Hồi đầu 1970 một nhóm sinh viên văn nghệ ở Sài Gòn mời nhà văn Doãn Quốc Sỹ tới nói chuyện. Tiễn ông ra về rồi, mấy phút sau thấy ông quay trở lại. Ông cười hề hề, hỏi có ai dùng xe gắn máy đưa ông về nhà được không. Tại sao? Ông cười khà khà: “Mất xe rồi! Ai nó lấy mất rồi!”
Cái xe “nội hóa” La Dalat ông vẫn lái đi giao những tác phẩm của ông và nhà xuất bản Sáng Tạo cho các tiệm bán sách. Cả một tài sản, và phương tiện mưu sinh cần thiết. Nó biến mất. Mà hồi đó ở Sài Gòn chắc không ai mua bảo hiểm để mất xe sẽ được đền! Mất xe, ông vẫn cười khà khà, như thể mới nghe ai kể một chuyện hài hước!
Cả đời Doãn Quốc Sỹ vẫn cười khà khà, mắt không trợn lên, lông mày không chau lại. Không để cái được, cái mất, cái may, cái rủi làm động tâm. Thường ai cũng muốn tu tập công phu để đạt tới trạng thái này. Hình như Doãn Quốc Sỹ sống tự nhiên như vậy, không hề cố gắng. Ông viết cuốn Vào Thiền, tái bản nhiều lần. Bị cộng sản bắt bỏ tù, vào trong tù ông ngồi thiền. Quản giáo bắt đi nghe gì thì đi. Có gì ăn thì ăn, lúc nào được ngủ thì ngủ. Bị bắt lần thứ hai, vẫn như vậy, lại ngồi thiền. Thở vào, thở ra, nhẹ như mây bay, vững như núi đá.
Khi Doãn Quốc Sỹ được trả tự do, qua Mỹ, tôi đến thăm ông ở Houston, Texas. Ông khỏe mạnh, hàm răng rất tốt vì mỗi ngày đều súc miệng bằng nước muối. Cả một nhóm khách cùng tò mò thăm hỏi nhưng ông chỉ nói mấy câu sơ sài về cuộc sống trong tù; hình như không thấy chuyện gì đáng kể lại. Ông ngồi nghe chuyện của đám bạn trẻ, và họ nói khá nhiều, hầu hết nói về thế giới người Việt ở địa phương. Tất nhiên, người ta kể chuyện các hội đoàn, các nhân vật nổi tiếng hoặc nhiều tai tiếng, kẻ khen, người chê, tranh nhau nói không dứt lời.
Hôm đó, lần đầu tiên được ngồi lâu với ông, tôi mới nhận ra là Doãn Quốc Sỹ chỉ im lặng nghe, miễn cưỡng lắm mới nói, nói rất ngắn. Ông lúc nào cũng mỉm cười. Khi một người hướng về phía ông, nói lớn tiếng, ông chỉ đáp một câu, “Thế Đấy!” Đám bạn trẻ kể chuyện sinh hoạt ở Houston, hùng hồn phê bình người này người kia. Ông ngồi nghe, không buông một lời khen, chê, không bình phẩm, phụ họa mà cũng không bài bác. Nghe chuyện xấu hay tốt ông cũng chỉ cười, lâu lâu mới góp một lời, “Thế Đấy!”
“Thế Đấy!”
Nếu diễn tả dài dòng thì hai tiếng “Thế Đấy” nghĩa là gì? Ah, cuộc đời nó như thế đấy! Ah! Con người ta như thế đấy! Thế Đấy, ở đời cứ cái này nó sẽ sanh cái kia như thế đấy! Đúng, cái nghiệp báo của mọi người nó diễn ra như thế đấy!
Doãn Quốc Sỹ nhìn cuộc đời với đôi mắt “Thế Đấy!” Nghe kể chuyện đời với đôi tai “Thế Đấy!” Cuộc đời chuyển động, lòng ông không lung lay.
