Những lời hô hào cho việc dạy dỗ để học sinh Hồng Kông có cái nhìn tích cực hơn về Hoa Lục đã gây ra những vụ tranh cãi ở thành phố từng là thuộc địa của Anh. Từ Hồng Kông, thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gửi về bài tường thuật.
Bà Phạm Từ Lệ Thái (Rita Fan), nguyên Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, mới đây than phiền rằng trường học ở Hồng Kông làm cho học sinh có cái nhìn phiến diện và tiêu cực về Trung Quốc Đại lục.
Bà Phạm, giờ đây là Ủy viên thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nói với hãng tin Tân Hoa của nhà nước rằng học sinh Hồng Kông biết nhiều về những khiếm khuyết của chính phủ trung ương của Trung Quốc, nhưng biết rất ít về những thành tựu của chính phủ này.
Tại cuộc họp hồi tuần trước của Quốc hội Trung Quốc, bà Phạm cũng than phiền là giới trẻ Hồng Kông thiếu hiểu biết về lịch sử Trung Quốc.
Những phát biểu của bà Phạm đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông.
Bà Lưu nói các đại biểu của Hồng Kông ở Bắc Kinh nên trình bày một cách thỏa đáng hơn về những mối quan tâm và những sự lo lắng của người dân ở thành phố này.
"Họ nên biết rõ hơn về những gì đang xảy ra ở đây, ngõ hầu khi tới Bắc Kinh họ có thể trình bày một hình ảnh chính xác hơn với chính phủ trung ương".
Năm 2012, một cuốn sách mỏng có tựa đề “Mô hình Trung Quốc”, nói tới những kế hoạch nhằm cải tổ nền giáo dục Hồng Kông, đã làm bùng ra những cuộc biểu tình rầm rộ. Cuốn sách này ca tụng mô hình cai trị của Trung Quốc và chỉ trích hệ thống chính trị đa đảng. Cuốn sách in hình các nhà lãnh đạo Trung Quốc và nói rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc là đảng của những người “tiến bộ, vị tha và đoàn kết”.
Hàng vạn người, kể cả học sinh, đã xuống đường biểu tình để phản đối những kế hoạch cải cách.
Ông Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), một nhà tranh đấu dân chủ ở Hồng Kông, nói rằng cuốn sách mỏng đó chỉ là phần mở đầu của một chiến dịch dài hạn để thúc đẩy cho việc sửa đổi giáo trình nhằm dạy dỗ tinh thần yêu nước cho giới trẻ Hồng Kông.
"Tôi tin rằng lãnh vực giáo dục, các trường tiểu học, trung học, giờ đây là một tiêu điểm rất quan trọng mà những người thuộc mặt trận thống nhất thân Bắc Kinh đang nhắm tới. Chắc chắn là họ đang đòi thực hiện những chương trình giáo dục mạnh mẽ hơn về chủ nghĩa yêu nước".
Tháng Hai vừa qua, Sở Giáo dục Hồng Kông phổ biến một văn kiện tham khảo ý kiến, trong đó họ hô hào cho mục tiêu là học sinh Hồng Kông “nên biết đọc chữ Trung văn giản thể để có thể nâng cao khả năng đọc và tăng cường khả năng giao tiếp với học sinh Hoa Lục và học sinh nước ngoài”.
Hồng Kông dùng chữ Hoa truyền thống, gọi là phồn thể, trong khi chữ giản thể được dùng ở Trung Quốc Đại lục. Văn kiện này làm bùng ra những sự chỉ trích và những vụ biểu tình, và Sở Giáo dục cho biết họ không hề có ý định thay chữ phồn thể bằng chữ giản thể.
Cuộc tranh luận về chữ viết đã xảy ra trong cùng tháng mà một vụ rối loạn có bạo động bùng nổ ở khu Mong Kok, nơi những người biểu tình nói họ chống đối mưu toan của chính quyền nhằm loại bỏ nền văn hóa cổ truyền của Hồng Kông.
Bà Đặng Mỹ Tinh (Sally Tang Mei Ching) là người đứng đầu tổ chức tranh đấu có tên Hành động Xã hội Chủ nghĩa. Bà cho biết giới trẻ Hồng Kông mạnh mẽ chống đối ảnh hưởng chính trị và kinh tế mỗi ngày một tăng của Trung Quốc đối với thành phố này.
"Họ dạy cho học sinh tán thành đảng Cộng sản, nhưng với một cách thức rất thiên lệch. Đó chính là lý do tại sao rất nhiều người trẻ thật sự căm ghét Trung Quốc, không phải ghét nước Trung Quốc, mà là ghét chế độ Trung Quốc, bởi vì chúng tôi muốn có các quyền dân chủ".
Anh Hoàng Chi Phong là người khởi xướng phong trào dân chủ có tên Tư trào Học dân vào năm 2011. Phong trào này đã nắm giữ một vai trò quan trọng trong những cuộc biểu tình năm 2012 để chống lại kế hoạch cải cách giáo dục ở Hồng Kông. Chủ nhật vừa qua, anh Hoàng tuyên bố giải tán phong trào này.
Theo dự liệu, tháng tư tới đây anh sẽ thành lập một đảng chính trị mới để tranh đấu cho mục tiêu là Hồng Kông sẽ tuyên bố độc lập vào năm 2047, khi hiệp định chuyển giao chủ quyền giữa Trung Quốc và Anh năm 1997 hết hạn.