Đôi điều về dịch thuật (phần hai)

  • Trịnh Thư
PHẦN 2

4.

Bạn hỏi tôi tại sao chọn con đường dịch thuật. Không, tôi đâu có chọn nó. Nó chọn tôi đấy chứ. Dịch mệt lắm. Dịch còn có nghĩa là sai khiến. Với tôi, nó đồng nghĩa với “dịch vật”. Từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh định nghĩa “dịch vật” là “Sai khiến mọi vật, như dùng trâu cày dùng ngựa cỡi.” Đôi khi người dịch chẳng qua chỉ là con trâu kéo cày, bảo gì làm nấy, đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Và “dịch vật” nhất là dịch thơ.

Dịch một bài thơ có lẽ nhanh chóng hơn dịch một cuốn tiểu thuyết nhưng chưa chắc đã dễ dàng hơn. Tôi không tin tưởng vào việc dịch thơ lắm mặc dù trước đây tôi có lai rai dịch một số thơ của Yevgeny Yevtushenko, Boris Pasternak, Czeslaw Milosz, Robert Frost . . . sang Việt ngữ, phần lớn là những bài tương đối dễ dịch, dễ hiểu, không đòi hỏi chữ nghĩa ẩn mật hoặc tư duy siêu hình. Có nhiều lập luận chống đối việc dịch thơ, phần lớn là của các nhà thơ. Họ bảo bản dịch không bao giờ lột tả được trọn vẹn cái phong phú và ẩn mật của chữ nghĩa trong nguyên tác. Quả tình tôi không rõ lắm, hoang mang là đằng khác, và mỗi lần dịch thơ, tôi đều cảm thấy có cái gì bất ổn.

Nghệ thuật thơ là phương thức phối từ trong câu thơ khiến cho ý thơ trở nên phong phú, tạo phong cách nghệ thuật, gây thú vị nơi người đọc. Mỗi từ đứng riêng một cõi xem tầm thường vô vị nhưng khi kết hợp nhau nhờ cây đũa thần của nhà thơ bỗng như mang sức mạnh truyền tải cảm xúc mạnh mẽ. Giở ra một bài thơ nổi tiếng của một thi hào lớn nào đó, tôi thấy các từ ngữ ăn nằm với nhau như các gam màu trên bức tranh tuyệt hảo và hồ như chúng chỉ có tác dụng ở ngôn ngữ của nguyên tác thôi, khi chuyển sang ngôn ngữ khác, hiệu ứng đó mất sạch. Tôi không rõ lắm, chỉ mơ hồ nhận biết như vậy. Nhưng bạn cứ để tôi tiếp tục dịch bài thơ. Rồi nhạc tính trong thơ. Tôi phải cải biên tính nhạc của bài thơ như thế nào để khúc giao hưởng hoành tráng tuyệt vời đừng biến thành giai điệu tưng từng tứng tưng từng vô vị, gượng ép. Rồi cảm xúc của bài thơ—nếu bạn theo tôi trèo lên tầng thứ hai của thi phẩm—sẽ ra sao nếu chúng ta cho nó cái đời sống mới mà chúng ta o ép gán lên nó? Ngoại trừ những thể thơ cố tình chối từ cảm xúc (mà từ lâu tôi ngưng theo dõi vì quá ngán ngẩm), phần lớn thi ca của nhân loại đều mang nặng tính trữ tình. Ở đó, trĩu nặng đằng sau mỗi từ ngữ, mỗi con chữ, là cả một khung trời, một mảnh đất, một dòng sông, một con phố, một dung nhan, một tình yêu, một cành cây, một phiến đá, một ngôi nhà, một thành quách, một đền đài, một kỉ niệm, một quãng đời, một lịch sử, một thời đại đặc trưng mà khi chuyển ngữ chúng như bị lưu đày sang mảnh đất hoàn toàn khác lạ. Những con chữ thốt nhiên hoảng loạn; chúng li tán, ngơ ngác, loạn xạ; lai lịch chúng biến đâu mất, bản lai diện mục chúng không còn mà còn lại chỉ là những xác chữ vô hồn. Bài thơ trở nên vô cảm. Tôi nhìn những từ ngữ đường bệ hạnh phúc nằm bên nhau trong bài thơ nguyên tác bỗng thấy tội nghiệp cho chữ nghĩa của tôi nhếch nhác buồn thảm như những khuôn mặt đám lưu dân vô tổ quốc bên bài thơ dịch và tôi vò nát trang giấy rồi ném nó vào sọt rác.

Có lẽ tôi sẽ vẫn dịch thơ nhưng quả thật đó chỉ là công việc của người học trò tập tành làm thơ.


5.

Các nền văn học dân tộc trên thế giới hầu hết đều có truyền thống dịch thuật lâu dài. Nhiếu chứng tích thư tịch cổ cho thấy loài người đã dịch từ khi có ngôn ngữ viết. Sự trưởng thành của nền văn học dân tộc nào cũng kèm theo sự trưởng thành của các cao trào dịch thuật. Riêng ở Mĩ, xứ sở tôi đang sinh sống, gần như không có tác phẩm nghệ thuật quan trọng nào không được dịch sang Anh ngữ, từ Homer đến Đường thi, Hài cú. Thậm chí Tôn Tử Binh Pháp của Tôn Tử viết từ thời Chiến Quốc bên Trung Hoa cũng có chí ít hai ba bản dịch khác nhau. Tác phẩm của những nhà văn quan trọng ngoài dòng văn học những quốc gia nói tiếng Anh đều có bản dịch bày bán cho công chúng. Đó là thành tựu to tát xây đắp bởi nhiều thế hệ. Tri thức của nhân loại mấy ngàn năm bạn có thể đọc hết chỉ cần bạn thông thạo Anh ngữ (và có thời gian).

