Doanh nghiệp nước ngoài ở Philippines theo dõi sát bầu cử tổng thống

  • Simone Oredain

Các tòa nhà chung cư mọc lên phía sau khu dân cư trung lưu ở Mandaluyong, Manila.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài tại Philippines cho biết họ sẽ theo dõi sát cuộc bầu cử vào tháng 5 tới đây, khi cử tri Philippines chọn ra một vị tổng thống mới. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.

Các thành viên của Phòng Thương mại Nước ngoài Hỗn hợp ở Philippines đã bày tỏ lo ngại là những vấn đề khó khăn làm cho nước này không thể thu hút thêm các công ty đa quốc có lẽ sẽ không được giải quyết một cách nhanh chóng.

Hôm thứ ba, Phòng Thương mại Nước ngoài đã nghe những người đại diện của 5 ứng viên tổng thống hàng đầu trình bày điều mà tổ chức này gọi là “những ý tưởng mạnh bạo” cho thập niên tới.

Tại Philippines, nhiệm kỳ tổng thống dài 6 năm và chỉ được phục vụ một nhiệm kỳ.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm kiếm những giải pháp mà họ nói sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm, giảm thiểu nghèo túng và làm cho Philippines tăng sức cạnh tranh trên thế giới.

Lâu nay Phòng Thương mại Nước ngoài Hỗn hợp vẫn thường than phiền là những luật lệ của Philippines gây cản trở cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm cho nước này kém xa các nước khác ở Đông Nam Á có những nền kinh tế tương tự.

Chủ tịch Phòng Thương mại Canada, ông Julian Payne, nói ông “không hài lòng” với một số câu trả lời về việc nới lỏng một số sự hạn chế.

"Những vấn đề đó là những vấn đề nằm trong “Danh sách Tiêu cực đối với Đầu tư Nước ngoài” và có thể được loại bỏ mà không cần tu chính hiến pháp. Và có rất nhiều những sự hạn chế có tính chất bảo hộ mậu dịch trong các luật lệ của chính phủ và các cơ quan quản lý của chính phủ. Tôi nghĩ rằng đó là những sự hạn chế có triển vọng nhiều nhất để được loại bỏ ngay."

Trong số các điều nằm trong Danh sách Tiêu cực nhưng không ghi vào hiến pháp có một sự giới hạn 40% đối với quyền sở hữu chung cư và 40% đối với các hợp đồng cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho các cơ quan chính phủ.

Nhưng điểm tranh cãi chính là những sự giới hạn hiến định của quyền sở hữu doanh nghiệp với tỉ lệ 60% địa phương và 40% nước ngoài. Năm 2014, Tổng thống Benigno Aquino ký một luật lệ cho phép người nước ngoài sở hữu 100% các ngân hàng để thu hút thêm đầu tư quốc tế.

Trong mấy mươi năm nay, các công ty đa quốc bày tỏ sự khó chịu đối với việc đầu tư hàng triệu đô la vào Philippines cho những công ty mà họ không hoàn toàn làm chủ.

Ông Payne cho biết thay đổi hiến pháp có thể là một tiến trình phải mất rất nhiều thời giờ.

Các nhà phân tích nói rằng Tổng thống Aquino không nhiệt tình ủng hộ cho việc sửa đổi điều khoản trong hiến pháp 1987 về sự giới hạn đối với quyền sở hữu nước ngoài, bởi vì điều khoản này được đề ra bởi chính phủ của thân mẫu ông. Tổng thống Corazon Aquino lên nắm quyền năm 1986 sau khi dân chúng lật đổ lãnh tụ độc tài Ferdinand Marcos và áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người Philippines. Các nhà quan sát cũng nói rằng thái độ không muốn hành động của ông Aquino phát sinh một phần từ sự lo ngại về tác dụng ngược trong lãnh vực chính trị.

Giám đốc Phòng Thương mại Australia-New Zealand, ông Ryan Evangelista nói rằng các đại diện của các ứng cử viên tổng thống đã nêu ra những vấn đề và những giải pháp từng được trình bày trong quá khứ.

"Những gì mà chúng tôi muốn nghe từ những người đó là làm thế nào chúng tôi có thể đạt tới mục tiêu? Giả định là có những sự khác biệt trong sự vận hành của hệ thống đảng phái của chúng tôi, chúng tôi muốn biết các mối quan hệ và những sự bất đồng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được xử lý như thế nào."

Phòng Thương mại Nước ngoài Hỗn hợp cho biết trong 2 năm qua, mỗi năm Philippines nhận được trung bình 5 tỉ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài, cao gấp 5 lần so với năm 2010. Họ cho biết mục tiêu đạt ra hiện nay là tăng gấp đôi con số trung bình đó trong 10 năm tới.

Nhưng tổ chức này nêu ra rằng 6 tỉ đô la vẫn còn kém xa những nên kinh tế tương tự trong khối ASEAN. Báo cáo của tổ chức này nói rằng Việt Nam nhận được 14,5 tỉ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2015 và Indonesia nhận được 16,9 tỉ trong 9 tháng đầu của năm ngoái.

Cố vấn cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ, ông John Forbes, nói đầu tư trực tiếp nước ngoài giúp gia tăng số công ăn việc làm ở Philippines.

"Philippines dự kiến sẽ có 174 triệu dân vào năm 2050. Nhiều hơn 72 triệu so với năm nay. Phải chăng những người đó sẽ ra nước ngoài, sẽ tới Thái Lan để làm những công việc như giúp việc nhà, hay là họ sẽ làm những công việc có lương bổng tử tế ở trong nước? Đó là câu hỏi cho thập niên tới đây."

Ông Cielito Habito, một kinh tế gia người Philippines làm việc cho cơ quan USAID của Mỹ, nói rằng “đã có rất nhiều tiến bộ” trong 5 năm qua. Ông nói thêm như sau.

"Nhưng như tôi đã nói, có rất nhiều việc trong lãnh vực đầu tư mà chính phủ kế tiếp phải làm. Và điều đó rõ ràng là nhắm tới loại bỏ những sự cản trở còn tồn đọng, kể cả những hạn chế pháp lý trong hiến pháp của chúng tôi."

Ông Habito cho rằng chính phủ kế tiếp cũng sẽ phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mậu dịch để bảo đảm là những thành quả của 6 năm qua được tiếp tục. Ông nói hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác đã thúc đẩy cho sự phát triển của khu vực chế tạo của Philippines, là khu vực đã tăng trưởng gần gấp ba kể từ năm 2010.

Ông cho rằng để Philippines có thể duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế từ 6 đến 7%, như trong 5 năm qua, chính phủ kế tiếp phải “phá vỡ những nút thắt cổ chai” của những sự hạn chế đối với doanh nghiệp nước ngoài và loại bỏ những sự hạn chế lâu đời đối với các hoạt động mậu dịch khu vực và quốc tế.