Thính giả Nguyễn Minh Quang ở Việt Nam hỏi:
Thưa Bác sĩ,
Tôi năm nay 58 tuổi, sống ở Sài Gòn. Hai mắt tôi hiện nay thường bị nhức rất khó chịu. Tôi có đi bệnh viện tuyến quận khám. Bác sĩ khoa mắt khám chữa, nhưng bác sĩ nói là 2 mắt bình thường không có bệnh gì hết.
Tôi uống hết thuốc nhưng bệnh không giảm.
Nay tôi viết thư này nhờ Bác sĩ tư vấn và giải thích cho tôi để khám tìm ra bệnh để chữa trị.
Chân thành cảm ơn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Đau nhức trong mắt
Your browser doesn’t support HTML5
Đau lúc nào (ví dụ lúc có ánh sáng nhiều, sau khi đọc sách, đọc trên màng hình, hay sau khi xem phim, hay buổi chiều sau khi đi làm về?), đau nhiều ít, đau thế nào, ê ê hay đau buốt, hay thấy nặng đầu, có kèm theo các triệu chứng gì khác như chóng mặt, ù tai, lúc đau lúc nghỉ, hay đau liên tục càng ngày càng nhiều hơn; đó là những chi tiết bác sĩ sẽ muốn tìm hiểu để định bịnh.
Đau nhức mắt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân hiển nhiên nhất là những bịnh của chính con mắt.
Một lý do gây nhức mắt thường gặp là do mắt làm việc quá nhiều, như xem máy vi tính, điện thoại thông minh, iphone chữ quá nhỏ, trong thời gian kéo dài (eye strain).
Chăm chú nhìn lâu không chớp làm cho mắt khô, có thể nhức nhối, khó chịu, gây luôn nhức đầu chỗ khác.
Người trung niên mắt không còn thích ứng nhìn gần nhìn xa (accommodation) như lúc còn trẻ (presbyopia; gốc Hy lạp:presbus=ông già óp=mắt; "lão thị"), nếu nhìn gần lâu cũng có thể nhức mắt.
Viêm kết mạc (conjunctivitis) là viêm của màng màu trắng bao bọc phía trước của mắt, với ít nhiều mạch máu đỏ, nếu sưng đau, các mạch máu này nổi lên nhiều hơn, và chúng ta gọi là đỏ mắt (pink eye).
Viêm giác mạc (keratitis) là viêm của giác mạc (cornea) phần trong suốt trước con ngươi của mắt. Có thể do nhiễm trùng siêu vi, hay bị chấn thương, một vật lạ (foreign body) đâm vào (do đó lúc dùng máy móc như máy mài, búa nên mang kính an toàn để che chở mắt).
Áp suất trong trong mắt (nhãn áp) tăng lên cao trong bịnh cườm nước (glaucoma) có thể làm nhức ở trong mắt cũng như làm nhức đầu.
Tuy nhiên nếu bác sĩ chuyên khoa mắt đã khám cẩn thận và không tìm thấy vấn đề gì trong mắt thì chúng ta phải nghĩ đến những nguyên nhân khác có thể gây ra đau trong mắt. Ví dụ:
Những xoang (sinus) gần mắt như xoang trán, xoang hàm lúc bị viêm, cơn đau do các bộ phận này gây ra có thể được cảm nhận như là đau ở trong mắt.
Một số trường hợp đau răng cũng có thể làm cho người bệnh thấy đau ở trong mắt mặc dù trong trường hợp này thường thường răng chỉ đau một bên chứ không phải hai bên.
Một số người bị bệnh đau nhức vì viêm thần kinh (neuritis) phụ trách vùng mắt hay vùng mặt cũng có thể cảm thấy đau ở trong mắt mặc dù bác sĩ khám mắt sẽ không thấy gì bất bình thường. Người bịnh có thể đau nhức mắt lúc ra gió, ánh sáng nhiều trong lúc người trung bình thì không thấy khó chịu; nhức mắt có thể từng cơn nhưng có thể mãn tính. Hiện nay , các khảo cứu mới cho thấy mắt bị khô (dry eye) giữ một vai trò quan trọng.
Bịnh co thắt các cơ bao bọc mí mắt cũng có thể làm đau đớn từng cơn (blepharospasm). Trong trường hợp viêm thần kinh, nguyên nhân có thể là một nhánh của dây thần kinh ba nhánh (trigeminal nerve) bị viêm và làm cho đau vùng phía trên của mặt kể cả vùng hai hốc mắt.
