Đến cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc, Nga, Brazil, các nước Tây Âu đều xuống thấp, chỉ có ở Mỹ sẽ tăng lên. Lý do chính không phải vì phụ nữ Mỹ sinh đẻ nhiều mà vì di dân kéo tới. Các chuyên viên tốt nghiệp đại học khắp thế giới, các nông dân từ châu Phi hoặc châu Mỹ La Tinh đi tìm đất sống, không ai tính đến Nga hay Trung Quốc mà chỉ muốn được vào Mỹ.
Nước Mỹ đang cần thêm đủ loại nhân công, từ các chuyên viên cao cấp đến những người đổ rác, xây cất đường xá, hoặc lao động trong các nông trại. Mặc dù nhiều công ty kỹ thuật cao như Meta, Google mới cho hàng ngàn nhân viên nghỉ việc, ngành này vẫn đang phát triển; sẽ tạo thêm công việc cho các nhà khoa học, kỹ sư và thợ lành nghề.
Công ty cố vấn quản trị Deloitte tiên đoán trong bảy năm tới ngành sản xuất chất bán dẫn (semiconductor) ở Mỹ cần tuyển dụng một triệu nhân viên. Các công ty trí khôn nhân tạo (artificial intelligence) cũng cần thêm nhiều chuyên viên. Mỗi năm các đại học ở Mỹ cung cấp chưa tới 100,000 kỹ sư điện, tin học, điện tử, không cung cấp đủ cho nhu cầu. Theo Bloomberg News, hiện nay 40 phần trăm các kỹ sư tin học phần mềm ở Mỹ sinh ra từ nước ngoài.
Các di dân mặc dù chỉ chiếm 13.7 phần trăm dân số, đã đóng góp rất nhiều cho kinh tế Mỹ. Theo mạng Crunchbase chuyên nghiên cứu về nhân dụng trong các ngành kỹ thuật cao, bốn “công ty tư” (private companies) có giá trị lớn nhất ở Mỹ đều do di dân sáng lập và điều khiển.
Nổi tiếng nhất là ông Elon Musk, chủ nhân hãng xe hơi chạy điện Tesla. Musk sinh trưởng ở Cộng Hòa Nam Phi, học đại học Canada trước khi di cư sang Mỹ. Công ty Stripe cung cấp dịch vụ tài chánh, trị giá khoảng $95 tỷ đô la, do hai anh em gốc người Ái Nhĩ Lan (Ireland) thành lập. Patrick Collison làm CEO, đã qua Mỹ vào Đại học MIT, nhưng bỏ giở giang để kinh doanh. John Collison cũng chỉ học Harvard nửa chừng.
Công ty Instacart chuyên đi giao hàng cho các nhà bán lẻ như Costco, CVS, siêu thị như Aldi, và cả các tiệm ăn, trị giá khoảng $39 tỷ, do Apoorva Mehta sáng lập. Ông sanh ở Ấn Độ, cha mẹ đưa qua sang Libya sống, năm 14 tuổi di cư qua Canada trước khi qua Mỹ. Từ tháng Tám năm ngoái CEO mới của Instacart là Fidji Simo, di dân từ Pháp đến.
Người thành lập công ty Databricks và làm CEO, Ali Ghodsi, sanh ở Iran, tốt nghiệp tiến sĩ ở Thụy Điển trước khi qua Đại học UC Berkeley ở California làm việc. Công ty này, trị giá $38 tỷ, chuyên cung cấp những phương tiện trong ngành trí khôn nhân tạo, để quản trị các kho dữ kiện lớn.
Về phần các công ty gọi là “công” (public) tức là cổ phần được mua bán trên thị trường chứng khoán, thì bốn trong bảy công ty giá trị cao nhất cũng do di dân đứng đầu, làm CEO. Người đáng kể đầu tiên cũng là Elon Musk, với công ty SpaceX, hiện có 4,198 vệ tinh nhân tạo bay quanh trái đất, 3,542 đang hoạt động rải rác tất các múi giờ, có thể chuyển các tin tức khắp mặt địa cầu trong 24 giờ không nghỉ. Giá trị SpaceX trên thị trường khoản hơn $100 tỷ đô la.
Công ty Nvidia chuyên về trí khôn nhân tạo, năm 2018 trị giá $155 tỷ, gần đây mới vọt lên hơn một ngàn tỷ mỹ kim. Kỹ sư Hoàng Nhân Huân (Jensen Huang, 黃仁勳) là một trong số sáng lập viên và hiện làm CEO, sinh ở thành phố Đài Nam, đảo Đài Loan, năm 9 tuổi di cư qua Mỹ. Năm 1993, công ty Nvidia ra đời ông mới 30 tuổi, một năm sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện ở Đại học Stanford.
