Điện Kremlin: Thông tin Trump và Putin nói chuyện trong những ngày gần đây là ‘hoàn toàn hư cấu’

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi tham dự cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Dinh Tổng thống ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7/2018.

Điện Kremlin hôm 11/11 bác bỏ thông tin về việc Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày gần đây, nói rằng nó "hoàn toàn hư cấu".

Một nguồn tin nói với Reuters hôm 10/11 rằng ông Trump, người đã chỉ trích quy mô hỗ trợ tài chính và quân sự của Hoa Kỳ cho Kyiv cũng như tuyên bố sẽ nhanh chóng kết thúc chiến tranh, đã nói chuyện với ông Putin trong những ngày gần đây.

Nguồn tin này cho Reuters biết rằng họ đã biết về cuộc trò chuyện, vốn được The Washington Post đưa tin đầu tiên, trong đó trích dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng ông Trump đã nói với tổng thống Nga rằng ông không nên leo thang chiến tranh Ukraine.

Trong một động thái bất thường, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11/11 cho biết rằng không có cuộc gọi nào như vậy diễn ra giữa ông Putin và ông Trump.

"Điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Đây hoàn toàn là hư cấu, đó là thông tin sai lệch", ông nói với các phóng viên. "Không có cuộc trò chuyện nào cả".

"Đây là ví dụ rõ ràng nhất về chất lượng thông tin đang được công bố hiện nay, đôi khi thậm chí trên các ấn phẩm khá uy tín", ông Peskov nói.

Khi được hỏi liệu ông Putin có kế hoạch liên lạc với ông Trump hay không, ông Peskov trả lời: "Vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào".

Ông Trump đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 6/11.

Khi được hỏi về cuộc gọi Trump-Putin được cho là đã diễn ra, Steven Cheung, giám đốc truyền thông của ông Trump, cho biết: "Chúng tôi không bình luận về các cuộc gọi riêng giữa Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo thế giới khác".

Ông Trump, thuộc đảng Cộng hòa, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11. Ông Biden đã mời ông Trump đến Phòng Bầu dục vào ngày 13/11, theo Nhà Trắng cho biết.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết hôm 10/11 rằng thông điệp hàng đầu của ông Biden sẽ là cam kết đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách ông hòa và ông cũng sẽ nói chuyện với ông Trump về những gì đang diễn ra ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông.

"Trong 70 ngày tới, Tổng thống Biden sẽ có cơ hội trình bày trước Quốc hội và chính quyền mới rằng Hoa Kỳ không nên rời xa Ukraine, rằng việc rời xa Ukraine có nghĩa là sẽ có thêm bất ổn ở châu Âu", ông Sullivan nói với chương trình "Face the Nation" của CBS News.

Ông Sullivan đã được hỏi liệu ông Biden có yêu cầu Quốc hội thông qua luật cho phép cấp thêm tiền cho Ukraine hay không.

"Tôi không muốn đưa ra một đề xuất lập pháp cụ thể. Tổng thống Biden sẽ trình bày rằng chúng ta cần các nguồn lực liên tục cho Ukraine sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc", ông nói.

Tài trợ cho Ukraine

Washington đã cung cấp hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ cho Ukraine kể từ khi nước này bị Nga xâm lược vào tháng 2/2022. Ông Trump cùng với các nhà lập pháp Cộng hòa khác đã nhiều lần chỉ trích và phản đối các khoản viện trợ này.

Năm ngoái, ông Trump nói rằng nếu ông là tổng thống tại Nhà Trắng vào thời điểm đó, ông Putin sẽ không xâm lược Ukraine. Ông nói với Reuters rằng Ukraine có thể phải nhượng lại lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình, điều mà Kyiv phản đối và ông Biden chưa bao giờ đề xuất.

Ông Zelenskiy hôm 7/11 cho biết rằng ông không biết bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch chấm dứt chiến tranh nhanh chóng của ông Trump và rằng ông tin việc chấm dứt nhanh chóng sẽ đòi hỏi những nhượng bộ lớn từ Kyiv.

Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ, Quốc hội Mỹ đã phân bổ hơn 174 tỷ USD cho Ukraine dưới thời ông Biden. Tốc độ viện trợ gần như chắc chắn sẽ giảm dưới thời ông Trump, với việc đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ với đa số 52 ghế.

Quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong Quốc hội tiếp theo vẫn chưa rõ ràng, với một số phiếu vẫn đang được kiểm. Theo Edison Research, đảng Cộng hòa đã giành được 213 ghế, chỉ thiếu 5 ghế để có được 218 ghế cần thiết nhằm đạt được đa số. Nếu đảng Cộng hòa giành được cả hai viện, điều đó có nghĩa là phần lớn chương trình nghị sự của ông Trump sẽ dễ dàng được Quốc hội thông qua hơn rất nhiều.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bill Hagerty của đảng Cộng hòa, một đồng minh của ông Trump và được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức ngoại trưởng, đã chỉ trích việc Hoa Kỳ tài trợ cho Ukraine trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS.

“Người dân Mỹ muốn chủ quyền được bảo vệ tại Mỹ trước khi chúng ta chi tiền và nguồn lực để bảo vệ chủ quyền của quốc gia khác," ông Hagerty nói.