Chiếc lò ông Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng.

Với việc bắt cựu uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, thanh củi tươi, theo cách nói của chính vị tổng bí thư (link to insert - http://vov.vn/chinh-tri/dang/tong-bi-thu-lo-nong-len-roi-thi-cui-tuoi-vao-cung-phai-chay-653960.vov ), đầu tiên đã cháy trong chiếc lò ông Nguyễn Phú Trọng nhóm từ nhiều năm nay.

Để hiểu cuộc rượt đuổi kéo dài ít nhất năm năm này, người ta cần xem lại (link to insert - https://www.youtube.com/watch?v=K0Zvjog75Mk) ông đã nghẹn ngào như thế nào khi không kỷ luật nổi thủ tướng lúc bấy giờ, ông Nguyễn Tấn Dũng, tại hội nghị trung ương 6 hồi cuối năm 2012.

Khi đó dường như ông Trọng đã có được sự ủng hộ trong Bộ Chính trị để kỷ luật ông Dũng vì sai lầm trong điều hành kinh tế, nhưng khi ra tới Ban chấp hành trung ương, đối thủ mà ông gọi là đồng chí, đã lật ngược thế cờ.

Ông Trọng chỉ còn biết nghẹn ngào nói về kỷ luật ‘một đồng chí’ nhưng cũng không nêu tên đồng chí nào.

Đó là thời mà ông Trọng bị coi là không đủ mạnh để đương đầu với ông Dũng [link to insert - https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-congress-carl-thayer-inv-114203014/893309.html ] người cũng được xem là “ngạo mạn và quá tự tin vào bản thân”.

Củi khô, củi tươi

Nay sau một hội nghị trung ương 6 khác vừa diễn ra không lâu ở thời điểm năm năm sau, một trong những “đồ đệ” của ông Dũng trong thời mà người ta nói “nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba đồ đệ [hay quan hệ], bốn trí tuệ” (link to insert - http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dai-bieu-lo-ngai-Tien-te-hau-due-quan-he-roi-moi-den-tri-tue-post152402.gd ) đã rớt vào lò ông Trọng.

Vị tổng bí thư 73 tuổi được trích dẫn phát biểu cùng thời điểm với cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh, người có lẽ chỉ được coi là “củi khô” hay “củi vừa” xuất hiện ở Việt Nam: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy.

“Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu.

“Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” ông Trọng được trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời. (Link to insert - - http://vov.vn/chinh-tri/dang/tong-bi-thu-lo-nong-len-roi-thi-cui-tuoi-vao-cung-phai-chay-653960.vov ).

Ông Thăng là chính trị gia hiểu tầm quan trọng của quan hệ công chúng và có lượng fan hâm mộ khá đông đảo.

Trên Facebook có những trang ủng hộ ông với hàng trăm ngàn người tham gia trong khi báo sân sau của ông hồi đầu năm 2016 từng chạy bài ‘Vì sao Bí thư Thăng được nhân dân ủng hộ’. [ link to insert http://petrotimes.vn/vi-sao-bi-thu-thang-duoc-nhan-dan-ung-ho-400841.html ]

Tuy nhiên ông Thăng đã không có được sự ủng hộ của các đồng chí của ông mà tín hiệu đầu tiên đến từ giữa năm 2016 khi bài ông viết ủng hộ Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright bị gỡ bỏ [link to insert - https://www.voatiengviet.com/a/tu-khung-hoang-bob-kerry-den-tinh-huong-cua-bi-thu-thang/3377387.html ].

Cây viết Phạm Đoan Trang bình luận trên Facebook: “Đinh La Thăng có tội. Tội lớn nhất của Thăng chính là đã chọn nhầm phe.”

Có còn củi tươi

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu thanh “củi tươi” Đinh La Thăng sẽ có khai thêm những “củi tươi” nào khác và liệu có thực không có giới hạn trong cuộc chiến hiện nay của ông Trọng.

Cách đây năm năm ông đã nhắm tới thanh củi tươi rói lúc đó Nguyễn Tấn Dũng và thất bại.

Liệu cuộc rượt đuổi năm xưa có đang tiếp diễn? Liệu có điều gì sẽ xảy đến với “hậu duệ” của ông cựu thủ tướng hay thậm chí chính bản thân ông?

Đây dĩ nhiên là những câu hỏi triệu đô và tất cả còn tuỳ thuộc vào việc đích cuối cùng của ông Trọng ở đâu và liệu chiếc lò của ông có đủ nóng để đạt tới đích đó.

Ông đã bỏ ra nhiều năm để đánh mẻ lưới lớn và ông đã đạt được những mục tiêu ban đầu.

Nhưng lãnh đạo Việt Nam cũng thừa nhận tình trạng tham nhũng và chạy chức, chạy quyền rất phổ biến ở Việt Nam.

Những thanh củi khô và củi vừa chắc chắn rất nhiều và chiếc lò của ông Trọng có lẽ không đủ to để đốt cháy tất cả.

Và nếu ông làm vậy có thể sự ủng hộ đối với ông cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhưng vào thời điểm này nhiều “đồng chí chưa bị lộ” có lẽ đêm ngày lo sẽ rớt vào lò ông Trọng.

Chỉ có điều chống tham nhũng không bao giờ nên coi là một phong trào. Người ta cần nhìn vào cả hệ thống và sửa cái gốc của tham nhũng chứ không đợi tham nhũng rồi mới xử.

Với một hệ thống tư pháp bị chính trị hoá, nền chính trị không có sự canh tranh, xã hội dân sự bị chèn ép và ngọn đèn truyền thông còn quá tù mù để rọi đèn vào các góc khuất dễ xảy ra tham nhũng, điều được gọi là cuộc chiến chống tham nhũng xem ra chưa có ánh sáng ở cuối đường hầm.