Việt Nam đăng cai Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Hà Nội từ ngày 11-13/9 trong tuần này. Dự kiến khoảng 1.000 đại biểu sẽ tham dự sự kiện này với chương trình tập trung vào khu vực rộng lớn hơn quanh Việt Nam là Đông Nam Á.
Việt Nam nhắm đến đầu tư nước ngoài vào ngành chế tạo cho xuất khẩu để duy trì nền kinh tế tăng trưởng 6-7%. Nước này có thể sẽ gây ấn tượng với các đại biểu trong hội nghị năm nay về việc các nhà đầu tư có thể xuất hàng đến cả Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ mà không bị hút vào cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore và Sri Lanka, Indonesia, Philippines và Myanmar. Hội nghị thảo luận về dân số đang già đi, nền kinh tế Internet và nông nghiệp công nghệ cao.
Diễn đàn đã được 47 năm này ủng hộ hợp tác giữa khu vực tư nhân với chính phủ, và nhiều người coi đây là một tổ chức ủng hộ thương mại tự do ngày nay.
Vấn đề bên lề là vấn đề chính
Nhưng những gì diễn ra bên lề lại quan trọng đối với Việt Nam, các nhà phân tích tin như vậy. Các doanh nhân sẽ thấy cơ sở hạ tầng mới ở Việt Nam và có thể tìm hiểu về các ưu đãi của chính phủ dành cho các hãng chế tạo để xuất khẩu.
"Họ đang thực sự trải thảm đỏ cho tất cả mọi người ... và cố gắng đáp ứng", ông Frederick Burke, thành viên cao cấp tại công ty luật Baker McKenzie ở thành phố Hồ Chí Minh, nói.
Chi phí sản xuất ở Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc, một điểm có lợi để quảng bá về kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua.
Việt Nam cũng có thể sử dụng diễn đàn này để thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do đa quốc gia, theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học New South Wales, Australia.
Ví dụ, Việt Nam hy vọng hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gồm 11 thành viên sau khi thành viên thứ 12, Hoa Kỳ, đã rút ra hồi năm ngoái.
Với bối cảnh có cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, Việt Nam sẽ có thể đánh giá các nhà lãnh đạo khác nghĩ gì, ông Thayer nói. Họ có thể lo lắng, cũng như Việt Nam, rằng tranh chấp thương mại sẽ làm rung chuyển ngành xuất khẩu thép và kìm hãm nền kinh tế kỹ thuật số, ông nói. Đầu năm nay, Mỹ đã công bố sẽ đánh thuế đối với thép của nhiều nước trên thế giới.
"Một phần của việc tổ chức các hội nghị như thế này được thiết kế để mọi người thấy Việt Nam là một công dân tốt quốc tế vững mạnh, đóng góp cho những điều tốt, và cũng vì lợi ích riêng của họ", ông Thayer nói.
Việt Nam thay thế Trung Quốc?
Tháng trước, Hoa Kỳ áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 16 tỷ đô la, tiếp sau việc áp cùng mức thuế đối với lượng sản phẩm trị giá 34 tỷ đô la trong tháng 7. Bắc Kinh lần lượt đáp trả bằng cách tăng thuế đối với lượng giá trị hàng nhập khẩu tương ứng của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ tăng thuế hơn nữa.
Các nhà xuất khẩu chuyển hàng từ Việt Nam đến Hoa Kỳ sẽ tiết kiệm tiền so với các công ty khác ở Trung Quốc, không bị nhiều rủi ro đối với chuỗi cung ứng xuyên biên giới của họ, theo lời một chuyên viên của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại TP Hồ Chí Minh hồi đầu năm nay.
Các hãng xuất hàng từ Việt Nam sang Mỹ hiện bao gồm cả Intel và Samsung Electronics. Các công ty Trung Quốc muốn lập thêm nhiều nhà máy ở Việt Nam, đã gây ra các cuộc biểu tình hồi tháng 6 vì người Việt Nam lo ngại họ sẽ được tiếp cận quá nhiều với các đặc khu kinh tế.
Việt Nam tính toán rằng Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình vào năm ngoái, với lượng hàng hóa xuất sang Mỹ trị giá 46,5 tỷ đô la. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 12,5% trong tháng 8, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 30%. Đầu tư nước ngoài năm ngoái đã đóng góp cho lượng xuất khẩu trị giá 155,24 tỷ đô la.
Việt Nam có thể thuyết phục giới kinh doanh tại diễn đàn rằng đất nước này là nơi lý tưởng cho hàng hóa trung gian như linh kiện điện tử, theo bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế cao nhất chuyên trách Châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis. Bà nói thêm Việt Nam "có vị trí tốt" như một lựa chọn để thay thế Trung Quốc vì nước này giao thương với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.
"Nếu họ chơi con bài đó, tôi nghĩ rằng họ có thể làm tốt. Điều này có nghĩa là có thêm nhiều FDI vào Việt Nam", bà nói.