Thính giả Lê Tâm hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ!
Cháu năm nay 28 tuổi, cách đây khoảng 2 tháng, cháu bị co giật mí mắt liên tục sau đó khoảng nửa tháng thì hết giật,nhưng hiện tại mỗi khi cháu chớp mắt thì cơ mặt bên trái bị giật kéo theo cả cơ môi bên trái cũng giật theo.
Hiện tại cháu chưa đi khám ở đâu cả. Bác sĩ cho cháu hỏi bệnh của cháu nên đi khám ở đâu và điều trị như thế nào được không ạ?
Cháu cảm ơn!"
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Các cử động các cơ trên mặt chúng ta phụ trách biểu lộ các nét mặt khác nhau (cười, nhăn mặt, hút gió) được điều khiển do dây thần kinh mặt (thần kinh sọ số 7, TK7, 7th cranial nerve, facial nerve), một dây TK7 bên phải và một dây bên trái. Dây thần kinh số 7 phần lớn phụ trách vận động. 5-10 ngàn sợi thần kinh của dây thần kinh này đem mệnh lệnh từ não bộ đi ra khỏi cuống não (brainstem), thoát ra khỏi hộp xương sọ dưới tai, đi về hướng phía trước và chia thành 5 nhánh thần kinh đến các cơ liên hệ, trên 20 cơ mỗi bên mặt: cơ làm cho lông mày nhúc nhích, nhắm mắt, cử động các cơ chung quanh miệng. Nói chung là các cơ phụ trách biểu hiện trên khuôn mặt (facial expression).
Vị thính giả mỗi lần chớp mắt bên trái thì má và miệng cũng bên trái cùng giật theo. Hiện tượng một chuyển động không cố ý đi kèm theo một chuyển động cố ý (chớp mắt ) gọi là synkinesis (syn=cùng, kinesis=chuyển động), và thường xảy ra sau khi dây thần kinh sọ số 7 (thần kinh mặt) bị tổn thương và trong quá trình phục hồi ( phỏng theo FacialPalsyUK)(1)
“Đồng động (Synkinesis) là gì?
Synkinesis có nghĩa là sự phát triển của các chuyển động trên mặt được liên kết với nhau hoặc với những chuyển động không mong muốn.
Chứng này phổ biến và xảy ra ở phần lớn những người đang hồi phục từ chứng liệt mặt kéo dài.
Chứng này nhìn vào và cảm thấy như thế nào?
Chỉ có nửa mặt bị ảnh hưởng phát triển synkinesis.
Các khu vực thường bị ảnh hưởng nhiều nhất là mắt, má, cằm và cổ.
Synkinesis có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là một số ví dụ về cách thức mà synkinesis biểu lộ và cách người bịnh cảm nhận. Nên nhớ, synkinesis xảy ra ở mặt phía trái hay phải bị ảnh hưởng và có thể được quan sát rõ ràng hơn khi ta so sánh với phía mặt không bị ảnh hưởng:
-Bạn có thể nhận thấy mắt của bạn thu hẹp khi bạn mỉm cười.
-Má của bạn nâng lên khi bạn nhắm mắt lại.
-Bạn có thể nhận thấy cơ cổ của bạn siết chặt, căng lên khi bạn cố gắng huýt sáo.
-Mặt co giật, đặc biệt là ở má và đôi khi cằm, cũng là một hình thức của synkinesis.
-Các cơ mặt, kể cả những cơ trên trán, có thể trở nên căng thẳng, gây đau mặt và đôi khi đau đầu.
-Một số người nhận thấy khi họ ăn thì chảy nước mắt, nước mũi.
-Nhiều trường hợp, khi đang thư giãn, nửa mặt phía bị ảnh hưởng có thể có nếp nhăn má sâu hơn, gò má có thể cao hơn, khóe mắt hẹp hoặc khóe miệng kéo lên.
Cơ bị lầm tưởng là yếu, trong khi thực sự chúng co chặt hoặc cứng và thấy khó nhúc nhích.
Các triệu chứng như thế nào?
1) Trương lực cao trong cơ mặt của bạn (high tone in facial muscles): Điều này có nghĩa rằng mặc dù các cơ mặt trên nửa mặt bị ảnh hưởng của bạn có vẻ thoải mái khi bạn đang nghỉ ngơi, chúng thường thực sự làm việc nhiều hơn phía mặt bên kia. Khi bạn cố gắng nhúc nhích chúng có thể làm việc gấp hai hoặc ba lần so với bên nửa mặt còn tốt.
2) Cơ ngắn, căng cơ: Các cơ mặt có thể trở nên ngắn lại và chặt chẽ vì chúng luôn luôn làm việc quá sức. Cơ bắp làm việc quá sức trở nên ngắn và cứng khiến chúng khó di động, nhúc nhích khi bạn muốn biểu lộ một nét mặt nào đó.
3) Các chuyển động liên kết (coordinated movements): Dây thần kinh mặt đang phục hồi được cách điện (insulation) kém, dẫn đến mệnh lệnh di chuyển gửi đến một cơ cụ thể nào đó lại được cơ khác tiếp thu và chuyển động. Hậu quả là nhiều hơn một cơ chuyển động cùng một lúc (ví dụ, khi bạn mỉm cười, mắt bạn đóng lại). Theo thời gian những chuyển động liên kết này trở thành một thói quen và mặc dù các dây thần kinh phục hồi, các chuyển động xảy ra thường xuyên vẫn còn tồn tại.
4) Giảm phối hợp (reduced coordination): Sau bất kỳ chấn thương nào thì khó có thể phối hợp vận động và cơ bắp đúng cách khi bạn hồi phục. Cơ bắp có xu hướng làm việc cùng một lượt hơn là làm công việc riêng rẻ của nó.
