Đa số công chúng Hàn Quốc ủng hộ Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông sắp tới và xem đó như là một nỗ lực thúc đẩy cho sự hợp tác với miền Bắc có vũ khí hạt nhân, nhưng công chúng không đồng tình với quyết định thành lập chung một đội tuyển khúc côn cầu nữ. Những người chỉ trích nói rằng việc lập đội tuyển chung này đặt chính trị lên trên việc tranh tài thể thao công bằng.
Kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 80% người Hàn Quốc hoan nghênh quyết định của Triều Tiên cử một phái đoàn lớn đến dự Olympic Pyeongchang 2018 ở Hàn Quốc. Nhưng 70% phản đối việc thành lập một đội tuyển chung.
Ông Lee Hae-jun, một cư dân ở Seoul nói: “Tôi cho rằng điều đó không phù hợp. Tôi cảm thấy đó dường như là một hình thức quảng bá cho một kết quả chính trị.”
Quyết định hôm thứ Tư 17/1 đưa các cầu thủ Bắc Triều Tiên vào đội tuyển khúc côn cầu nữ của Hàn Quốc – đội đã có suất tranh tài tại Olympic – được nhiều người cho là bất công đối với các cầu thủ miền Nam, những người đã nỗ lực vượt bậc để giành cho mình một vị trí trong đổi tuyển.
Huấn luyện viên đội khúc côn cầu Hàn Quốc Sarah Murray trước đó đã bày tỏ lo ngại rằng việc này sẽ gây bất lợi về khả năng thi đấu của đội.
Huấn luyện viên Murray nói: “Đưa một cầu thủ mới vào đội tuyển tại thời điểm rất sát với cuộc tranh tài Olympic là khá mạo hiểm đứng về mặt phối hợp ăn ý trong thi đấu. Các tuyển thủ của đội đã thi đấu và tập luyện chung với nhau qua một thời gian dài.”
Ủy ban Olympic Quốc tế và Ủy ban Olympic Quốc gia của hai miền Triều Tiên phải nhất trí với nhau về việc kết hợp hai đội tuyển nữ thành một đội chung trước khi vị trí của các cầu thủ trong đội tuyển được thay đổi.
Mục tiêu Olympic
Nhưng đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, mục tiêu cao cả hơn Olympic này là thăng tiến hòa bình và hướng đến giải trừ hạt nhân với chế đàn áp và bị cô lập của Kim Jong Un.
Tổng thống Moon phát biểu khi đến thăm địa điểm Olympic Pyeongchang hồi đầu tuần này: “Nếu Nam-Bắc Triều Tiên hợp nhất thành một đội chung để tranh Olympic, tôi nghĩ đó sẽ là một thời khắc lịch sử. Không những chỉ người Triều Tiên thôi, mà mọi người trên thế giới sẽ xúc động chứng hiến một thời khắc lịch sử như vậy, và đó sẽ là một khởi động mạnh để giải quyết các vấn đề liên Triều..”
Mặc dù đa số người Hàn Quốc không tán thành việc đưa chính trị vào thể thao, nhưng một số người nói rằng thăng tiến hòa bình là một phần thưởng cao quý hơn huy chương vàng.
Ông Kum Joo-wook, một cư dân Seoul nói: “Tôi cho rằng chúng ta cần phải hy sinh cho một tương lai tươi sáng hơn, và nếu chúng ta có thể chung sống hòa bình được với Bắc Triều Tiên, thì không còn gì tốt hơn như vậy.”
Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2017, nhà lãnh đạo cấp tiến của Seoul đã nỗ lực tìm cách cân bằng giữa các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng cứng rắn hơn với việc gia tăng tiếp xúc nhằm thuyết phục chính phủ Kim Jong Un quay trở lại bàn đàm phán về việc chấm dứt tham vọng hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Phái đoàn Bắc Triều Tiên
Trong cuộc đối thoại liên Triều mới đây, Bình Nhưỡng nhận lời mời của Seoul sẽ tham dự tham dự Olympic mùa Đông và hai bên cũng đồng ý xúc tiến đối thoại về quân sự để hạ giảm nguy cơ xảy ra xung đột.
Ngoài việc tiến hành thành lập đội tuyển nữ khúc côn cầu hợp nhất, hai bên trong tuần này sẽ làm việc chi tiết về phái đoàn 400 người của Triều Tiên sang Hàn Quốc tham dự Olympic.
Các chi tiết thảo luận sẽ bao gồm:
Các vận động viên của hai miền Nam-Bắc diễu hành chung với nhau dưới ngọn cờ thống nhất Triều Tiên tại lễ khai mạc Olympic.
Triều Tiên sẽ cử một đội cổ vũ 230 người đến cổ vũ cho cho cả hai đội Bắc và Nam Triều Tiên tại Olympic
Triều Tiên sẽ cử một đội biểu diễn taekwondo 30 thành viên mà một dàn nhạc giao hưởng lớn sang biểu diễn ở Pyeongchang và Seoul.
Triều Tiên cũng sẽ tham gia Paralympics diễn ra tiếp theo sau Olympic.
Và các đội trượt tuyết của hai bên sẽ tập luyện tại khu trượt tuyết ở Núi Kumgang của Bắc Triều Tiên trước Olympic.