Vào đầu tháng 7/2022, chính phủ Việt Nam một lần nữa đối diện với một vụ kiện mới ở tòa trọng tài quốc tế. Điểm đặc biệt của vụ kiện không chỉ vì số tiền đòi bồi thường khổng lồ hàng tỷ đô la, mà còn do thân thế đặc biệt của nguyên đơn – nữ doanh nhân từng là một trong những người giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam, cựu đại biểu Quốc hội “mất tích” nhiều năm sau khi bị bãi nhiệm khá bất thường, và cũng là người đã khởi kiện chính phủ và cựu Thủ tướng Việt Nam hai năm trước.
“Tôi tên Việt Nam là Đặng Thị Hoàng Yến. Khi nhập sang quốc tịch Mỹ, tôi đổi tên thành Maya Dangelas”, nữ nguyên đơn trong hai vụ kiện chống lại Việt Nam mở đầu cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho VOA Tiếng Việt.
“Bất kỳ một nhà đầu tư, kinh doanh nào đều không bao giờ muốn dính đến một vụ kiện nào cả… đặc biệt ở Việt Nam mà dính đến kiện thì cái nguy hiểm, đe dọa, những bất lợi đến cho việc kinh doanh của mình, gia đình và cuộc sống cá nhân sẽ rất lớn. Cho nên khi phải đi đến quyết định kiện thì đó là cả một vấn đề khó khăn. Có lẽ đấy cũng là giải pháp cuối cùng, bắt buộc phải làm”, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam nói.
Hai vụ kiện và cáo buộc của nguyên đơn
Bà Đặng Thị Hoàng Yến hiện là nguyên đơn của hai vụ kiện chống lại chính phủ Việt Nam ở tòa trọng tài quốc tế: (1) Vụ kiện liên quan đến dự án đầu tư của tập đoàn Tân Tạo (ITACO) vào nhà máy nhiệt điện Kiên Lương (khởi kiện năm 2019); (2) vụ kiện chống lại quyết định buộc tập đoàn Tân Tạo phải khai phá sản của tòa án Việt Nam (khởi kiện năm 2022).
Your browser doesn’t support HTML5
Vụ kiện Kiên Lương:
Tháng 9/2019, hơn 2 năm sau khi chính phủ Việt Nam thua kiện doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình tại tòa trọng tài quốc tế ở Paris, thì có thông tin về một vụ kiện mới chống lại chính phủ và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nguyên đơn là bà Đặng Thị Hoàng Yến, nữ Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, người đã “biến mất” bí ẩn nhiều năm sau khi bị bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội với lý do gây tranh cãi vào năm 2012.
Trong thông cáo báo chí về vụ khởi kiện, công ty Luật Charles H. Camp ở Washington, Hoa Kỳ, một trong những đại diện pháp lý của bên nguyên đơn, nói “trong thời gian làm thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hủy bỏ bất hợp pháp hợp đồng xây dựng, sở hữu và vận hành Dự án Tổ hợp Nhiệt điện Kiên Lương tại Việt Nam của Tổng Công ty Năng lượng Tân Tạo.”
Việc hủy bỏ dự án này, theo phía nguyên đơn, là “vi phạm trực tiếp nhiều quyền đầu tư và thỏa thuận giữa TEC (Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo) và chính phủ Việt Nam.
Dự án Nhà máy điện Kiên Lương 1 và 2 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra Công văn số 1385/TTg-KTN duyệt chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư vào ngày 25/8/2008. Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm của cả nước và của tỉnh Kiên Giang nói riêng.
Theo giới thiệu từ Tập đoàn Tân Tạo, dự án xây dựng trung tâm nhiệt điện Kiên Lương có tổng vốn dự kiến lên đến hơn 6,7 tỷ USD, với công suất từ 4.400 MW đến 5.200 MW. Trong đó, Nhà máy điện Kiên Lương 1 công suất 1.200 MW, thời gian đưa vào hoạt động là năm 2013-2014; Nhà máy điện Kiên Lương 2 công suất 1.200-2.000 MW, thời gian đưa vào hoạt động là năm 2015-2016 và cảng nước sâu Nam Du.