5) Trình tự chuyển động kém (poor movement sequencing): Sau khi chấn thương cơ thể của bạn có xu hướng quên đi những chuyển động nào sẽ xảy ra trước tiên, chuyển động nào sẽ xảy ra sau; tất cả sẽ xảy ra như một chuyển động đồng loạt trông không tự nhiên. Đôi khi các cơ bắp co không đúng lúc có thể kéo và chống lại các cơ bắp đang co đúng lúc, ngược chiều với nhau. Kết quả là không có chuyển động nào có thể xảy ra khi các tác dụng các cơ đang hủy lẫn nhau.
6) Các chuyển động áp đảo (dominant movement): Phía mặt không bị tổn thương hoặc cơ bắp co lại không đúng lúc có thể mạnh hơn các cơ mà bạn muốn nhúc nhích, chuyển động. Chuyển động bạn đang thực sự cố gắng thực hiện bị lu mờ bởi những lực kéo của các cơ mạnh mẽ hơn và vì thế không thực hiện được, không thể nhìn thấy được.
Bạn có thể làm gì để cải thiện synkinesis?
Hãy hỏi bác sĩ giới thiệu bạn đến một chuyên gia trị liệu ngôn ngữ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu có kiến thức chuyên môn về phục hồi chức năng mặt (speech and language therapist or physiotherapist who has specialist knowledge in facial rehabilitation). Bác sĩ trị liệu của bạn sẽ giải thích về synkinesis và nguyên nhân của bịnh này.
Bạn cũng sẽ tìm hiểu để xác định những cơ nào hoạt động bình thường trong quá trình của một vận động (ví dụ lúc chớp mắt, cười, hút gió) và do đó các cơ nào không cần thiết đang can thiệp vào cử động chính mà mình thực sự muốn.
Tránh đi đến những người không thông thạo về phép trị liệu này vì tập sai có thể là chứng đồng động tệ hơn trước.
Bạn sẽ yêu cầu chuyên viên vật lý trị liệu lập một chương trình tập các cơ tại nhà đáp ứng với nhu cầu cá nhân của mình.
Trong một số trường hợp, có thể cần đến điều trị bằng tiêm độc tố Botulinum, để làm giảm hoạt động của các cơ synkinetic và cân bằng các chuyển động của các cơ mặt.”
Chích độc tố botulinum vào các bắp thịt ở mặt với hướng dẫn bằng máy đo điện các cơ (botox injection with electromyographic guidance).
Biến chứng có thể xảy ra: sụp mí mắt, méo mặt, yếu cơ mặt, thường chỉ tạm thời.
Chích botulinum A toxin (vd Botox) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Thuốc do một con vi khuẩn sản xuất, chích vào cơ liên hệ làm gián đoạn truyền dẫn thần kinh từ dây thần kinh qua cơ và làm cho cơ tê liệt. Cơ chế: sự phóng thích của acetylcholin nhờ trung gian của Calci vào khớp nối liền giữa các dây thần kinh bị ức chế. (Botox inhibits the calcium‐mediated release of the acetylcholine into synaptic junction). Thông thường dùng với mục đích thẩm mỹ, xoá các vết nhăn trên mặt. Trong trường hợp này các cơ (bắp thịt ) ở mặt không giật nữa. Sau 3-5 ngày, bịnh nhân cảm thấy thuyên giảm. Thuốc tác dụng được 3- 6 tháng thì hết tác dụng, thường vài tháng phải chích lại ngăn chặn co giật tái xuất hiện. Kết quả tốt trong 75-100% trường hợp [4]. Trong trường hợp hiếm, sau nhiều năm dùng thuốc có thể thuốc sẽ giảm hiệu nghiệm do cơ thể sinh ra kháng thể chống lại thuốc (immuno-resistance).
Tóm lại, trước hết, nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 3 tháng, nên nhờ bác sĩ thần kinh khám xem mình bị bịnh gì, bác sĩ có nghĩ rằng trước đây mình có bị chứng liệt dây thần kinh số 7 (Bell's palsy) hay không. Nếu bác sĩ quan sát thấy chứng synkinesis, bác sĩ sẽ giới thiệu với chuyên gia vật lý trị liệu chuyên về mặt thích hợp. Một số người dùng châm cứu, nhưng nên chọn người có kinh nghiệm về loại bịnh này, và nói chung người ta khuyên không nên dùng châm cứu bằng dòng điện. Chích botox có thể giúp làm giảm các chuyển động ngoài ý muốn trên mặt đi kèm những chuyển động có ý thức, nhưng cần người có được huấn luyện và kinh nghiệm trong bịnh này.
Xin nhắc lại tất cả các nhận xét trên chỉ có tính cách thông tin tổng quát. Bịnh nhân cần được bác sĩ riêng khám cho mình và có quyết định cần thiết.
Quý vị có thể xem video sau đây trên you tube: Facial palsy: Management of synkinesis. <https://www.youtube.com/watch?list=PLkCfpFWBbgM0n_XIbyKk643ke9FMXq4QM&time_continue=16&v=C7BVz04WMnQ
References:
- Phần này phỏng theo một bài viết hướng dẫn bịnh nhân của Facial PalsyUK
https://www.facialpalsy.org.uk/support/patient-guides/synkinesis-advice/ - Tan N. C. , Chan L.L. Tan E. K. Hemifacial spasm and involuntary facial movement http://qjmed.oxfordjournals.org/content/95/8/493
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 3 tháng 12 năm 2018
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.