Các công ty đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để phòng ngừa việc Donald Trump sẽ áp thuế cao đối với Bắc Kinh nếu ông giành lại Nhà Trắng, và động thái sẽ được đẩy nhanh sau chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông, theo các nhà phát triển khu công nghiệp trong khu vực cho biết.
Ông Trump, người giành chiến thắng vang dội hôm 5/11, đã đe dọa áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức thuế từ 7,5% đến 25% mà ông áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đây được xem là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đông Nam Á – với các nhà máy ô tô và điện tử từ Thái Lan đến Việt Nam và Malaysia – có thể sẽ được hưởng lợi từ mất mát của Trung Quốc, theo hai giám đốc điều hành, hai nhóm doanh nghiệp, một luật sư và một nhà phân tích trong khu vực cho biết.
Các nhà phát triển khu công nghiệp đang tuyển thêm người nói tiếng Trung và chuẩn bị đất cho các nhà máy, một dấu hiệu cho thấy ông Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1, có thể sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi ông Trump chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống vào đầu năm nay, Tập đoàn WHA Group, một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan, đã nhận rất nhiều cuộc gọi từ khách hàng Trung Quốc, theo lời Tổng giám đốc điều hành Jareeporn Jarukornsakul.
"(Đã) có một đợt di dời đến Đông Nam Á, nhưng đợt này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn", bà Jarukornsakul cho biết, ám chỉ đến nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2017-2021.
Theo vị tổng giám đốc điều hành của WHA, tập đoàn này đang mở rộng lực lượng bán hàng và bổ sung thêm người nói tiếng Trung vào các nhóm giám sát việc bảo trì và quản lý các khu công nghiệp trải dài hơn 12.000 ha tại Thái Lan và Việt Nam.
Trong số 90 nhà máy đã mở cửa trong năm nay tại các khu công nghiệp do Amata Corp của Thái Lan điều hành trên khắp Đông Nam Á, khoảng hai phần ba là các công ty di dời cơ sở từ Trung Quốc, theo Vikrom Kromadit, người sáng lập kiêm chủ tịch của công ty phát triển này.
Trump ‘cần một số bạn bè’
Ông Vikrom cho biết ông Trump sẽ là một "cú đấm mạnh" vào Trung Quốc, có khả năng làm tăng gấp đôi số lượng các công ty muốn chuyển từ đó đến khu công nghiệp rộng 150 km2 của Amata tại 4 quốc gia Đông Nam Á.
Theo ông Vikrom, việc xây dựng khu công nghiệp Amata ở Lào sẽ bắt đầu vào tháng này, nơi Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Côn Minh ở phía tây nam Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào.
Thái Lan, một trung tâm sản xuất ô tô trong khu vực, đã thu hút hơn 1,4 tỷ USD đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vào ngành công nghiệp xe điện đang phát triển nhanh chóng của mình.
"Chúng tôi muốn có nhiều đầu tư từ Trung Quốc để chúng tôi có thể bán cho Mỹ", Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan nói.
"Tôi tin rằng điều này sẽ xảy ra", ông Pichai nói khi trả lời các phóng viên hôm 7/11. "Người Mỹ yêu mến chúng tôi, người Trung Quốc yêu mến chúng tôi – chúng tôi không phải chọn phe".
Malaysia, với hy vọng thu hút hơn 100 tỷ USD đầu tư mới vào lĩnh vực bán dẫn của mình, có thể hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng, theo lời các nhà lãnh đạo của hai nhóm doanh nghiệp.
"Sự thay đổi này có thể mang đến cho Malaysia những cơ hội mới để nắm bắt thị phần lớn hơn trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các thị trường quan trọng khác", Soh Thian Lai, chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia cho biết.
Nhưng rủi ro vẫn tồn tại, đặc biệt là với một số dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể cân nhắc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực, theo Leif Schneider, giám đốc công ty luật quốc tế Luther tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam, một nước xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ với thặng dư thương mại song phương 90 tỷ USD trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, đang chuẩn bị cho sự biến động dưới thời Trump.
"Trump sẽ phải lựa chọn – bạn có thể chống Trung Quốc, nhưng bạn sẽ cần có một số người bạn ở Đông Nam Á", bà Jareeporn cho biết. "Ông ấy là một nhà đàm phán, vì vậy chúng tôi sẽ đàm phán".