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1, thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương, sau đó được Bộ Công thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha. Trong đó, Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm diện tích khoảng 160 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Trong quá trình thực hiện dự án, phía Tân Tạo cho rằng sau khi họ đã hoàn thành mọi công việc cực nhọc ban đầu và khi dự án bắt đầu cho thấy có tiềm năng lớn, nghĩa là “cỗ đã dọn sẵn trên bàn”, thì những “đòi hỏi phi lý” bắt đầu xuất hiện.
“Họ đưa ra những đòi hỏi, thậm chí vô cùng vô lý, mình đã xây dựng, mình đã bỏ, ví dụ như Kiên Lương, mình đã bỏ ra đầu tư 342 triệu USD, tất cả đã sẵn sàng, các nhà đầu tư “turn key contract”, rồi vốn vay quốc tế, các nhà thầu đã rất sẵn sàng, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng khi đó đang làm thủ tướng, vì mục đích cá nhân, ông ấy có những doanh nghiệp cá nhân riêng của ông ấy, cộng với những mục tiêu cá nhân, nên đã chẳng cần lý do gì, từ chuyện dự án án đang được thực hiện là BOO (phát triển – vận hành – sở hữu) thì ông ấy bắt chuyển sang BOT (phát triển – vận hành – chuyển giao), tức là sau mấy chục năm thì bắt buộc phải chuyển giao lại cho nhà nước bằng Zero đồng. Tất nhiên, tôi đã đấu tranh hết sức để cố gắng thuyết phục nhưng không được, tôi đành phải chấp nhận hy sinh quyền lợi của mình để làm sao cho dự án được thực hiện”, bà Đặng Thị Hoàng Yến nói với VOA.
Your browser doesn’t support HTML5
Trong khi đó, trang Nhà Đầu Tư hôm 13/9/2019 nói rằng việc Tân Tạo chấp nhận chuyển sang hình thức đầu tư BOT theo yêu cầu của Chính phủ để cho dự án sớm được triển khai là một bước “tháo gỡ vướng mắc cho Dự án về việc cấp Bảo lãnh Chính phủ (GGU).”
Với việc chấp thuận này, ngay sau đó, tháng 12/2015, Bộ Công Thương và chủ đầu tư đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc phát triển Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 theo hình thức BOT với thời hạn hiệu lực là 48 tháng, nghĩa là MOU sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/12/2019, vẫn theo trang tin của Hiệp hội Doanh nhiệp đầu tư nước ngoài.
“Khi mà chúng tôi chấp nhận hình thức BOT thì đến lúc đó, thì ông Nguyễn Tấn Dũng ông ấy không nghĩ rằng tôi có thể chấp nhận được chuyện đó, nhưng ông ấy không biết rằng đối với tôi, mục tiêu kinh doanh không phải chỉ vì tiền. Vì con người ta, tiền rất là quan trọng nhưng khi chết đi cũng chẳng mang theo được gì cả nếu chúng ta không biết sử dụng đồng tiền vào những mục đích cao đẹp, có thể giúp được cho cuộc đời, để lại cái gì cho cuộc đời này. Cho nên đối với tôi, tôi muốn xây dựng một nhà máy điện kiểu mẫu ở Việt Nam giống như cái nhà máy điện tôi đã từng thăm ở bên Nhật Bản. Nó đẹp và sạch. Nhà máy điện than mà khi tôi đến sờ vào thì không hề có một vết bụi bẩn nào cả. Tôi mong muốn là tôi sẽ làm một mô hình như thế ở Việt Nam. Cho nên tôi chấp nhận. Nhưng ngay sau đó, khi mình chấp nhận rồi, hai bên đã đàm phán, thì Bộ Công thương, Tổng cục Năng lượng đã ký biên bản ghi nhớ để chuẩn bị các bước làm, thì đùng một cái, ông ấy ra quyết định chấm dứt, đuổi dự án Kiên Lương ra khỏi Tổng sơ đồ 7.”
“Tổng cục Năng lượng mới phát văn bản chính thức là bây giờ thủ tướng đã bỏ dự án điện ra khỏi Sơ đồ 7 rồi thì Tổng cục Năng lượng và Bộ Công thương không còn cơ sở nào để đàm phán nữa.”
