Đấu thầu, thêm những phiêu lưu!

  • Nguyễn Mạnh Hùng

Đấu thầu, thêm những phiêu lưu!

Chủ thầu những dự án “chìa khoá trao tay” (EPC - gồm thiết kế, thiết bị, xây dựng) là Nhà nước, thông qua những TĐKT, TCT. Những dự án thường được một Bộ chủ quản (như Tài nguyên - khoáng sản, Đầu tư-Kế hoạch, Năng lượng - Môi trường, Giao thông…). Khi dự án chồng chéo, nhiều Bộ có thể can thiệp. Từ dăm năm qua, cuộc chạy thi trình dự án từ trung ương đến địa phương xẩy ra, đặc biệt là trong ngành xây dựng, ngành năng lượng, điện khi…' Hiện tượng đáng quan tâm: Trung Quốc trúng thầu đến 90% những dự án. Đặc biệt, Trung Quốc vơ 80% những dự án xây dựng những đập thuỷ điện và rất nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Về tài nguyên, chúng ta hẳn nhớ đến bauxite Tây Nguyên, dự án liên hệ đến an ninh quốc phòng đã và còn gây khá nhiều tranh cãi.

Những yếu tố nào khiến Trung Quốc trúng thầu? Thứ nhất, là giá rẻ. Rẻ vì là láng giềng, chi phí vận tải thấp. Vì Trung Quốc có thể sử dụng lao động rẻ. Vì giá thiết bị làm tại Trung Quôc thấp hơn G7. Thường, giá bỏ thầu của Trung Quốc thấp hơn từ 15% đến 20%, thậm chí có những dự án giá chỉ bằng 40-50%, giá những nhà thầu khác. Khi nghe có Trung Quốc, nhiều nhà thầu như Nhật Bản, Nam Triều Tiên...bỏ chạy!

Yếu tố thứ nhì, cũng quan trọng không kém. Nhà nước Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, có thể qua những DN cho vay 10 – 20% vốn chủ sở hữu của nhà gọi thầu, với điều kiện ít nhất là phải dùng 15% thiết bị Trung Quốc. Để chào hàng, DN Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tham quan cho quan chức gọi thầu, tiếng là đi khảo sát công nghệ, kỹ thuật nước bạn. Dĩ nhiên họ được chủ nhà đón tiếp rất nồng hậu, và với văn hoá phong bì lót tay lại quả nay quá phổ biến ở Việt Nam, dư luận chắc chẳng đặt thêm câu hỏi thừa thãi nào.

Nhưng của rẻ, ông bà ta nói, là của ôi. Thiết bị rẻ nhưng khá tồi, độ rủi ro kỹ thuật cao. Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh và Hải Phòng 1 chỉ vận hành có 1 tháng là hỏng, phải tái tu.

Của rẻ, nhưng tiến độ công trình rất tùy tiện, thường là chậm. Đến công đoạn nào phức tạp, nhà thầu dề dà, và có trường hợp bỏ chạy. Điển hình là cào vét sông Thị Nghè tại TPHCM. Lúc phải đặt lại ống cung cấp nước thi…nhà thầu Trung Quốc ung dung vỡ hợp đồng. Và thế là, khi nhà tài trợ World Bank đặt vấn đề, phải cắt thành những gói thầu nhỏ cho những nhà thầu khác thi công, kết cục giá tưởng rẻ mà thành đắt, và chỉ 2 năm nữa mới mong tổng công trình có cơ hoàn thành.

Bạn hỏi, vỡ hợp đồng như thế, sao không có khoản phạt nhà thầu? Tiền đặt cọc thấp, chẳng đủ để bù vào khoản phí tăng để hoàn thành công trình. Thứ nữa, vì có khoản nợ với những ngân hàng Trung Quốc do nhà trúng thầu đứng trung gian cho chủ thầu vay, đòi bồi thường có khả năng Trung Quốc không giải ngân. Bạn lại hỏi, Trung Quốc và Việt Nam đều gia nhập WTO, tổ chức đòi hỏi phải minh bạch trong lãnh vực đấu thầu quốc tế, thì ta có thể đi kiện. Khó lắm, vì cả nhà gọi thầu lẫn nhà trúng thầu đều là thủ phạm, chẳng lẽ lại vạch áo cho người xem lưng cả hai.

