Davos: Thủ tướng Nhật quyết tâm khôi phục niềm tin vào thương mại toàn cầu

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày 23/1/2019.

Ngày 23/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông sẽ tận dụng tư cách Chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới để khôi phục niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu, theo tin Reuters.

Bài phát biểu của ông Abe trước Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra trên dãy núi Alps ở Thụy Sĩ, mang ý nghĩa quan trọng vào thời điểm cuộc tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, trở thành một trong nhiều yếu tố đe dọa sẽ làm sa sút mạnh đà tăng trưởng toàn cầu.

Reuters dẫn lời ông Abe nói với các đại biểu: “Nhật Bản quyết tâm giữ gìn và cam kết củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, cởi mở và tự do”.

“Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy xây dựng lại niềm tin đối với hệ thống thương mại quốc tế. Đó phải là một hệ thống công bằng, minh bạch và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cả các lĩnh vực như thương mại điện tử, và mua sắm chính phủ”.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Mỹ bỏ ý định tham dự hội nghị Davos vì những quan tâm cấp bách hơn ở trong nước, Thủ tướng Abe là một trong chỉ có ba nhà lãnh đạo của nhóm G7 tham dự sự kiện thường niên ở Davos, nơi mà lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về những thiệt hại mà chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Abe cho biết trong cương vị là chủ tịch nhóm G20 năm nay, Nhật Bản sẽ tìm cách dẫn đầu các cuộc thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, và cách thức tạo điều kiện cho việc sử dụng dữ liệu số và cùng lúc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu này nêu bật hy vọng của Nhật Bản sẽ huy động được sự hậu thuẫn từ một số đối tác G20 của mình nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đa phương trong việc giải quyết các xung đột thương mại.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói rằng điều đó có thể giúp Tokyo chống lại áp lực từ Washington đòi mở cửa thị trường nông nghiệp của Nhật Bản, một đề tài nhạy cảm về mặt chính trị ở trong nước, và thực hiện các bước khác để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại song phương.

Reuters dẫn lời ông Takeshi Niinami, người đứng đầu hãng bia Suntory Holdings và một cố vấn kinh tế của Thủ Tướng Abe, nói rằng Nhật Bản phải nhất quán về nhu cầu thúc đẩy thương mại tự do và “không nên thay đổi lập trường bất chấp Hoa Kỳ luôn luôn nhắc tới việc thực hiện một thỏa thuận song phương”.

Úc, Singapore và các quốc gia khác tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể giúp Nhật Bản biến thương mại tự do trở thành chủ đề tranh luận chính tại G20, ông nói thêm với Reuters.

Tại hội nghị Davos năm 2014, ông Abe cam kết sẽ kéo nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ bằng chính sách kinh tế mang tên ông - “Abenomics” kết hợp giữa chi tiêu tài chính, chính sách tiền tệ dễ dãi và các bước để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản thông qua cải cách thị trường lao động và giảm bớt các quy định.

Năm năm sau, đà tăng trưởng kinh tế qua trung gian “Abenomics” đang mờ nhạt dần, lạm phát vẫn nằm dưới mức chỉ tiêu của Ngân hàng Nhật Bản và các nhà phê bình chỉ ra tình trạng chậm tiến bộ trong việc loại bỏ bớt các quy định.

Ông Abe đã tìm cách chống chế những chỉ trích đó, nói rằng thông qua các chính sách tạo công ăn việc làm, ông đã phá hủy “bức tường tuyệt vọng và bi quan về Nhật Bản” đã tồn tại cách đây năm năm.

Ông nói Nhật Bản hy vọng sẽ xây dựng được sự đồng thuận trong khối G20 về nhu cầu giảm rác thải nhựa đổ vào đại dương, và phối hợp sử dụng dữ liệu số trên toàn cầu mà không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân và quyền sở hữu trí tuệ.

Những người thân cận với Thủ tướng Nhật nói ông Abe muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka để tăng mức độ ủng hộ đối với ông trong thời gian dẫn tới cuộc bầu cử thượng viện giữa kỳ diễn ra vào tháng 6 năm nay.