Cùng với Chinua Achebe (tʃɪnwɑ ətʃɛbe) nhà văn của Tây phi châu, Ngũgĩ wa Thiong’o nhà văn của Đông Phi châu, và Peter Abrahams nhà văn của Nam Phi châu, là ba nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học Phi châu hiện đại. Trong một buổi phát thanh trước đây chúng tôi đã có dịp giới thiệu Chinua Achebe với quyển hồi ký The Education of a British-Protected Child/Việc Giáo Dục Một Đứa Trẻ Được-Người-Anh Bảo Trợ, tối nay chúng tôi xin được giới thiệu quyển hồi ký Dreams in a Time of War/ Những Giấc Mơ Trong Thời Chiến của nhà văn Đông Phi châu Ngũgĩ wa Thiong’o mới xuất bản ở Mỹ vào thảng 3 năm nay.
Tên tuổi ba nhà văn này thường được người đời ghép liền với tên ba lãnh tụ chính trị nổi danh của Phi châu là Kwame Nkrumah, Jomo Kenyatta và Nelson Mandela. Ngũgĩ wa Thiong’o sinh năm 1938 ở một thị trấn kế cận Limuru thuộc Kenya, Đông Phi châu, được rửa tội với tên thánh là James Ngũgĩ, không bao lâu trước khi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Ngũgĩ wa Thiong’o là người con thứ năm của người vợ thứ ba của cha ông tên Thiong’o wa Naducũ, ông này cả thảy có 4 vợ và 24 người con, toàn thể đại gia đình sống trong 5 căn nhà tranh vách đất nghèo nàn dưới sự giám sát nghiêm khắc của người cha.
Thiong’o wa Naducũ khi còn trẻ từ vùng quê ra tỉnh làm quản gia cho một ông chủ da trắng ở Nairobi cho nên biết bập bẹ dăm ba tiếng Anh, cố dành dụm một số tiền mua một mảnh đất để cất một căn nhà và lập trại nuôi gia súc, nhưng bị Lord Stanley Kahahu một quan chức cao cấp địa phương dùng thế lực chính quyền thuộc địa Anh và nhà thờ thiên-chúa-giáo lừa gạt tước đoạt. Thảm họa của gia đình này ghi lại ấn tượng xâu đậm trong đầu óc cậu bé Ngũgĩ cho nên khi trưởng thành ông trở thành một người chống lại chủ nghĩa thuộc địa và độc tài toàn trị kiên cường. Gia đình Ngũgĩ bị cuốn hút vào cuộc nổi loạn Mau Mau giành độc lập cho Kenya.
Từ nhỏ là học sinh xuất sắc, được sự khuyến khích và hy sinh trợ giúp của mẹ, Ngũgi wa Thiong’o đậu bằng cử nhân ở đại học Makerere University College ở Kampala, Uganda, năm 1963, sau đó sang anh học ở đại học Leed. Ngay từ khi còn là sinh viên ông đã có kịch được diễn và tiểu thuyết được xuất bản gây được tiếng tăm đáng kể. Ngũgĩ wa Thiong’o đã dạy học ở đại học Nairobi nhưng là một người bất đồng chính kiến, bị bỏ tù khi cho xuất bản tiểu thuyết Những Cánh Hoa Máu năm 1977 nên phải tỵ nạn chính trị ở Mỹ và dạy ở một số đại học nổi danh như Amherst College, Yale University và New York University. Hiện nay Ngũgĩ wa Thiong’o là giáo sư danh dự ở UC Irvine thuộc Quận Cam, California.
Quyển hồi ký Những Giấc Mơ Trong Thời Chiến bắt đầu vào năm 1938 là năm sinh của tác giả và kết thúc vào một ngày tháng tư năm 1954 khi đó Ngũgĩ mới 16 tuổi. Buổi sáng hôm đó cậu bé Ngũgĩ chỉ ăn có một chén cháo lót bụng để đến trường học cách nhả trên 6 dặm đường bộ. Giờ nghỉ trưa cậu bé Ngũgĩ không có gì để ăn nên kiếm một gốc cây có bóng mát đem quyển Oliver Twist ra đọc. Buổi chiều trên đường về nhà cậu và người bạn học tên Kenneth, khi đi ngang một đám đông đang tụ tập bàn tán sôi nổi về một cuộc lùng bắt một người trẻ tuổi Phi châu họ không biết tên là gì nhưng có kẻ cho rằng vì anh ta có mang theo vũ khí nên bị rượt bắt, bị còng tay tống lên một chiếc xe tải, nhưng không biết bằng cách nào anh ta thóat chạy được, luồn lọt qua những cửa hang để tránh đạn bắn theo, và cuối cùng mất dang trong một đồn điền trà.