Của chẳng ôi vì rẻ, còn ôi vì nhà thầu mang lao động phổ thông không có tay nghề sang Việt Nam mặc dầu là trái với qui định luật pháp. Công nhân Việt Nam không có việc, thòm thèm nhìn những công nhân “lạ” vinh quang lao động.

Của còn ôi vì nhà trúng thầu không gọi nhà thầu Việt Nam cộng tác trong những gói thầu phụ trội bổ sung, chẳng nói đến chuyện chuyển nhượng kỹ thuật lẽ ra phải là quan tâm hàng đầu cho một đất nước đang tìm cách phát triển.

Của càng ôi, khi thời gian bảo hành của một dự án quá thấp, thường là 24 tháng cho những công trình hàng trăm triệu USD! Mua một chiếc xe giá 2,3 chục ngàn đô, bảo hành ở những nước Tây Âu và Mỹ đã được đến 3, 5 năm thì quả đây là một sự nghịch lý!

Cuối cùng, một điểm cần nhấn mạnh, là các nhà gọi thầu nợ Trung Quốc qua trung gian những nhà trúng thầu là nợ của Nhà nước Việt Nam, sở hữu chủ của các tập đón kinh tế (TDKT), tổng công ty (TCT) Nhà nước…

Như vậy, khi tuyên bố nợ công Việt Nam ở mức 39-40% của GDP thì những món nợ Trung Quốc đã tính chưa? Nếu chưa, xin lưu ý, nợ công của Việt Nam chắc không ở mức an toàn như trong tuyên bố chính thức.

Qua những bài viết trước, thêm vào chuyện lỗ lã nợ nần là những bất cập trong đấu thầu của những TĐKT và những TCT qua đó Đảng CSVN và chính quyền thể hiện đường lối kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Xin hỏi, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với sự vận hành xã hội Việt Nam qua những công trình kinh tế giao thông - xây dựng, qua thuy-nhiểt điện, qua khai thác tài nguyên ở những vị trí chiến lược như Tây Nguyên, liệu sẽ tác động như thế nào đến sự tự chủ và độc lập Việt Nam? Hỏi, và chúng ta hẳn lo lắng, đợi một câu trả lời sòng phẳng.

--------------------------------------------

[i] Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè): Hậu quả của “bẫy” thầu giá thấp, ThanhNien.online, 20/08/2010. Trích : ‘’ liên danh nhà thầu TMEC-CHEC 3 trúng thầu gói số 7 với giá thấp hơn dự toán gói thầu đến 20 - 30%. Tại gói thầu số 10, nhà thầu CSCEC đã bỏ thầu hạng mục chính di dời ống cấp nước phi 2.000 (ở khu vực cầu Điện Biên Phủ) với giá chỉ bằng 25 - 35% so với các nhà thầu khác. Hậu quả là gói thầu số 7 thi công ì ạch và bê bối suốt nhiều năm qua, đáng lẽ phải hoàn thành từ tháng 11.2006, song đến nay vẫn chưa xong. Còn nhà thầu CSCEC sau khi hoàn thành xong các phần việc nhẹ nhàng khác, đã cố tình trì hoãn thi công hạng mục "khó nuốt" nhất là di dời ống cấp nước phi 2.000, bởi nhà thầu đã bỏ giá quá thấp nên càng thi công càng thua lỗ.’’

[ii] Mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng trong tài liệu quan trọng về định hướng và bổ sung đường lối ĐCSVN, viết: ‘’… Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân…’’
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.vietnamplus.vn/Dinh-huong-bo-sung-phat-trien-Cuong-linh-nam-1991/4809894.epi

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.