Tôi có một số người quen không bao giờ muốn đi đâu cả. Không phải họ không có điều kiện. Có, dư dả nữa là khác, nhưng họ không muốn đi. Vậy thôi. Rủ, họ trả lời: “Thì đi đâu cũng chỉ thấy người; không thấy người thì thấy nhà cửa, đường xá và xe cộ; không thấy nhà cửa, đường xá và xe cộ thì thấy sông, thấy núi, thấy biển, thấy hồ. Ở chỗ mình thì cũng thấy vậy mà!”
Một số người khác, ngược lại, hễ có chút tiền và chút thời gian rảnh là lục đục đi. Đi thật xa. Và đến những nơi thật hiểm hóc. Họ không sang Mỹ hay đến châu Âu mà lặn lội đến tận châu Phi hay những nước xa lạ và nghèo nàn ở châu Á, kể cả Việt Nam. Đến Việt Nam, họ không dừng lại ở các thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội mà đến tận các miền núi heo hút hẻo lánh, thậm chí, không ngần ngại đi xe đò hay xe đạp sang tận Lào và Kampuchia. Sau vài tuần hay vài tháng du lịch như thế, trở lại Úc, họ tự thỏa mãn là các giác quan của họ đã thật no nê với những cái mới và cái lạ từ thiên nhiên cũng như từ các nền văn hóa khác.
Tôi thuộc mẫu người ở giữa. Tôi đi không ít, từ xuyên tiểu bang đến xuyên lục địa, nhưng chắc chắn không phải là người mê du lịch. Tôi ngại những giờ chờ đợi ở các phi trường với những thủ tục về an ninh thật rườm rà và phiền toái. Tôi ngại những giờ dài dằng dặc ngồi trên máy bay; ngủ: không được; làm việc: cũng không được. Cứ thiêm thiếp. Ngầy ngật. Mỏi nhừ.
Tôi thích đến với những cảnh thiên nhiên hùng vĩ hay thơ mộng cũng như những kiến trúc tuyệt hảo của nhân loại nhưng không phải chỉ để nhìn ngắm một cách vội vã cho thỏa sự tò mò. Mà còn muốn sống với chúng. Nghe chúng thầm thì. Nhìn chúng thay đổi từ giờ này qua giờ khác hay, thậm chí, từ ngày này sang ngày khác. Bởi vậy, tôi chỉ đến những nơi lạ nếu có thật nhiều thì giờ. Bằng không, tôi chỉ muốn ngồi một chỗ. Như, chẳng hạn, từ Melbourne đi Sydney, tôi hiếm khi chu du nơi này nơi khác. Điều tôi thích nhất là ngồi trước hiên nhà bạn tôi, nhà thơ Võ Quốc Linh, nhìn dòng sông ở trước mặt. Dòng sông rộng và sâu, bao quanh ba phía là dốc đồi um tùm cây cối. Tôi thích ngồi đó, với bạn và cà phê hay rượu đỏ, nhìn dòng sông chảy lặng lờ và liên tục đổi màu theo sắc nắng. Lúc mặt trời lên: nó khác. Lúc đứng bóng: nó khác. Lúc xế chiều: nó khác. Lúc mưa: nó càng khác. Tôi thích ghi nhận những cái khác ấy để thấy là dòng sông có sự sống và cũng có linh hồn.
Không những thích sống với cảnh vật, tôi cũng thích sống với bạn. Rất hiếm khi tôi đến một nơi nào chỉ vì ở đó có cảnh đẹp. Tôi đến chủ yếu là vì ở đó có bạn. Tôi thích ngồi nói chuyện tào lao với bạn bè hơn là ngồi sững một mình trước một quả núi hay một dòng sông xa lạ. Nhớ, lần đầu về Việt Nam năm 1996, tôi quyết định ở lại Hà Nội ba tuần. Chỉ ở Hà Nội. Không đi Hạ Long hay Sapa hay, thậm chí, chùa Hương. Chỉ ở Hà Nội. Và ở Hà Nội, tôi dành phần lớn thì giờ để gặp gỡ người này người nọ, hầu hết trong giới văn nghệ và hầu hết tôi chỉ mới gặp lần đầu, dù đã đọc nhau, nhiều lần, trước đó.
Với tôi, mỗi một nghệ sĩ cũng là một kỳ quan cần được khám phá.
Chuyến đi Mỹ với Hoàng Ngọc-Tuấn trong tháng 12 vừa rồi cũng vậy. Giống như những lần trước, tôi chỉ quanh quẩn ở những nơi có bạn. Ngoài những giờ thuyết trình hay thảo luận cũng như những giờ trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình, đài truyền thanh hay báo chí, tôi dành hầu hết thì giờ với bạn. Bạn cũ cũng như bạn mới.
