dạng hơn.