Đoàn Huy Chương ra tù những vẫn bị canh giữ

Đoàn Huy Chương (bên trái) nhận hoa chúc mừng từ Đỗ Thị Minh Hạnh, đại diện Phong Trào Lao động Việt, ngày 15/2/2017. (Facebook Phong Trào Lao động Việt).

Anh Đoàn Huy Chương, một người tranh đấu cho quyền lợi của công nhân, đã mãn hạn tù, về đến nhà, nhưng không còn giấy tờ tùy nhân và luôn bị canh giữ.

Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, anh Chương cho biết xe của trại giam đã đưa anh về UBND xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vào lúc 15giờ 30 ngày 13/2, nhưng chính quyền địa phương vẫn cho người thường xuyên canh giữ, thậm chí gây áp lực, buộc cha vợ của anh phải giám sát anh:

“Họ cứ đi trước cửa, đi vòng vòng để giám sát. Chẳng những thế, họ còn giám sát từ xa nữa. Đặc biệt họ bắc cuộc cha vợ tôi giám sát tôi, nếu tôi làm gì sai, theo cha vợ tôi nói, thì họ sẽ bắt cha vợ tôi. Do đó, cha vợ tôi rất là sợ. Khi cha vợ tôi nói vậy thì tôi rất bức xúc và rất buồn. Tôi đi đâu đó thì cha vợ tôi phải báo cho họ biết. Tạo áp lực đối với cha vợ của tôi.”

Anh Đoàn Huy Chương nói trại giam Z30 A ở Xuân Lộc, Đồng Nai đã tìm cách ngăn không cho gia đình đón anh ở ngay trại giam, khi anh mãn hạn tù:

“Ngày 13/2, lúc 6 giờ sáng tôi làm giấy ra trại, nhưng họ không đưa giấy ra trại cho tôi mà bị một xe của Bộ Công An đón đi ra K1 (tức phân trại 1 của trại giam Z30A) làm giấy tờ. Nhưng khi ra K1 thì không làm gì hết mà họ đưa đi về luôn. Mấy anh công an nói họ không có bắt cóc, họ chỉ làm theo thủ tục. Khi gọi điện cho vợ tôi thì tôi chỉ được nói là tôi ‘đã được thả và họ đưa tôi về Trà Vinh’. Chỉ được nói như vậy thôi. Họ không cho tôi nói chuyện với vợ tôi.”

Như tin VOA đã đưa trước đây, vào ngày sáng 13/2, gia đình và bạn bè đến đón anh Chương tại trại giam nhưng được thông báo là anh đã về nhà rồi.

Đoàn Huy Chương tại quê nhà ở Trà Vinh, ngày 15/2/2017 (FB Trương Minh Đức)

Anh Chương cho biết hiện nay anh không có giấy tờ tùy nhân, và dễ trở thành mục tiêu bị sách nhiễu bất cứ lúc nào:

“Khi bắt tôi họ lấy của tôi chứng minh nhân dân và bằng lái xe. Khi ra tòa họ không trả. Khi về đến đây họ nói công an Tiểu Cần giữ. Khi hỏi công an Tiểu Cần thì họ nói không có. Hiện tại thì tôi không có một giấy tờ gì hết. Bất kể lúc nào họ cũng có thể bắt tôi vì một tội vô lý nào đó.”

Sau 7 năm bị giam cầm, anh Chương phản đối bản án mà chính quyền Việt Nam quy cho anh và nhóm của anh về tội “lật đổ chính quyền”:

“Bản án này rất vô lý. Bản thân tôi là công nhân, tôi đòi hỏi quyền lợi cho công nhân thì không có gì bất hợp pháp cả. Đó là một điều rất phi lý. Trong bản án họ cho rằng chúng tôi lợi dụng để kích động nhiều người, tụ tập nhằm lật đổ chính quyền. Đó là lời không hợp lý với chúng tôi và tôi phản đối điều đó.”

Từ thành phố Hồ Chí Minh, chị Đỗ Thị Minh Hạnh, người bị xét xử chung với anh Đoàn Huy Chương nhưng đã ra tù sớm hơn, cho VOA biết rằng chị rất mừng khi biết tin người đã cùng đồng hành với mình đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, đã mãn hạn tù.

Chị Minh Hạnh kể lại về thời gian hoạt động của chị và anh Chương, hỗ trợ công nhân ở Trà Vinh như sau:

“Vào cuối năm 2009, đầu 2010, anh Chương có theo dõi sự vi phạm của công ty giày da Mỹ Phong đối với công nhân. Khi anh phát hiện ra công nhận bị xúc phạm nhân phẩm, không trả tiền lương cho ngày Tết thì ba anh gồm có Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã giúp công nhân đòi lại quyền lợi với cuộc đình công nổ ra kéo dài trên 10 ngày, làm tờ rơi trong đó yêu cầu 7 điều, trong đó có điều số 7 là thành lập công đoàn độc lập. Nhưng điều số 7 này không được áp ứng.”

Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết ngay sau cuộc đình công kéo dài hơn 10 ngày này thì cả 3 người bị bắt với tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào tháng 10, năm 2010, anh Chương, chị Minh Hạnh và anh Quốc Hùng bị xét xử. Anh Chương và chị Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng chị Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay anh Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.

Cũng như anh Chương, chị Hạnh nói rằng đây là một bản án oan, lẽ ra chính quyền Việt Nam nên khuyến khích đấu tranh cho các nghiệp đoàn, bảo vệ người lao động.