Có khi gặp mà chẳng nói được gì nhiều. Như với nhà văn Võ Phiến. So với lần gặp trước, vào đầu năm 2007, lần này ông yếu đi nhiều. Câu chuyện hay bị đứt đoạn. Có lúc chỉ nhìn nhau và cười. Rồi thôi. Mà vẫn thích.
Với nhiều người khác, như các nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Vương Ngọc Minh, Nguyễn Mạnh Trinh, Vũ Thùy Hạnh, Lê An Thế, Thành Tôn, Nguyễn Chí Thiện, các nhà văn Phạm Phú Minh, Lê Tất Điều, Bùi Bảo Trúc, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Thanh Bình và Nguyễn Thị Ngọc Lan, dịch giả Nguyệt Cầm, các nhạc sĩ Lê Văn Khoa và Hoàng Quốc Bảo, v.v… gặp trong các buổi tiệc tùng hay họp mặt đông người, nói chuyện với nhau rất ít, nhưng vẫn thấy ấm áp.
Tôi cũng có những buổi nói chuyện miên man về văn nghệ trong tiệm ăn với Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Huỳnh Phan Anh, Ngự Thuyết, Trúc Chi, Bùi Vĩnh Phúc, Phùng Nguyễn, Phan Tấn Hải, Trịnh Thanh Thủy, Trần Chí Phúc, Nguyễn Xuân Nam, Đinh Quang Anh Thái, hoặc trong các quán cà phê đến khuya lơ khuya lắc với Lê Đình Nhất Lang, Nguyễn Hoàng Nam và Hoàng Đình Bình; hay trong tòa soạn Việt Báo với Trần Dạ Từ và Nhã Ca, v.v... Chuyện trò có khi tập trung, có khi lan man; có khi nghiêm túc, có khi nhả nhớt, nhưng hầu như lúc nào cũng say sưa và sôi nổi. Rất nhiều buổi tối, ở Nam Cali, tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn, Hoàng Đình Bình, Lê Đình Nhất Lang và Nguyễn Hoàng Nam ngồi mỏi nhừ ở quán cà phê lại kéo về quán rượu trong khách sạn uống và tán dóc tiếp đến tận 2,3 giờ sáng. Vẫn thấy chưa…“đã”!
Từ lâu, tôi đã nghiệm ra điều này: nhu cầu chuyện trò của giới cầm bút thật lớn. Không chừng lớn nhất trong mọi ngành nghề. Tôi không thể tưởng tượng là các bác sĩ, các kỹ sư, các nhà khoa học, các doanh nhân hay bất cứ ai khác, sau giờ làm việc, lại thích túm tụm với nhau để nói chuyện về nghề nghiệp của mình huyên thuyên từ ngày này qua ngày khác như vậy.
Với giới cầm bút thì đó lại là chuyện bình thường. Gần, gặp nhau hằng ngày là chuyện bình thường. Xa, nói chuyện qua điện thoại, có khi là điện thoại viễn liên, cũng là điều bình thường.
Ở Pháp, một số quán cà phê như Les Deux Magots, Café de Flore và Brasserie Lipp ở khu St-Germain-des-Prés, Paris có thời từng là những nơi gặp gỡ thường xuyên, gần như mỗi ngày, của những tên tuổi lớn như Paul Verlaine, Oscar Wilde, Guillaume Appolinaire, Paul Eluard, André Gide , Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoire, v.v... Họ đến đó, mỗi buổi sáng, để viết; và nhiều hơn, để gặp gỡ và tán dóc với bạn bè văn nghệ.
Giới cầm bút Việt Nam cũng không hề thua kém. Ở Sài Gòn, trước cũng như sau năm 1975, để gặp giới cầm bút, người ta chỉ cần đến một số quán cà phê nhất định nào đó. Ngay ở Cali bây giờ cũng vậy. Bao giờ giới cầm bút cũng có chỗ hẹn hò riêng. Kinh tế suy thoái? Mặc! Đời sống khó khăn? Mặc! Họ đến những nơi đó, mỗi sáng, với ly cà phê đen và với những người bạn văn nghệ của họ.
Tôi rất thích không khí của những quán cà phê như thế. Dĩ nhiên với những người bạn văn nghệ hợp tính và hợp quan điểm với mình.
Với tôi, đi du lịch, trước hết, là đến những nơi như thế.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.