Bắc Triều Tiên đã thoát khỏi cảnh Internet mất hoạt động hoàn toàn hôm qua liên tục gần 10 tiếng đồng hồ. Tình trạng xảy ra sau khi Hoa Kỳ cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công mạng hồi tháng trước nhắm vào hãng phim Sony có trụ sở ở Hollywood. Hôm qua, Washington cho biết đang cứu xét một loạt phương án để đáp lại điều Tổng thống Obama gọi là một vụ phá hoại mạng. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Dyn Research, một công ty có trụ sở ở tiểu bang New Hampshire theo dõi nối kết và hoạt động của hàng trăm ngàn mạng lưới điện toán trên khắp thế giới, nói rằng Bắc Triều Tiên đã bị “rớt mạng” khoảng 9 tiếng rưỡi đồng hồ hôm qua tiếp theo hơn 24 tiếng “bất ổn liên tục hồi cuối tuần.” Công ty này nói tất cả 4 mạng lưới của Bắc Triều Tiên, lệ thuộc vào một công ty cung cấp dịch vụ duy nhất là China Unicom, đã ngưng hoạt động.
Công ty nói đó không phải là chuyện chưa từng xảy ra trong bối cảnh “nối kết mong manh của mạng lưới toàn quốc với mạng Internet toàn cầu.” Công ty nói các nước có những nối kết quốc tế hạn chế thì có nhiều phần chắc hơn phải hứng chịu tình trạng mất nối kết khắp nước so với các đối tác nối kết tốt hơn.
Chưa rõ liệu sự cố "rớt mạng" này có phải là hậu quả của một vụ tấn công mạng hay không. Tổng thống Obama đã gọi vụ hacking nhắm vào hãng phim Sony do Bắc Triều Tiên thực hiện tháng trước là rất nghiêm trọng và gây tốn kém, nhưng nói rằng việc này chưa đi tới mức một hành vi chiến tranh. Ông Obama cam kết sẽ có đáp ứng tương xứng với hành vi phá hoại mạng này.
Sony đang chuẩn bị công chiếu vào đúng ngày lễ Giáng Sinh cuốn phim hài The Interview nói về 2 ký giả được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA tuyển mộ để ám sát lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên. Tuần trước vào ngày 17 tháng 12, hãng phim Hollywood này đã quyết định rút cuốn phim lại sau khi các hệ thống rạp hát hàng đầu bãi bỏ các kế hoạch chiếu phim vì có những đe doạ bạo lực.
Bình Nhưỡng lên án cuốn phim này là một hành vi khủng bố, nhưng phủ nhận việc can dự vào một vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên thừa nhận tác giả vụ hacking có thể là những người ủng hộ chế độ. Một nhóm có tên là Những người Bảo vệ Hoà bình đã nhận trách nhiệm.
Hôm thứ hai, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf được yêu cầu bình luận về sự can dự của chính phủ Mỹ vào vụ "rớt mạng" ở Bắc Triều Tiên:
“Như tổng thống đã nói, chúng ta đang cứu xét một loạt phương án để đáp ứng. Chúng tôi sẽ không công khai thảo luận chi tiết hoạt động về các phương án đáp án có thể thực hiện hoặc bình luận về những loại báo cáo này bằng bất cứ cách nào ngoại trừ việc nói rằng, khi chúng ta thực hiện việc đáp ứng, thì sẽ được thấy một số, và một số có thể là không thấy được.”
Bà Harf cũng được yêu cầu đáp lại một yêu cầu của Bắc Triều Tiên đòi Hoa Kỳ phải xin lỗi vì đã liên kết họ với vụ tấn công mạng vào hãng Sony.
“Như Cục Điều tra Liên bang FBI và tổng thống đã nói rõ, chúng tôi tin rằng chính phủ Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm về vụ tấn công tai hại này. Chúng tôi giữ nguyên kết luận này. Chính phủ Bắc Triều Tiên vốn có thành tích là phủ nhận trách nhiệm về các hành động phá hoại hay khiêu khích, và, nếu họ muốn tỏ ra có ích ở đây, thì họ có thể thú nhận tội lỗi và bồi thường cho Sony về những thiệt hại mà họ gây ra.”
Ông Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Triều Tiên có trụ sở ở Washington không loại trừ khả năng Hoa Kỳ can dự vào một vụ tấn công trả đũa Bình Nhưỡng, nhưng ông nói rằng đó cũng có thể là việc làm của một nhóm chuyên hacking Internet như Anonymous.
“Việc này có vẻ giống như cái gì đó hợp với khuôn thức của một nhóm như Anonymous, cho dù không phải là Anonymous, thì cũng không giống như một cuộc tấn công của chính phủ này đối với một chính phủ khác. Nhưng nói như thế, tôi cho rằng sẽ rất khó mà tìm ra thủ phạm là ai. Tôi cho rằng cuối cùng thì dù sao đây cũng mang tính công khai hơn so với điều tôi nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ muốn thực hiện về mặt trả đũa. Về một số mặt nào đó, tôi cho rằng điều chính phủ Hoa Kỳ tìm cách làm là gửi đi một tín hiệu cho Bắc Triều Tiên thấy là có những cái giá phải trả cho các loại hành động này, nhưng không phải là một điều gì công khai đến mức Bắc Triều Tiên cảm thấy cần phải đáp lại và leo thang tình hình.”
Theo trang web tin tức trên mạng Ars Technica, Anonymous đã bày tỏ sự bất mãn tập thể về việc Sony rút lại cuốn phim The Interview. Nhóm này cũng nói tổ chức hacking Lizard Squad đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công từ chối dịch vụ vào các mạng lưới điện toán của Bắc Triều Tiên.
Ars Technica cũng gợi ý rằng Trung Quốc có thể tìm cách đình chỉ các nối kết Internet của Bắc Triều Tiên để tránh những vụ tấn công sau này của Bắc Triều Tiên mà họ coi là đối kháng với các quyền lợi của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters trích lời các giới chức cấp cao trong chính quyền Obama nói rằng Hoa Kỳ đã kêu gọi sự giúp đỡ của Trung Quốc đóng các máy chủ và các bộ định tuyến mà Bắc Triều Tiên sử dụng và nhận diện các tay hacker hoạt động bên trong Trung Quốc. Ông Stangarone nói một yêu cầu như thế sẽ có vẻ hợp lý.
“Bắc Triều Tiên thực sự chỉ nối kết với Internet thông qua Trung Quốc. Vì thế, điều đó có nghĩa là mọi cuộc tấn công mà hoa Kỳ thực hiện sẽ phải đi qua ngả Trung Quốc. Như thế sẽ nêu ra các câu hỏi về việc chúng ta quyết định ra sao để xác định lập trường của chúng ta về quan hệ với Trung Quốc về vấn đề này nữa.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay gọi các bản tin về sự can dự của Trung Quốc trong việc cắt đứt truy cập Internet của Bắc Triều Tiên là “vô trách nhiệm.” Báo China Daily của nhà nước nói Bắc Kinh đã khẳng định sự phản đối bất kỳ hình thức tấn công mạng nào và chưa đưa ra phán quyết cuối cùng có liên quan đến vụ hacking nhắm vào hãng phim Sony. Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp bằng chứng cụ thể về sự can dự của Bình Nhưỡng.
Trong một bài báo khác, tờ China Daily lên án cuốn phim The Interview là một hài kịch “què quặt, vô ý thức, và là “một cuốn phim xấu xa, kỳ thị chủng tộc do một đội ngũ hài tìm cách làm tiền nhanh và chọc cười rẻ tiền.”