Ngũgĩ và Kenneth thời đó có nghe tin đồn về những du kích quân Mau Mau nhưng chưa bao giờ tận mắt gặp những người này. Khi về đến nhà Ngũgĩ hỏi mẹ chuyện nghe được ngoài phố thì được bà cho biết người anh của Ngũgĩ tên là Wallace Mwangi – tức Good Wallace – buổi trưa hôm nay thoát chết trong đường tơ kẽ tóc và hiện đã trốn vào rừng theo kháng chiến.
Trong quyển hồi ký về tuổi thơ Ngũgĩ wa Thiong’o đã cho người đọc biết về bốn phụ nữ ngày bé tác giả đều gọi là “Mẹ”: Bà lớn nhất là Njeri tính cách cương nghị thẳng thắn được coi là “bộ trưởng quốc phòng”, bà thứ hai Gacoki tính cách thẹn thùng và nhân hậu được coi là “bộ trưởng hòa bình”, bà thứ ba – mẹ đẻ của Ngũgĩ – Wanjikũ chăm làm và thâm trầm được coi là “bộ trưởng lao động” và bà thứ tư có sắc đẹp và thầm lặng được coi là “bộ trưởng văn hóa”. Điểm nổi bật của số phận bốn phụ nữ này là các bà rất trung thành và đoàn kết với nhau, một điều hiếm thấy trong giới phụ nữ “lấy chồng chung”.
Khi Ngũgĩ đủ trí khôn có hỏi mẹ tại sao bà lại bằng lòng làm vợ ba thì bà trả lời con lý do là vì bà cả và bà hai luôn luôn hòa hợp đoàn kết thế nên trước khi quyết định bà đã tự hỏi nếu mình gia nhập thành bộ ba thì sẽ cảm nhận kinh nghiệm đó như thế nào. Và bà đã quyết định làm vợ ba chỉ để cảm nhận được cái kinh nghiệm thương yêu đoàn kết đùm bọc nhau giữa những phụ nữ. Không yêu thương người cha hung bạo vì có lần ông đánh đập mẹ nhưng Ngũgĩ vẫn nhớ lời mẹ dặn bảo “Không được từ chối, phủ nhận cha.”
Tuổi thơ cùa Ngũgĩ đắm chìm trong chiến tranh cho nên chiến tranh là cái nền cho những mẩu truyện thật cảm động tạo thành quyển hồi ký này. Có thể nói cái nền cuốn hồi ký tuổi thơ của Ngũgĩ wa Thiong’s là chiến tranh: những cuộc chiến từ đầu thế kỷ đời cha ông, cuộc nổi dậy giành độc lập Mau Mau, và cả những cuộc chiến âm thầm trong gia đình. Chiến tranh đã tác động lên tâm thần và hành động tuổi thơ. Chẳng hạn tác giả kể lại những trò chơi hồi thơ ấu chẳng hạn anh em Ngũgĩ lấy lá bắp làm tàu bay, cầm tàu bay trên tay thi nhau chạy lượn thật nhanh như những phi công.
Ngay từ khi còn bé Ngũgĩ đã có thiên hướng thương xót cảm thông với những số phận bị thảm họa. Chẳng hạn tác giả kể lại nhưng mẩu chuyện thật cảm động như khi một con mắt cậu bé Ngũgĩ bị nhiễm trùng mẹ cậu không nề hà sự khó khăn khổ cực đã đưa con đi Nairobi chạy chữa, chuyện hai người chị cùng cha khác mẹ bị xét đánh một cô sau đó bị câm còn cô kia bị đui và què, chuyện cậu chạy băng ngang một khu rừng kim cúc bị một con chó quật ngã và đớp vào mắt cá chân vết sẹo nay vẫn còn và từ đó Ngũgĩ rất sợ chó, chuyện cậu và các bạn đuổi bắt một con hoẵng nhìn thấy con vật quá khiếp sợ cậu bé Ngũgĩ đã ngăn cản các bạn không cho bắt con vật đáng thương. Kinh nghiệm bị săn đuổi ấn tượng này khiến Ngũgĩ khi trưởng thành có lập trường chính trị chống lại mọi hình thức bạo động hành hạ con người của những chính quyền độc tài.
