Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô hôm 8/5 phản đối việc một chủ đầu tư khởi động lại công trình xây dựng tại một khu đất ở trung tâm Hà Nội. Hội Dòng khẳng định họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh khu đất thuộc về họ.
Công an chỉ đẩy các soeur ra, và còn văng tục, chửi các người dân cảm thấy bức xúc nâng đỡ các soeur, và bảo kê cho xã hội đen và chủ đầu tư mang dụng cụ vào đấy.Soeur Theresa Nguyễn Thị Tú
Vào chiều tối 8/5, nữ tu Theresa Nguyễn Thị Tú cho VOA biết một nhóm người đã đưa máy móc vào khu đất tại địa chỉ 5A-5B phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm vào sáng cùng ngày. Các nữ tu của hội dòng cùng với giáo dân đã phản đối hành động này. Đáp lại, nhóm người kia đã có hành vi “côn đồ”, quấy nhiễu, và thậm chí, hành hung các nữ tu và giáo dân.
Soeur Theresa cáo buộc rằng trong nhóm người, có một số “dân đầu gấu”, “dân xã hội đen” được thuê. Nữ tu cho biết thêm rằng công an có mặt tại vụ việc nhưng “không làm gì”:
“Công an chỉ đẩy các soeur ra, và còn văng tục, chửi các người dân cảm thấy bức xúc nâng đỡ các soeur, và bảo kê cho xã hội đen và chủ đầu tư mang dụng cụ vào đấy. Sau khi chủ đầu tư đã mang hết dụng cụ vào mảnh đất thì công an lên xe đi hết”.
Tranh chấp quanh khu đất rộng chừng 200m2 đã kéo dài nhiều năm nay. Một phụ nữ có tên là Trần Hương Ly hiện là chủ sở hữu mảnh đất với giấy chứng nhận sử dụng đất do nhà nước cấp, thường gọi là “sổ đỏ”, và cả giấy phép xây dựng.
Cách đây gần 2 năm, hồi cuối tháng 7/2016, khi bà Ly chuẩn bị xây dựng nhà trên khu đất, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đã phản đối bằng cách cầu nguyện hàng ngày tại địa điểm đó.
Hành động của các nữ tu đã dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm chỉ đạo cho cấp dưới là UBND Phường Trần Hưng Đạo ra thông báo yêu cầu bà Ly “tạm dừng thi công”.
Dòng Thánh Phaolô nói mảnh đất tại số 5 phố Quang Trung thuộc sở hữu của họ từ khoảng năm 1883.
Do những biến cố lịch sử, tháng 12/1954 một cơ quan y tế của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê nhà của Hội Dòng và từ đó những nhà đất này không được trả lại cho chủ cũ.
UBND quận Hoàn Kiếm đã âm thầm cho phường Trần Hưng Đạo ra một thông báo để chủ đầu tư làm mà chúng tôi không hề nhận được.Soeur Theresa, Dòng Thanh Phaolô
Hội Dòng cho VOA biết họ vẫn còn giữ các văn bản về quyền sở hữu, cho thuê bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Việc công trình của bà Ly được nối lại hiện nay, theo soeur Theresa, là “sai trái pháp luật” với sự tiếp tay không minh bạch của chính quyền địa phương. Bà nói:
“UBND quận Hoàn Kiếm đã âm thầm cho phường Trần Hưng Đạo ra một thông báo để chủ đầu tư làm mà chúng tôi không hề nhận được. Còn khi chúng tôi đi đến gặp thì không bao giờ tiếp chúng tôi cả, mà còn cho người ra cản trở, đánh, rình rập để các tu sĩ, nữ tu và giáo dân không thể đi ra khỏi nhà được”.
VOA chưa thể liên lạc được với nhà chức trách địa phương để làm rõ các cáo buộc nêu trên.
Vấn đề tranh chấp đất đai giữa phía chính quyền Việt Nam với các cơ sở tôn giáo rất phức tạp do lịch sử để lại.
Theo văn bản số 1940 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi tháng 12/2008 sau các sự cố tranh chấp đất đai tại Toà Nhà Khâm Sứ 42 Nhà Chung và Dòng Chúa Cứu Thế 178 Nguyễn Lương Bằng, cả hai đều ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cấm việc chuyển đổi mục đích các cơ sở có nguồn gốc tôn giáo để tránh nổ ra những bất ổn xã hội.
Ngoài ra, theo văn bản vừa nêu, những nơi nào còn sử dụng cho mục đích xã hội như trường học, trạm y tế hay công sở thì vẫn tiếp tục duy trì. Những nơi nào không sử dụng được, nếu có thể trả lại cho các hội, nhóm tôn giáo ban đầu thì trả lại; nếu không trả lại, cần giữ nguyên trạng.
Nữ tu Theresa Nguyễn Thị Tú cho VOA biết Dòng Thánh Phaolô đang cân nhắc làm việc với các luật sư Việt Nam và quốc tế để đưa tranh chấp về khu đất số 5 Quang Trung, Hà Nội, ra tòa.
Your browser doesn’t support HTML5