Doãn Quốc Sỹ khiến chúng ta nhớ câu kệ của Trần Nhân Tông trong Cư Trần Lạc Đạo; một trong những bài văn suôi đầu tiên, theo lối “phú,” viết bằng chữ Nôm, tiếng Việt Nam. Cư Trần Lạc Đạo tức là sống ở trong cuộc đời, ở cõi trần tục, nhưng vẫn vui với Đạo. Đoạn cuối Cư Trần Lạc Đạo có bài kệ chữ Hán Việt, kết thúc với câu: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Hiểu theo nguyên văn là: Nếu “đối cảnh vô tâm” thì khỏi cần hỏi đến thiền.
Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, ở đoạn thứ tư trong phẩm thứ nhất, bài kệ thứ 26 đã nhắc đến “Tâm không lay động.” Đối cảnh vô tâm, là đứng trước cảnh ngộ bên ngoài, dù nó biến chuyển thế nào thì lòng mình cũng không động: Không phê phán sạch hay nhơ, hơn hay kém, đẹp hay xấu, trái hay phải, không nổi lên niềm vui sôi nổi hay nỗi buồn rầu rĩ, không mừng hay giận tiếng khen ngợi hay lời chê bai.
Mở đầu đoạn thứ bảy bài Cư Trần Lạc Đạo, Trần Nhân Tông viết:
“Hãy xá vô tâm;
Tự nhiên hợp đạo.”
Vô tâm, là cái tâm trống trải. Tâm bỏ trống cho gió thổi qua. Trong hoàn cảnh nào cũng không để tâm mình xao xuyến. Những người theo học Bụt Thích Ca mong tu tập để có lúc đạt được trạng thái đó, dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng đáng gắng sức công phu.
Doãn Quốc Sỹ hầu như bẩm sinh đã mang sẵn một cái tâm kiên cố khó bị lay động vì hoàn cảnh. Ông có phước mang sẵn tấm lòng trống trơn, không cần phải cố gắng.
Trong cuộc sống hàng ngày không biết ông tọa thiền lúc nào. Doãn Quốc Sỹ không báo trước khi ngồi xuống: “Tôi tập thiền đây;” hay là khi đứng dậy “Tôi ngồi thiền xong rồi.” Mỗi giờ phút trong đời sống của ông thể hiện một quá trình thiền tập. Đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, cởi dép, uống nước, nói năng, hầu như lúc nào ông cũng làm chủ thân và tâm. Đối cảnh, đứng trước cảnh ngộ biến đổi cách nào ông cũng có thể thốt lên một câu: “Thế Đấy!”
Người mang tánh bẩm sinh như vậy chắc phải đã tu nhiều kiếp trước! Cha mẹ sanh ra đã truyền cho hạt giống tốt, tự nhiên không nuôi lòng tham lam quá độ, không nổi cơn giận dữ dễ dàng. Khi biết suy nghĩ thì tự thấy mình chỉ là một tập hợp tạm thời và ngắn hạn của ngũ uẩn, như tất cả mọi chúng sinh, nhờ thế không đeo một Cái Ta quá nặng trong đầu. Dứt trừ nhân ngã. Dừng hết tham sân. Như Trần Nhân Tông viết trong bài kệ Cư Trần Lạc Đạo:
Dứt trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương;
Dừng hết tham sân mới lảu lòng màu viên giác.
Có lẽ tôi đã viết quá nhiều, nói quá lời, vì yêu mến, kính trọng Doãn Quốc Sỹ, không phải vì văn chương của ông mà vì cách sống, cuộc sống hàng ngày, bình thường, của ông. Không thể nói Doãn Quốc Sỹ là người “đối cảnh vô tâm.” Đó là một tuyệt đỉnh của công phu tu tập mà chúng tôi không dám thẩm định. Nhưng được gần gũi Doãn Quốc Sỹ ít lâu nay, tôi biết mình có thể học cách sống của ông, qua hai chữ “Thế Đấy!”
“Thế Đấy!”
Đứng trước bất cứ cảnh ngộ nào, nếu mình biết thốt ra tự đáy lòng hai chữ “Thế Đấy!” thì chắc cũng quý lắm rồi!
Chú Thích: Bài kệ trong Cư Trần Lạc Đạo như sau:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia tung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
(Ở cõi trần vui với đạo, tùy theo cơ duyên. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà đã có của báu, ngưng đi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm, khỏi hỏi đến Thiền).
(*) Viết nhân sinh nhật thứ 100 nhà văn Doãn Quốc Sỹ