Trong một số trường hợp hiếm hơn (“oculo-facial pain”) nguyên nhân cảm giác đau vùng mắt có thể nằm ở trong não bộ là nơi tiếp nhận các cảm giác đi từ mắt vào (neuropathic, central pain); một sự rối loạn trong cách não bộ xử lý những cảm giác đó làm cho người bệnh cảm thấy đau ở mắt mặc dù bản thân bộ phận liên hệ không bị bệnh gì. Cũng tương tự như một số trường hợp một người nào đó đã bị cắt cụt một cánh tay nhưng mà họ vẫn thấy đau ở trong cánh tay đã mất đó; trong trường hợp này người ta gọi cánh tay đó là cánh tay ma (phantom limb) vì trên thực tế nó không còn tồn tại ở đó nữa, bộ óc cảm nhận sai lạc cánh tay đó vẫn còn đó và đang tạo nên cơn đau hành hạ bịnh nhân.
Điều quan trọng cần nhắc nhở ở đây là, nếu khám mắt bình thường mà vẫn đau trong mắt, bác sĩ cần tìm đủ mọi cách để loại bỏ khả năng có một u bướu hay một tổn thương nào đó phía sau của mắt tạo nên cơn đau đó. Chúng ta thể mường tượng hai mắt như hai trái banh bóng bàn nằm trong hai hốc mắt. Phía sau hai trái banh đó là những dây thần kinh, mạch máu nối liền với não bộ phía sau, mà não bộ lại được chứa trong một cái hộp kín bằng xương là hộp sọ. Những thay đổi về thể tích của não bộ sẽ tạo áp suất đè lên trên hai hốc mắt và lên hai tròng mắt. Ví dụ óc phù thủng nước (brain edema), úng thuỷ (hydrocephaly)) do nước trong não (cerebrospinal fluid) không lưu thông bình thường, hay do một u bướu mô óc, hay một mạch máu trong óc phình ra một cách bất bình thường (aneurysm) do vách của mạch bị hư hại yếu đi (tương tự như ruột bánh xe đạp gặp chỗ yếu bị phình ra trước khi vỡ). Hút thuốc lá, áp huyết cao, bịnh xơ vữa động mạch là những yếu tố cơ nguy của phình động mạch.
Những trường hợp như vậy có thể làm bịnh nhân nhức đầu trong hai hốc mắt, có thể kèm theo những triệu chứng như chóng mặt, buồn mửa (nôn), thấy một thành hai (diplopia). Bác sĩ có thể thấy mắt lồi ra, hay mí mắt sụp xuống (ptosis), hay các mạch máu trên kết mạc giãn ra to làm "mắt đỏ" (có thể định bịnh lầm là viêm kết mạc [conjunctivitis]), hay thị trường (visual field) của bịnh nhân bị hẹp lại, hay trong võng mô đầu của thần kinh thị giác bị phù (papilledema). Tuy nhiên, những triệu chứng và dấu hiệu trên có thể không tồn tại và dấu hiệu duy nhất của u bướu hay tổn thương của não bộ hay mạch máu của não bộ phía sau mắt là cơn đau nhức cảm nhận phía sau, trên hay giữa hai mắt. Nếu nghi có vấn đề đáng kể cần chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể dùng kỹ thuật hình ảnh CT hay MRI với chất cản quang (with contrast) chích vào máu để kiểm soát xem não bộ và các mạch máu có bình thường hay không và chung quanh mắt có u bướu hay vấn đề gì khác không.
Tóm lại, nếu bịnh nhân đau trong mắt mà bác sĩ chuyên khoa mắt khám không thấy gì, nên xem lại mình được khám về khúc xạ (refraction) hay không, có viễn thị (hyperopia, or farsightedness), loạn thị (astigmatism) cần mang kính (gương) hay không, mình cần nghỉ ngơi mắt hay không; mắt có bị quá khô cần nhỏ nước mắt nhân tạo hay không. Nếu không bớt, nên nhờ bác sĩ gia đình xem xét hồ sơ, bịnh sử, khám lại kỹ càng. Nếu còn nghi vấn, cần nhờ bác sĩ thần kinh, bác sĩ tai mũi họng và bác sĩ y khoa hình ảnh /quang tuyến xem lại, nhất là cần loại bỏ khả năng nhức đầu vì migraine, vì huyết áp cao; loại bỏ khả năng có những tổn thương như u bướu não, u bướu thần kinh, phình động mạch là áp lực lên trên mắt và gián tiếp gây đau trong mắt.
Xin nhắc lại là những nhận xét này hoàn toàn có tính cách thông tin tổng quát và không có mục đích can thiệp vào công việc của bác sĩ của người bịnh.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 11 tháng 10 năm 2017.
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.