Doanh số vũ khí toàn cầu tăng nhờ chiến tranh và căng thẳng khu vực

Vũ khí Mỹ được sử dụng trong cuộc chiến Ukraine

Doanh số của các hãng vũ khí lớn đã được thúc đẩy vào năm ngoái do các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza và căng thẳng ở châu Á, với sự gia tăng đáng kể cho các hãng vũ khí Nga và Trung Đông, theo một phúc trình được công bố hôm 2/12.

Doanh số vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới đạt tổng cộng 632 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, tăng 4,2%, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết.

Nó đã giảm vào năm 2022 do những hãng vũ khí khổng lồ toàn cầu không có khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng, nhưng nhiều hãng trong số này đã xoay sở để tái khởi động sản xuất vào năm 2023, theo phúc trình.

Trong dấu hiệu của nhu cầu gia tăng mạnh mẽ này, tất cả 100 công ty này lần đầu tiên đều đạt được doanh thu hơn một tỷ đô la vào năm ngoái.

“Doanh số vũ khí đã gia tăng đáng kể vào năm 2023 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2024,” ông Lorenzo Scarazzato, nhà nghiên cứu tại chương trình SIPRI về chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí, được dẫn lời nói.

Doanh số của 100 nhóm hãng vũ khí hàng đầu thế giới ‘chưa thể hiện đầy đủ quy mô nhu cầu và nhiều công ty đã tung ra các chiến dịch tuyển dụng, cho thấy sự lạc quan của họ cho tương lai’, ông nói thêm.

Các hãng vũ khí nhỏ hơn đã đáp ứng nhu cầu mới gia tăng này hiệu quả hơn liên quan đến các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, căng thẳng gia tăng ở Đông Á và các chương trình tái vũ trang ở các khu vực khác, SIPRI chỉ ra.

“Nhiều hãng trong số này chuyên về một thành phần hoặc xây dựng các hệ thống chỉ cần một chuỗi cung ứng duy nhất, cho phép họ phản ứng nhanh hơn,” Nan Tian, giám đốc chương trình chi tiêu quân sự, nói với AFP.

Là nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, các tập đoàn Mỹ ghi nhận doanh số tăng 2,5% vào năm 2023 và vẫn chiếm một nửa doanh thu vũ khí toàn cầu, với 41 công ty Mỹ nằm trong số 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới.

Lockheed Martin và RTX (trước đây là Raytheon Technologies), hai tập đoàn vũ khí lớn nhất thế giới, đã ghi nhận sự sụt giảm doanh số.

“Họ thường dựa vào chuỗi cung ứng phức tạp, nhiều tầng nấc, khiến họ dễ bị tổn thương trước những thách thức chuỗi cung ứng kéo dài đến năm 2023,” ông Nan Tian cho biết.

Châu Âu, với 27 công ty, có doanh số chỉ tăng 0,2% vào năm ngoái, vốn che đậy hai thực tế khác nhau.

Các tập đoàn châu Âu sản xuất các hệ thống vũ khí phức tạp vẫn đang làm việc theo các hợp đồng cũ vào năm ngoái, vốn không phản ánh chuỗi đặt hàng mới được ghi nhận kể từ đó.

Mặt khác, các hãng khác ‘chứng kiến doanh thu của họ tăng đáng kể, được thúc đẩy bởi nhu cầu do cuộc chiến ở Ukraine,” nhất là đạn dược, pháo binh và hệ thống phòng không và hệ thống mặt đất, SIPRI viết.

Các số liệu của Nga, mặc dù không đầy đủ, cho thấy tác động của một nền kinh tế chủ yếu do chiến tranh thúc đẩy.

Doanh số của hai tập đoàn Nga trong bảng xếp hạng cho thấy mức tăng 40%, chủ yếu là nhờ doanh số của tập đoàn nhà nước Rostec tăng 49%, theo SIPRI.

Các hãng vũ khí Trung Đông đã khởi sắc nhờ cuộc chiến ở Ukraine và những tháng đầu tiên sau khi Israel tấn công vào Gaza hồi tháng 10 năm 2023.

Ba hãng vũ khí Israel trong bảng xếp hạng đã công bố doanh thu kỷ lục 13,6 tỷ đô la, trong khi ba tập đoàn có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như hãng drone Baykar, đã chứng kiến doanh số của họ tăng 24%, do được thúc đẩy bởi cuộc chiến ở Ukraine và mong muốn phát triển quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc tái vũ trang nói chung ở châu Á đặc biệt thấy rõ với sự gia tăng doanh số của bốn hãng vũ khí Hàn Quốc và năm hãng Nhật Bản, với chín hãng Trung Quốc đang chờ thời trong bối cảnh ‘nền kinh tế chậm lại’.