Đó là những điều tôi chứng kiến, bởi thế tôi rất ngạc nhiên khi bạn bảo tôi “… nước Mĩ, vì ít bị áp bức trong vấn đề tự do ngôn luận, nên đã không có một truyền thống mạnh về dịch thuật.” Tôi không đồng ý chút nào về lập luận này. Đúng hơn, dịch giả Mĩ là những người thầm lặng bị lãng quên. Tên tuổi họ không ai biết đến. Họ là chuyên gia, mà chuyên gia thì xoàng quá, ai cũng có thể làm được, chỉ cần chịu khó học hành và lao động. Đa phần người ta nghĩ như thế. Lại tủ sách lấy xuống cuốn One Hundred Years of Solitude của Gabriel García Márquez, tìm mãi tôi mới thấy tên dịch giả Gregory Rabassa nhỏ xíu nằm khiêm nhường ở trang trong. Họ cũng ít ồn ào. Chẳng bao giờ bạn nghe tin một dịch giả bị công an chính quyền độc tài bỏ tù vì những gì ông ta dịch. Bạn cũng chẳng bao giờ thấy dịch giả đi diễn thuyết trước công chúng nói về những điều trong dịch phẩm của ông. Ê, nếu tôi muốn biết tường tận về tác phẩm X thì tôi tìm đến nghe tác giả nó nói chuyện chứ việc gì tôi phải nghe một người second-hand như ông! Hơn nữa, văn học Mĩ quá phong phú và đa dạng, độc giả Mĩ không có nhiều nhu cầu tìm đọc các tác phẩm nước ngoài. Dịch phẩm đa phần được chiếu cố bởi giới trí thức, kinh viện ngoại trừ những tác phẩm nổi tiếng được công chúng biết đến qua báo chí, truyền thông vì nó dính líu đến khía cạnh chính trị.

Phần lớn dịch giả cũng là học giả, giáo sư Đại học, chuyên gia văn học so sánh, nghiên cứu sinh về ngôn ngữ và văn hóa thế giới. Họ làm việc với tinh thần nghiên cứu và dịch thuật luôn luôn là một chuyên đề cho họ bàn thảo. Dịch giả Mĩ hồ như là chuyên gia nhiều hơn là nhà văn, có lẽ tệ hơn thế, một người cạo giấy, một anh thợ thủ công nghệ.


6.

Dịch. Lao động thì như “dịch vật” lại còn bị người đời xem như anh thợ thủ công nghệ. Có thể tôi đang tô son trát phấn, trang điểm lộng lẫy cho cô Chung Vô Diệm chăng? Nghề văn vốn dĩ đã bạc bẽo, nghề dịch có lẽ còn bi thảm hơn.

Một hôm chiều thứ sáu vợ tôi gọi dây nói trong lúc tôi đang làm việc ở cơ quan, “Anh ơi, tối nay về sớm anh pha bột cho em làm bánh nhé. Recipe em để sẵn trong bếp.” “Được rồi, chuyện nhỏ, em yên trí.” Tôi trả lời. Tôi về nhà đọc recipe của vợ và sắn tay áo pha bột làm bánh sinh nhật cho thằng con. Trong recipe có câu “Then pour in 5 cups of water.” Ồ, dễ quá, 5 “tách” nước đổ vào tô bột rồi cho máy đánh vào quậy. Quậy bột nên hồ. Tôi vừa làm vừa ư ử trong cổ một điệu nhạc quen thuộc. Phen này vợ tôi phải phục tài nội trợ của tôi sát đất mất thôi. Tôi làm xong bỏ đi tắm, chờ cô về nướng cái bánh tuyệt hảo.

“Giời ơi! Anh làm gì mà bột nhão như cháo loãng thế này!” Tiếng vợ tôi kêu lên thảng thốt. Mặt tôi đang hí hửng bỗng xịu xuống như mèo mắc mưa. “Ơ … thì anh làm đúng theo recipe của em đấy thôi.” Tôi chống chế. “Đây này, đổ vào 5 cup nước.” Vừa nói tôi vừa đưa cô xem cái tách cà phê tôi vẫn dùng uống cà phê mỗi sáng trước khi đi làm.

“Giời ơi là giời! Cup là cái này đây, ông ơi là ông!” Cô mở tủ bếp lấy ra một cái “cup” thủy tinh trên có những đường chỉ màu xanh vạch ngang, trên mỗi đường chỉ lại có thêm hàng chữ 1 cup, 2 cups, 3 cups chỉ định dung lượng của chất lỏng bên trong. Hiển nhiên một “tách” cà phê của tôi tương đương với 2 cups của cô! Thật là tai hại! Và sự nghiệp làm đầu bếp của tôi chấm dứt từ hôm đó.

Lost in translation. I rest my case.

* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.