Cho dù Ủy ban Olympic Quốc tế vẫn luôn nói về việc phải duy trì tính trung lập, song các cuộc thi đấu Thế vận hội từ lâu đã chứng tỏ rằng thực ra chúng rất có tính chính trị, thậm chí đôi khi quá đậm chất chính trị - ảnh hưởng tới tổng thể Thế vận hội nói chung và thường là ảnh hưởng đến các vận động viên mà đáng lẽ trọng tâm đối với họ là tranh tài cho thế giới xem trong chương trình kéo dài hai tuần.
Trường hợp để chứng minh: những sóng gió ngoại giao. Hàng trăm vận động viên đã đến tham gia Đại hội Olympic song không bao giờ quay trở lại tổ quốc mà họ đã đại diện để đi thi đấu. Những câu chuyện của họ diễn ra kể từ năm 1948, khi Thế vận hội lại tiếp tục diễn ra ở London sau một thời gian tạm dừng do chiến tranh, khẳng định rằng khi thế giới gặp nhau để thi đấu thể thao, thì chính trị cũng luôn hiện diện ở đó.
Vận động viên chạy nước rút người Belarus, Krystsina Tsimanouskaya, đã rời Tokyo vào sáng 4/8 để xin tị nạn, là một trường hợp như vậy - nhưng lần này cô ấy có lý do khác thường.
Trong quá khứ, hầu hết các vận động viên đào tẩu đều ra theo một cách khá thuận tiện cho họ - đi từ Đông Âu để tham gia thi đấu ở Thế vận hội Mùa hè nhưng trong đầu là kế hoạch chạy sang phương Tây. Thế vận hội đã mở ra cơ hội thoát khỏi các chế độ độc tài ở tổ quốc, và đã xảy ra nhiều vụ đào thoát nhất vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Sau Thế vận hội Munich 1972, hơn 100 vận động viên đã ở lại Tây Đức để trước tiên là xin tị nạn, sau đó, nhiều người chuyển đến sinh sống ở các quốc gia dân chủ. Những người thực hiện được kế hoạch thành công đã nêu ra những lý do khác nhau - ý thức hệ chính trị, triển vọng về một cuộc sống yên bình hơn hoặc đơn giản là cơ hội đạt được giá trị thực sự của họ với tư cách là một vận động viên.
Tsimanouskaya không hề có kế hoạch chạy trốn khi đi từ Belarus đến Nhật Bản. Đất nước Belarus của cô rơi vào tình trạng hỗn loạn trong một năm nay kể từ khi tổng thống độc tài Alexander Lukashenko tái đắc cử, gây nhiều tranh cãi. Cô bất đồng với huấn luyện viên của mình về việc lựa chọn người thi đấu trong các cuộc đua tiếp sức và cô đã bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội. Điều đó khiến cô trở thành một người nổi tiếng ở Belarus, nơi mà sự bất đồng chính kiến có thể đe dọa đến tính mạng.
Việc cô đào tẩu đã viết thêm một trang trong lịch sử lâu đời của Olympic. Trước cô, có những vận động viên Olympic nào khác đã ghi lại “những cú va chạm” giữa thể thao và ngoại giao?
London, 1948 (và cả về sau)
Oscar Charles liên tiếp gắn bó với 3 giải đấu bóng nước Thế vận hội mùa hè với những tư cách khác nhau.
Ra đời ở Hungary với tên khai sinh là Oszkar Csuvik, ông đã giúp đội tuyển quốc gia giành huy chương bạc ở London. Ông đã đào thoát để ở lại Anh và tránh phải quay trở về với chế độ cộng sản ở tổ quốc. Hai năm sau, ông đi định cư ở Úc và là huấn luyện viên đội Úc tại Thế vận hội Helsinki 1952.
Thế vận hội đến với Úc vào năm 1956, khai mạc tại Melbourne 3 tuần sau khi lực lượng quân sự Liên Xô xâm lược Hungary để dập tắt cuộc nổi dậy của người dân. Charles khi đó với tư cách là một bình luận viên đài phát thanh đã tường thuật trận đấu được đặt tên là "Máu hòa vào nước", trong trận này, đội Hungary đánh bại đội Liên Xô 4-0 và rất nhiều pha va chạm bạo lực đã diễn ra, đầy tai tiếng.
Charles “phải kiềm chế lắm mới không nhảy xuống bể thi đấu”, theo cáo phó của một tờ báo Úc viết khi ông qua đời vào năm 2008.
Melbourne, 1956
Được tổ chức vào mùa hè của nam bán cầu, Thế vận hội Melbourne khai mạc vào ngày 22/11/1956. Hungary cử hơn 100 vận động viên đến từ một quốc gia đang hỗn loạn sau khi quân đội Liên Xô xâm lược. Trong đoàn có vận động viên thể dục dụng cụ tuyệt vời là Ágnes Keleti, bà đã giành huy chương vàng và 2 huy chương bạc, rồi đào tẩu, ở lại Úc.
Bà và hàng chục vận động viên Đông Âu không chịu về nước. Hoa Kỳ cho phép tuyển mộ ít nhất 40 vận động viên Olympic, trong đó có 35 vận động viên của đội Hungary tại Melbourne.
Keleti đã đến Israel, bà sống ở đó cho đến thời điểm cách nay 6 sáu năm. Hiện nay, bà sống ở Hungary. Bà bước sang tuổi 100 hồi tháng 1 năm nay và là nhà vô địch Olympic lớn tuổi nhất còn sống.
Atlanta, 1996
Đào tẩu ở Hoa Kỳ là một viễn cảnh hấp dẫn. Atlanta mang lại một cơ hội.
Người cầm cờ của Iraq tại lễ khai mạc, Raed Ahmed, đã trốn khỏi Làng Olympic sau khi thi đấu môn cử tạ. Ông muốn thoát khỏi chế độ của Saddam Hussein.
Cầu thủ Rolando Arrojo đã giúp Cuba giành huy chương vàng bóng chày tại Thế vận hội Barcelona 1992 và chuẩn bị để giúp đội bảo vệ chức vô địch. Ông đã lẩn tránh khỏi bộ phận an ninh giám sát đội, trốn vào một khách sạn ở bang Georgia và nhanh chóng bị Chủ tịch Cuba Fidel Castro đặt tên là “Judas”. Chỉ 2 năm sau, với tư cách là cầu thủ đội Tampa Bay Devil Rays, ông trở thành một ngôi sao giải MLB.
London, 2012
Ayouba-Ali Sihame là vận động viên bơi lội duy nhất đại diện cho đảo Comoros của châu Phi ở London. Khi đó, cô 17 tuổi. Cô đã rời khỏi Làng Olympic sau khi thi đấu nội dung 100 mét tự do.
Sau này, cô nói rằng cô sợ phải về nhà và bị gia đình bán, bị ép phải kết hôn với một người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi. Cô khẳng định gia đình cô muốn kiếm tiền từ việc cô nổi tiếng tại Olympic.
Những chi tiết đó được nêu ra tại một tòa án Anh vào năm 2013, ở đó, cô bị kết án vì sử dụng hộ chiếu giả để cố gắng nhập cảnh vào Pháp. Các luật sư của cô cho biết cô sẽ xin tị nạn sau khi chấp hành xong án tù, vì lúc trước cô không biết là có thể nộp đơn xin tị nạn hợp pháp khi tham gia Thế vận hội.
Một số vận động viên châu Phi cũng biến mất ở Anh khi họ có visa với hạn 6 tháng để tham gia Olympic.