Điện Kremlin nói sẵn sàng đàm phán với Ukraine trên cơ sở thỏa thuận cũ

Ông Dmtry Peskov nói ông thấy phía Ukraine không sẵn sàng đàm phán

Ông Dmtry Peskov nói ông thấy phía Ukraine không sẵn sàng đàm phán

Một thỏa thuận hòa bình bị hủy bỏ giữa Nga và Ukraine hồi năm 2022 có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán mới nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Kyiv sẵn sàng đàm phán, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 12/4.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng Nga và Ukraine sắp đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến sự tại các cuộc đàm phán ở Istanbul vào tháng 4 năm 2022, nhưng sau đó Ukraine đã quay lưng với thỏa thuận khi quân đội Nga rút lui gần Kyiv.

Thỏa thuận này được cho là bao gồm các điều khoản yêu cầu Ukraine áp dụng quy chế trung lập về địa chính trị và không gia nhập NATO, giới hạn quy mô lực lượng vũ trang và cấp quy chế đặc biệt cho miền đông Ukraine – tất cả những gì mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rõ là ông phản đối.

Trong phát biểu hôm 11/4, ông Putin đã một lần nữa nêu lên khả năng hòa đàm và nói rằng ông sẵn sàng cho điều mà ông gọi là các cuộc đàm phán thực tế nhưng không chấp nhận các cuộc đàm phán phía Ukraine đang tổ chức mà không có Moscow và không tính đến thực tế mới theo quan điểm của ông.

Ông Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, cho biết đã có rất nhiều thay đổi kể từ năm 2022, bao gồm cả những gì ông nói là việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga bốn khu vực mới, ám chỉ các phần lãnh thổ của Ukraine mà Moscow đã tuyên bố là của mình.

Tuy nhiên, ông Peskov cho biết thỏa thuận Istanbul bị hủy bỏ vẫn có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán mới và Nga đã sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Moscow có cảm nhận được phía Ukraine có hề sẵn sàng cho đàm phán hay không, ông Peskov nói: “Không, chúng tôi không thấy điều đó.”

Ukraine nói rằng họ muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ của họ, bao gồm cả Crimea, bán đảo mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2014, và mọi binh lính Nga phải rời khỏi lãnh thổ của mình. Họ đang cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế theo lập trường của họ mà không có Nga.