Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gặp khó vì Trung Quốc không cam kết vốn

Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu trong lễ khởi công kênh đào Funan Techo ở tỉnh Kandal hôm 5/8 năm 2024

Tại một buổi lễ hồi tháng Tám, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã quỳ xuống để được các nhà sư ban phước trong lúc pháo hoa và bóng bay báo hiệu việc động thổ cho con kênh mà ông hy vọng sẽ thay đổi vận mệnh kinh tế của đất nước.

Phát biểu trước hàng trăm người vẫy quốc kỳ Campuchia, ông Hun Manet cho biết Trung Quốc sẽ góp 49% ngân quỹ xây dựng kênh đào Funan Techo kết nối sông Mekong với Vịnh Thái Lan và giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa.

Chính phủ Campuchia ước tính dự án cơ sở hạ tầng chiến lược nhưng gây tranh cãi này sẽ tiêu tốn 1,7 tỷ đô la Mỹ, tức gần 4% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Campuchia.

Nhưng nhiều tháng sau, số tiền đóng góp Trung Quốc vẫn bị nghi ngờ.

Bốn người tham gia trực tiếp vào kế hoạch đầu tư hoặc được thông báo về kế hoạch này nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã bày tỏ sự hoài nghi về dự án và chưa đưa ra cam kết dứt khoát về tài trợ.

“Hỗ trợ Campuchia thăm dò xây dựng các dự án thủy lợi toàn diện theo các nguyên tắc thị trường là tập quán kinh doanh bình thường của các công ty Trung Quốc,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong email gửi cho Reuters khi được hỏi về kênh đào này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi thẳng về khoản tài trợ nhưng nói rằng hai nước là ‘bạn bè kiên định’, phát biểu vốn cũng được chính ông Hun Manet nhấn mạnh hồi cuối tháng 10.

Việc Trung Quốc thiếu cam kết rõ ràng có thể tạo ra nguy cơ cho toàn bộ kế hoạch, do sự không chắc chắn về chi phí của dự án, tác động môi trường và tính khả thi về tài chính, các chuyên gia, các quan chức và nhà ngoại giao nói.

Nó cũng cho thấy Bắc Kinh đang giảm mạnh các khoản đầu tư ở nước ngoài khi họ gặp khó khăn kinh tế ở trong nước, ngay cả ở các quốc gia mà họ coi là đối tác chiến lược, chẳng hạn như Campuchia.

Từng là một ví dụ điển hình trong việc ‘xây dựng đất nước’ do phương Tây hậu thuẫn sau cuộc nội chiến kéo dài sau dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Khmer Đỏ, Campuchia trong thời gian gần đây đã được đông đảo các nhà ngoại giao và chuyên gia chính sách đối ngoại coi là một nước chư hầu của Trung Quốc, do Bắc Kinh chiếm hơn 1/3 tổng nợ công của Campuchia.

Nhưng đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á này hiện đang lao dốc, sau một loạt các dự án cơ sở hạ tầng không thành công, trong bối cảnh có lo ngại về các băng đảng tội phạm nhắm vào công dân Trung Quốc và số lượng du khách giảm bớt.

Kênh đào dài 180 km này sẽ mở rộng đáng kể tuyến đường thủy hiện có và dẫn nước từ đồng bằng sông Mekong, vùng canh tác lúa nhạy cảm, đến Vịnh Thái Lan, cắt giảm việc vận chuyển của Campuchia qua ngõ Việt Nam.

Trong những tháng sau khi chính phủ Campuchia ký ‘thỏa thuận đầu tư khung’ vào tháng 10 năm 2023 với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC), một công ty xây dựng nhà nước, các quan chức Campuchia đã công khai về sự tham gia của Trung Quốc về tài chính. Văn bản của thỏa thuận không được công khai.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng Năm, Bộ trưởng phụ trách dự án, Phó Thủ tướng Sun Chanthol, cho biết CRBC sẽ xây dựng kênh đào và trang trải chi phí ‘hoàn toàn’ để đổi lại quyền khai thác nó trong nhiều thập kỷ.

Nhưng tại buổi lễ khởi công hồi tháng Tám, Thủ tướng Hun Manet đã cho biết cổ phần của CRBC trong dự án ở mức 49%, phần còn lại do các công ty Campuchia trang trải.

Cùng ngày, thân phụ ông cũng là nhà lãnh đạo Campuchia hàng chục năm, cựu Thủ tướng Hun Sen, đã lên Facebook kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào kênh đào.

Tân Hoa Xã đã không đả động gì đến sự tham gia của Trung Quốc trong bản tin của họ về lễ động thổ kênh đào.

Một người trực tiếp tham gia vào kế hoạch đầu tư nói với Reuters hồi đầu tháng 11 rằng vào lúc đó dự án không có vốn đầu tư của Trung Quốc, xác nhận thông tin của một quan chức Campuchia khác.

Một nguồn tin từ một trong những nhà đầu tư Campuchia cho biết sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc không đầu tư vào kênh đào.

Một quan chức thứ tư được báo cáo về dự án này cho biết hồi đầu năm nay Trung Quốc đã chỉ trích riêng tư các quan chức Campuchia vì đã loan báo việc Trung Quốc tài trợ cho dự án chưa được chốt.

Hơn ba tháng sau lễ khởi công, địa điểm tổ chức buổi lễ bên bờ sông Mekong đã bị bỏ hoang, phóng viên Reuters quan sát thấy.