Tổng thống Indonesia mới đây đã lên tiếng hô hào cho việc tăng cường luật lệ an ninh để chống lại những phần tử khủng bố. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Jakarta, đề nghị của ông Joko Widodo gặp phải sự chống đối ở quốc hội, mặc dù những phần tử cực đoan liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Jakarta hồi tuần trước.
Tổng thống Widodo hôm thứ ba bày tỏ sự ủng hộ cho việc sửa đổi đạo luật chống khủng bố năm 2003 để cấm công dân nước này gia nhập những tổ chức khủng bố hoạt động ở Iraq và Syria và không cho về nước những người đã tới hai quốc gia đó để chiến đấu bên cạnh các phần tử khủng bố.
Cơ quan chống khủng bố quốc gia của Indonesia (BNPT) cho biết khoảng 800 người Indonesia đã tới Trung Đông để chiến đấu cho nhóm Nhà nước Hồi giáo. Gần 30 người đã thiệt mạng trong những vụ giao tranh ở đó, và khoảng 150 người đã trở về nước, trong đó có một số người có nhiều kinh nghiệm chiến trường.
Sự chống đối tại Quốc hội
Trong hai năm qua giới hữu trách Indonesia đã quan tâm nhiều hơn tới mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo và những người ủng hộ tổ chức này, nhưng các nỗ lực để cải cách luật lệ an ninh của Jakarta đã gặp bế tắc tại quốc hội.
Ông Greg Barton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố Toàn cầu của Đại học Monash ở Australia, cho biết như sau.
"Quốc hội Indonesia có tiếng là chậm chạp, và vẫn còn tồn đọng rất nhiều vấn đề mà họ cần phải giải quyết. Cho nên xác suất để họ nhanh chóng xử lý vấn đề này không cao cho lắm."
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 14 tháng 1 ở Jakarta, nhiều người cảm thấy là quốc hội cần phải nhanh chóng hành động, nhưng đề nghị cải cách luật chống khủng bố vẫn gặp phải sự chống đối của các đảng thuộc phe Hồi giáo, là những đảng tuy nhỏ nhưng có nhiều thế lực. Những đảng này cho rằng không phải tất cả những người gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo đều trở thành những phần tử khủng bố.
Ông Alexander Arifianto, chuyên gia về chính trị Indonesia của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Kỹ thuật Nam dương ở Singapore, cho biết như sau.
"Những người này nói rằng các ông đang tìm cách kết tội một khối người mà lại không cho chúng tôi thấy những chứng cớ chắc chắn."
Ông Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu ở Indonesia của tổ chức Human Rights Watch, cũng chống đối đề nghị nới rộng quyền hạn của cảnh sát hoặc của các lực lượng an ninh để bắt người mà không có bằng chứng rõ ràng về sự dính líu của họ với những hành vi tội phạm.
"Mối lo ngại ở đây là họ muốn có quyền bắt giữ bất kỳ người nào mà họ muốn bắt."
Những người chỉ trích e rằng nền dân chủ non trẻ của Indonesia có thể bị phương hại nếu cảnh sát có nhiều quyền hành hơn. Dưới thời lãnh tụ độc tài Soeharto, chấm dứt vào năm 1998, giới hữu trách Indonesia đã thường xuyên lợi dụng đạo luật chống lật đổ chính quyền để đàn áp các nhóm đối lập và những nhân vật tranh đấu cho dân chủ.
Hãng tin Detik ở Indonesia ngày hôm nay cho biết một số dân biểu tại Hạ viện đang thúc giục Tổng thống Widodo đơn phương sửa đổi những qui định trong đạo luật chống khủng bố năm 2003 để bao gồm những sự cải cách mà ông muốn có. Tuy sự sửa đổi đó vẫn cần có sự chấp thuận của quốc hội, nhưng thủ tục lập pháp này có thể đẩy nhanh tiến trình làm luật.
Cuộc điều tra vụ khủng bố Jakarta
Ông Bahrun Naim, một phần tử hiếu chiến người Indonesia đang hoạt động tại Syria với nhóm Nhà nước Hồi giáo, tiếp tục là nghi can chính của vụ tấn công ở Jakarta.
Trước khi gia nhập Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014, nghi can này đã ngồi tù hai năm rưỡi tại thành phố Solo ở miền trung đảo Java về tội sở hữu trái phép súng ống và chất nổ.
Giới hữu trách tin rằng ông Bahrun đã tìm cách tuyển mộ người Indonesia để thực hiện những vụ tấn công khủng bố ở tỉnh Trung Java hồi năm ngoái.
Các giới chức an ninh cho biết ông Bahrun muốn thống nhất các tổ chức cực đoan ở Đông Nam Á vốn có liên hệ với al-Qaida nhưng đã bị chia rẽ và suy yếu trong thập niên qua.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Indonesia hôm thứ tư cho biết họ đã bắt 12 người bị nghi dính líu tới vụ tấn công khủng bố ở Jakarta và hiện giờ họ đã có đủ bằng chứng để truy tố 6 người trong số đó.
Cũng trong ngày thứ tư, giới hữu trách Singapore cho biết tháng 11 và tháng 12 vừa qua họ đã bắt 27 công nhân xây dựng người Bangladesh ủng hộ các nhóm Hồi giáo hiếu chiến như al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo. 26 người trong số đó đã bị trục xuất và 12 người sau đó đã bị giới hữu trách Bangladesh câu lưu vì những cáo trạng khủng bố.