Tác giả nhân kể chuyện về tuổi thơ của mình đã thuật lại lịch sử chìm đắm trong chiến tranh của Kenya từ thời ông nội qua thời cha ông. Người dân Kanya dưới sự cai trị của đế quốc Anh đã phải hy sinh khi bị xung vào đội quân viễn chinh nhưng khi chiến tranh chấm dứt và mẫu quốc chiến thắng họ lại hoàn toàn bị bỏ quên, đất đai của xứ sở của họ được đem chia cho các cựu chiến binh Anh vì vậy họ trở thành những kẻ không có đất đai trên chính quê hương của mình.
Cho mãi tới chín tuổi Ngũgĩ mới được đi học, nhưng có bản chất thông minh và chăm học nên được nhảy lớp vì là học sinh xuất sắc. Ngay từ hồi thơ ấu Ngũgĩ đã yêu thích văn chương viết bằng tiếng mẹ đẻ Gikuyu. Ông viết: “Tôi nhận ra rằng những con chữ viết ra trong các truyện có thể chuyên chở cái âm nhạc tôi yêu thích, nhất là những bản hòa ca.” Kiếm được một cuốn Kinh Cựu Ước cậu bé Ngũgĩ bị mê hoặc khi đọc những truyện về Cain và Abel, về David và vua Saul…
Mẹ đẻ của Ngũgĩ là một phụ nữ cương quyết, có tinh thần trách nhiệm cao, hy sinh hết thảy, quên bản thân để lo cho việc học của con trai. Nhưng bà cũng còn là một người kể chuyện hấp dẫn: đêm đêm trong căn nhà tranh vách đất của bà, bên bếp lửa ấm cúng, bà đẽ kể cho các con và bạn bè của con nghe những truyện thật hấp dẫn có nội dung giáo dục, kết hợp huyền thoại, cổ tích, lịch sử với những sự kiện có thực và tin tức đời sống hàng ngày, sau đó cho bọn trẻ tự do thảo luận tranh cãi ý kiến, và xen vào kể chuyện, tranh cãi, là nhảy múa ca hát. Bà chỉ kể chuyện vào ban đêm vì theo bà “Ánh sáng ban ngày cướp đi hết các truyện.”
Việc trở thành một nhà văn của Ngũgĩ wa Thiong’o phần nào cũng là sự thừa hưởng di sản từ người mẹ của ông. Là một trí thức tiêu biểu của Phi châu, tác giả của 8 tiểu thuyết, 4 vở kịch, 5 tập khảo luận, 1 tập nhật ký lao tù, là một người bất đồng chính kiến kiên cường, đã hấp thụ cả truyền thống văn hóa dân tộc lẫn văn hóa hiện đại Âu-Mỹ, đã sang tác phần lớn những tác phẩm thời trẻ bằng Anh văn, nhưng đến năm 1977 khi cho trình diễn vở kịch Tôi Sẽ Lấy Vợ Khi Nào Tôi Muốn ở xứ ông để phát đi một thông điệp chính trị chống độc tài nên bị Phó Tổng Thống thời đó là Daniel arap Moi ra lệnh bỏ tù, nhốt ông vào trại tù Kamiti Maximum Security, ông quyết định viết văn bằng ngôn ngữ Gĩkũyũ và Swahili.
Thời gian ngồi tù Ngũgĩ wa Thiong’o đã viết cuốn hồi ký ngục tù của một nhà văn Bị Cầm Tù trên những tấm giấy vệ sinh. Cho nên quyển hồi ký tuổi thơ Nhưng Giấc Mơ được sang tác bằng tiếng Gĩkũyũ và được chính tác giả chuyển sang Anh ngữ. Ngoài tuổi thơ và chiến tranh, ngôn ngữ sang tác của một nhà văn và kỹ thuật tự sự cũng là một chủ đề của cuốn hồi ký này. Nhưng có lẽ thông điệp giá trị nhất của quyển hồi ký là: dù một thời gian bị cắt đứt với văn hóa truyền và ngôn ngữ dân tộc, dù phải trả giá cao cho những mất mát về tâm lý, dù nghèo tùng cùng quẫn không có sách để học, không có đèn điện để đọc sách, bị khống chế đàn áp dưới những chế độ độc tài, là nhà văn sứ mệnh cao cả nhất vẫn là lòng can đảm nói lên sự thật.
Qua quyển hồi ký tuổi thơ Những Giấc Mơ, Ngũgĩ wa Thiong’o kể lại những kỷ niệm tuổi thơ của một đứa trẻ ở xứ Kenya đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, sự nghèo đói, và ách cai trị hà khắc của thực dân Anh nhưng xen vào đó là tình yêu gia đình quê hương sâu đậm.