Làng dệt Nam Định có thể được ví là trung tâm vải vóc, tơ lụa xứ Bắc. Làng dệt lụa Cổ Chất mặc dù không lớn bằng lụa Hà Đông nhưng lại có nét riêng, giống như điểm nhấn, thuộc về phân khúc trung lưu và truyền thống của làng dệt Nam Định.
Nằm trong một góc làng quê yên ả, nơi con sông Ninh hiền hòa chảy qua, với ruộng lúa nương dâu, mái đình, gốc đa, giếng nước… Làng Cổ Chất ươm tơ, dệt lụa, nuôi tằm qua mấy trăm năm và tồn tại đến bây giờ như một di chỉ văn hóa sắp mất dấu vì cơn lốc thị trường. Sắp mất dấu bởi hiện tại, người làm nghề dệt không đủ sống, mặc dù đầu tư nâng cấp để hiện đại hóa hệ thống máy móc, công cụ, nhưng với nguồn vải sợi được sản xuất thủ công, theo phương pháp cổ truyền nhằm đảm bảo thẩm mỹ và độ an toàn, lụa Cổ Chất không thể cạnh tranh với lụa Trung Quốc có giá rẻ bèo, mẫu mã bắt mắt và đầy ắp thị trường Việt Nam.
Giờ thì do mẫu mã hàng hóa Trung Quốc đưa sang đa dạng, rẻ, nên việc giữ nghề của chúng tôi rất khó khăn. Vậy nên chúng tôi mong là nhà chức trách cố gắng tạo điều kiện thu xếp tạo cho chúng tôi một cái đầu ra ổn định, để giữ được cái nghề truyền thống của làng Cổ Chất.Ông Hùng, người trồng dâu nuôi tằm dệt lụa Cổ Chất
Bà Nguyệt, thợ dệt lụa ở làng nghề Cổ Chất, chia sẻ với VOA: “Cái nghề từ mấy đời, năm bảy đời, chín mười đời cụ tổ truyền đến giờ. Cuộc sống hồi xưa đảm bảo tốt, hồi xưa các cụ làm 6 tháng, ăn cả năm. Nhưng bây giờ các cháu thanh niên đi làm công nhân ở các công ty hết, các cụ già thì về hưu. Không còn mấy ai làm, ngày xưa làm cả làng nhưng bây giờ thì khoảng 1/3 người trong làng làm thôi...”
Để đuổi bắt với thị trường, một số gia đình ở Cổ Chất đã đầu tư công nghệ hiện đại, từ máy quay tơ, suốt chỉ cho đến máy dệt kim, với số tiền lên đến vài tỉ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ chút nào đối với nghề dệt mà mỗi mét vải bán ra chỉ được từ vài ngàn đến vài chục ngàn cả vốn lẫn lãi trong lúc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Dù yêu nghề và quyết tâm phát triển nghề hơn là lợi nhuận trước mắt, nhưng dường như quyết tâm của các nghệ nhân làng dệt Cổ Chất không thể trụ nổi với cơn gió vải vóc, lụa là Trung Quốc. Nhiều nghệ nhân đã chính thức bỏ nghề.
Khi dệt Nam Định còn là một trung tâm công nghiệp của xứ Bắc, lụa Cổ Chất lúc đó người ta ví đẹp và mềm mại ngang với lụa Hà Đông, màu sắc bắt mắt ngang với lụa Hàng Châu, Trung Quốc. Có thể nói rằng lụa Cổ Chất đẹp và bền hàng đầu. Ngoài tiếng tăm là một làng nghề dệt lụa đẹp và bền trên đất Bắc, Cổ Chất còn là nơi thơ mộng với những ngôi nhà mái ngói âm dương xô nghiêng, những con đường làng quanh co, cổ lũy, những gốc dâu vài trăm tuổi bên triền sông và mái đình, giếng nước cây đa. Cổ Chất luôn cho cảm thức quê kiểng, thơm tho hương đồng đất nội. Nhưng giữa truyền thống, lòng yêu nghề tổ truyền với cơn lốc hàng Trung Quốc dường như là một mất một còn.
Cái nghề từ mấy đời, năm bảy đời, chín mười đời cụ tổ truyền đến giờ. Cuộc sống hồi xưa đảm bảo tốt, hồi xưa các cụ làm 6 tháng, ăn cả năm. Nhưng bây giờ [...] không còn mấy ai làm, ngày xưa làm cả làng nhưng bây giờ thì khoảng 1/3 người trong làng làm thôi...Bà Nguyệt, thợ dệt lụa ở làng nghề Cổ Chất
Cụ Năm, người quay tơ lâu năm ở làng Cổ Chất, tiết lộ mức thu nhập: “Ngày được thì được ba chục ngàn, ngày khó thì được hai chục ngàn thôi.”
Ông Hùng, người trồng dâu nuôi tằm dệt lụa Cổ Chất, cho biết: “Về mặt hàng thực tế của chúng tôi, nguồn sợi chủ yếu là trong nước. Thị trường tiêu thụ cũng trong nước là chủ yếu. Giờ thì do mẫu mã hàng hóa Trung Quốc đưa sang đa dạng, rẻ, nên việc giữ nghề của chúng tôi rất khó khăn. Vậy nên chúng tôi mong là nhà chức trách cố gắng tạo điều kiện thu xếp tạo cho chúng tôi một cái đầu ra ổn định, để giữ được cái nghề truyền thống của làng Cổ Chất chúng tôi, làng nghề đã 400 năm nay rồi, ngành ươm tơ, dệt lụa dệt vải.”
“Hàng Trung Quốc sản xuất nhiều mặt hàng, mẫu mã đa dạng nhưng về chất lượng thì không thể bằng hàng của chúng tôi được. Nhưng thị hiếu của người Việt thì cứ sánh hàng ngoại, nhưng nếu người Việt đã dùng hàng Việt, dùng hàng của chúng tôi thì mới biết chất lượng của hàng chúng tôi, hàng truyền thống đã 400 năm,” ông Hùng, một dân làng ở đây nói.
Làng nghề truyền thống như một người già cố gắng ngồi nối những múi chỉ để quay thành cuộn cho kịp với công suất dệt của máy hiện đại. Giá cả thị trường biến động từng ngày và hàng Trung Quốc tràn ngập. Khó mà đoán được Làng lụa Cổ Chất sẽ trụ thêm được bao lâu.