Số phận Đồng Bằng Sông Cửu Long phải chờ Thủ Tướng mới?

Đồng Bằng Sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016. [nguồn: VN Express 3/11/2016]

12 năm sau khi phá bỏ phà Rạch Miễu (1999), Việt Nam vừa chi 111 tỉ để… khôi phục lại phà Rạch Miễu vì cầu Rạch Miễu – cây cầu giúp Bến Tre thông thương với bên ngoài bằng hệ thống giao thông đường bộ liền lạc - bị… quá tải, lưu lượng phương tiện qua lại đã tăng gấp ba lần so với thiết kế (1)!

Cầu Rạch Miễu (trị giá 3.300 tỉ) bị quá tải là tình huống vốn đã được dự liệu… trước khi khởi công nhưng Việt Nam vẫn xây dựng cây cầu chỉ có bốn làn cho tất cả các loại xe từ hai bánh trở lên qua lại vì… không có tiền?!. Năm 2006 - bảy năm sau khi khánh thành cầu Rạch Miễu - Việt Nam bắt đầu tính đến việc xây dựng cầu Rạch Miễu thứ hai nhưng dự định đó được nâng lên, đặt xuống nhiều lần trong suốt bốn năm (2). Cuối năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam mới chính thức chấp thuận đầu tư, xây cầu Rạch Miễu 2.

Tiền xây cầu Rạch Miễu 2 cũng hết sức nhiêu khê, lúc đầu, chính phủ tính khoán cho Bến Tre tự tìm nhà đầu tư theo dạng… xã hội hóa (3)! Sau đó, có thể vì thấy quá… kỳ với dân chúng Bến Tre nói riêng và dân chúng ĐBSCL nói chung, chính phủ mới đồng ý lấy 5.100 tỉ từ ngân sách để làm cầu (4), còn lúc nào khởi công thì… chưa biết!

***

Cầu Rạch Miễu chỉ là ví dụ mới nhất minh họa cho nhận thức và cách hành xử dường như hết sức nhất quán đối với ĐBSCL của hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam. Càng ngày, tương lai của ĐBSCL - nơi cư trú của khoảng 17 triệu người – càng ảm đạm vì thiên tai và nhân họa.

Khu vực có diện tích khoảng 40.500 cây số vuông, từng nổi tiếng vì sự phong phú của đủ loại sản vật tự nhiên, từng là vựa lúa cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng, 60% lượng thủy sản xuất cảng, giữa thập niên 2010 còn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của Việt Nam (6,8%) tiếp tục tuột từ từ xuống đáy vì cơ hội sinh tồn, phát triển giảm dần (hạn hán, sông rạch, ruộng vườn nhiễm mặn, sạt lở, sụt lún, hạ tầng không theo kịp như cầu,… càng ngày càng trầm trọng).

Thảm trạng đó không đơn thuần vì những đập nước ở thượng nguồn Mekong và thời tiết dị thường. Xét cho đến cùng, nguyên nhân chính nằm ở tư duy quản trị và năng lực điều hành (biến những vùng trũng từng là nơi tích nước cho ĐBSCL thành ruộng lúa, thực hiện đủ thứ dự án nhằm tăng sản lượng gạo, vì “chỉ tiêu tăng trưởng” cho phép xây dựng những nhà máy mà hoạt động hủy hoại cả môi trường sống lẫn nguồn nước khiến nguồn nước ô nhiễm trầm trọng phải bù đắp bằng gia tăng khai thác nước ngầm,...)!

Xưa nay, ĐBSCL – vựa lúa giúp Việt Nam duy trì an ninh lương thực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế hàng năm nhờ gạo và các loại nông sản, thủy sản xuất cảng – nổi tiếng còn vì chỉ bị buộc đóng góp chứ không được nhận lại gì. Do không được đầu tư thỏa đáng cả về hạ tầng giao thông lẫn giáo dục, y tế, cộng với những tác động bất lợi của các công trình thủy điện ở thượng nguồn Mekong và biến đổi khí hậu, ĐBSCL càng ngày càng trở thành nơi khó sống, cư dân lũ lượt bỏ xứ tha phương cầu thực.

Báo cáo Kinh tế thường niên 2020 về ĐBSCL cho biết, trong mười năm gần đây đã có 1,1 triệu cư dân ĐBSCL ly hương. Con số này vượt xa dân số một tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Đó là lý do khiến ĐBSCL trở thành khu vực có tỉ lệ xuất cư cao nhất, nhập cư thấp nhất và là khu vực duy nhất ở Việt Nam có tỷ lệ tăng dân số là 0% suốt mười năm.

***

Trước những chỉ trích kịch liệt về cách đối xử thiển cận, bạc bẽo đối với ĐBSCL, năm 2017, chính quyền Việt Nam công bố nghị quyết về “phát triển bền vững ĐBSCL” và cứ hai năm lại tổ chức đánh giá việc thực hiện nghị quyết này một lần. Đã rất nhiều lần những viên chức hữu trách như Thủ tướng Việt Nam, thề thốt: Sẽ có các giải pháp cụ thể nhằm phát triển ĐBSCL chứ không phải chỉ đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện. Không để như người ta nói “nước đổ lá môn”, chảy tuồn tuột hếtHàng năm sẽ xem những gì đã nói, đã làm đến đâu và phải làm gì thêm để giúp ĐBSCL phát triển bền vững (6).

Những hứa hẹn ấy chính xác đến mức nào? Theo các chuyên gia của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và FSPPM (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) – hai nơi phối hợp khảo sát, thực hiện Báo cáo Kinh tế thường niên 2020 về ĐBSCL: Vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các khu vực khác ở Việt Nam vì phải thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước nên chậm chuyển dịch sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn. Đến giờ, một trong những nguyên nhân chính khiến chuyển dịch – phát triển công nghiệp ì ạch vẫn là bị cản trở bởi nút thắt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với Đông Nam Bộ.

Sau đại hội 13, vài tháng nữa Việt Nam sẽ có Quốc hội mới và chính phủ mới. Tuy ông Nguyễn Xuân Phúc tái đắc cử vào BCH TƯ đảng, Bộ Chính trị nhiệm kỳ 13 nhưng nhiều người tin rằng, Thủ tướng mới sẽ là một nhân vật khác. Giai đoạn được nghe những tuyên bố, hứa hẹn dành cho ĐBSCL của những Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc coi như đã hết. Thời của ĐBSCL cũng đã gần… hết và chưa rõ vận mệnh của ĐBSCL sẽ… hết hẳn sau mấy đời… Thủ tướng nữa!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/pha-rach-mieu-chinh-thuc-hoat-dong-chia-lua-voi-cau-rach-mieu-20210127085427745.htm

(2) https://tuoitre.vn/cau-qua-tai-ben-tre-tien-giang-dua-pha-rach-mieu-tro-lai-hoat-dong-20210127214714296.htm

(3) https://plo.vn/do-thi/hai-phuong-an-xay-cau-rach-mieu-2-738217.html

(4) http://www.tapchigiaothong.vn/xay-cau-rach-mieu-2--chon-phuong-an-dung-ngan-sach-hoan-toan-d73266.html

(5) https://danviet.vn/10-nam-dbscl-co-gan-11-trieu-dan-bo-xu-ra-di-lon-hon-so-dan-cua-mot-so-tinh-trong-vung-20201213122342516.htm

(6) https://vtv.vn/trong-nuoc/thu-tuong-chu-tri-dien-dan-ve-dbscl-khong-de-nuoc-chay-la-mon-20190618164719671.htm