Ngoài hai người trên, CEO hai công ty lớn bậc nhất cũng là di dân: Sundar Pichai cầm đầu Google, Satya Nadella ở Microsoft, họ đều từ Ấn Độ tới Mỹ. Chỉ có ba trong số bảy công ty có cổ phần mua bán trên thị trường có giá trị lớn nhất do người sinh ở Mỹ cầm đầu, là Amazon, Apple, và Berkshire Hathaway.
Chính phủ Mỹ không có kế hoạch thích đáng. Một mặt, Đạo luật CHIPS và Khoa học (Chips and Science Act) khuyến khích đầu tư sản xuất chất bán dẫn và các sản phẩm tin học khác, với ngân sách 39 tỷ mỹ kim. Mặt khác, chính phủ để cho những chuyên viên trong các ngành này có thể bị trục xuất vì giấy tờ không chạy.
Di dân làm việc cho các công ty kỹ thuật thường đến nước Mỹ với visas loại H-1B, hiện nay bị giới hạn tới con số 85,000 một năm. Những người đang có visa H-1B nếu mất việc sẽ được tiếp tục ở Mỹ trong 60 ngày để tìm việc làm mới, nếu không sẽ mất visa và phải trở về nước họ. Trong 60 ngày gia hạn đó, khi đi xin việc mới họ gặp trở ngại lớn nhất là giấy tờ chậm chạp. Một công ty muốn tuyển nhân viên với visa H-1B có thể phải đợi rất lâu vì sở lao động không đủ người duyệt xét số hồ sơ lớn quá.
Trong thời gian gần đây nhiều công ty kỹ thuật sa thải bớt nhân viên để tiết kiệm, khoảng 10% đến 30% những người mất việc là các di dân mang visa H-1B, theo tổ chức Society for Human Resource Management.
Nước Mỹ còn một luật lệ “đuổi di dân” khác, là buộc những người có visa H1-B sau sáu năm phải hội đủ điều kiện để được chính thức hóa, tức có “thẻ xanh.” Nhưng quá trình cứu xét cũng chậm chạp. Năm 2020, có 1.2 triệu người mang visa H-1B đang chờ được cấp thẻ xanh. Thời gian chờ đợi tăng gấp rưỡi trong 5 năm, từ 2017 đến 2021. Trong khi chờ đợi vẫn có thể bị trục xuất.
Nếu không thể ở lại Mỹ làm việc, các di dân có tay nghề sẽ tìm qua nước khác. Chính phủ Canada đã dựng một tấm biển quảng cáo ở vùng Thung lũng Điện tử (Silicon Valley) vào năm 2013, viết: “Có vấn đề với H-1B? Hãy qua Canada!” Chiến dịch đó kết quả, nhiều chuyên viên khoa học, kỹ thuật đã chạy qua làm việc ở Canada.
Chính phủ Mexico cũng đang muốn giành giật nguồn nhân lực này. Nhiều công ty Mỹ đã qua Mexico mở cơ xưởng để sử dụng những nhân tài phải bỏ nước Mỹ ra đi. Từ năm 2006 đến 2012, Mexico đã mở thêm 120 trường kỹ thuật cấp đại học để cung cấp cho các công ty Mỹ mới đến.
Những người Mỹ chống di dân thường nêu lên mối lo họ đến đây “cướp công việc” của người bản xứ. Lập luận này không có căn bản. Nói đến những di dân lao động, họ thường làm những công việc mà dân Mỹ không thích làm nữa, từ làm vườn, cắt cỏ, đổ rác, lau chùi nhà cửa đến công trường xây cất.
Các di dân tốt nghiệp đại học thì giúp các công ty Mỹ đủ người có khả năng. Khi phát đạt, họ sẽ tuyển mộ người làm những việc không chuyên môn. Các di dân khi có tiền sẽ tiêu thụ nhiều hơn người bình thường, vì mới tới nước Mỹ họ cần đủ thứ. Đồng tiền họ tiêu thụ sẽ tạo công việc làm cho những người khác. Theo Steve Case, một người sáng lập America Online, nhà nghiên cứu kinh tế Enrico Moretti tính ra rằng mỗi công việc mới trong các ngành kỹ thuật cao sẽ thúc đẩy tạo ra thêm năm công việc làm khác, từ việc xây nhà, bán đồ đạc, quần áo, cho đến việc chạy bàn trong tiệm ăn. Cũng nhờ thế mà kinh tế Mỹ mạnh hơn.