Câu hỏi của VOA gửi cho Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam về quyết định hủy bỏ dự án cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tờ VnEconomy vào tháng 11/2018 dẫn văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang phản hồi cho Tân Tạo về Dự án nhiệt điện Kiên lương 1 cho biết tại cuộc họp về việc thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận lý do của quyết định loại dự án ra khỏi các dự án nguồn điện giai đoạn đến năm 2030 là do “tiến độ triển khai chậm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, và do “xét thấy công ty không có khả năng thực hiện dự án.”
Trang tin cho biết thêm rằng “từ năm 2011, dự án bắt đầu đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và cũng không thực hiện thủ tục xin gia hạn nộp tiền.”
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho VOA, bà Đặng Thị Hoàng Yến nói rằng Tân Tạo đã kiên trì “đấu tranh” trong nhiều năm nhưng vẫn không đạt được giải pháp nào nên buộc phải đưa vụ kiện này ra tòa trọng tài quốc tế ở Paris. Trong vụ kiện này, bà Đặng Thị Hoàng Yến đòi chính phủ Việt Nam bồi thường 2,5 tỉ đô la vì những thiệt hại đầu tư mà tập đoàn của bà đã phải gánh chịu vì quyết định loại bỏ dự án.
Nữ CEO cho VOA biết thêm rằng theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, bên nguyên đơn hiện đã loại tên cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi đơn kiện. Phía bị đơn trong vụ kiện Kiên Lương giờ chỉ còn là chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, không thấy báo chí nhà nước hoặc phía Chính phủ Việt Nam đề cập tới yêu cầu này. Cá nhân bà Yến vẫn cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng lẽ ra phải bị quy trách nhiệm trong vụ này.
“Theo sự hiểu biết của tôi, một người, một cá nhân khi đại diện ở chức vụ đó cho chính phủ nhưng đồng thời nếu ông ta đã lợi dụng, lạm dụng (abuse power) quyền lực của ông ta vì mục đích cá nhân, để kiếm lợi cho cá nhân ông ta, cho gia đình ông ta, và hoặc là cả vì những mục tiêu khác của ông ta nữa: mục tiêu về chính trị, mục tiêu về hưởng thụ, tham nhũng… thì rõ ràng ở đây không thể tách rời là chỉ có đại diện, (nghĩa là) chỉ kiện chính phủ không thôi, mà bản thân tôi là một nạn nhân và nạn nhân này đã phải chịu đựng rất nhiều năm, và tôi có đủ cơ sở, đủ bằng chứng, đủ hồ sơ để chứng minh rằng thực sự việc vi phạm hợp đồng dẫn đến vụ kiện Kiên Lương. Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam không được một lợi ích gì ngoài ông Nguyễn Tấn Dũng.”
Trong thông cáo về vụ kiện hồi tháng 9/2019, Luật sư Tony Buzbee, một đại diện khác của nguyên đơn, nói rằng “việc đệ đơn kiện này nhằm buộc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trên cả tư cách công chức lẫn tư cách cá nhân”, vì “khách hàng của tôi bị mất tiền bạc và lợi tức đầu tư là kết quả trực tiếp của những hành động của Thủ tướng trong cương vị công chức và cả năng lực cá nhân.”
Your browser doesn’t support HTML5
Nhưng cũng chính việc nêu đích danh cựu thủ tướng Việt Nam trong đơn kiện của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã làm dấy lên nhiều nghi vấn và thắc mắc trong công luận về động cơ cũng như khả năng thành công của vụ kiện. Trả lời với VOA về điều này, bà Đặng Thị Hoàng Yến nói rằng “chỉ có những người không có đủ thông tin hoặc là thông tin bị bưng bít, bị bóp méo, thì họ mới có thể nghĩ như vậy thôi.”
Vào ngày 8/7/2022, Tòa án Paris ra phán quyết buộc Nhà nước Việt Nam phải trả các chi phí khởi kiện trong vụ kiện Kiên Lương cho bà Đặng Thị Hoàng Yến và hai công ty Mỹ của bà trong khi tiến trình vụ kiện vẫn tiếp tục diễn ra.
Vụ kiện buộc Tân Tạo phá sản
“Vụ kiện thứ hai là vụ kiện mà tôi vô cùng đau lòng…”, bà Yến giải bày với VOA.
“ITACO là một công ty niêm yết, mà chỉ vì một vụ kiện của một đơn vị mà ITACO chưa bao giờ ký kết hợp đồng với họ, mà chỉ có 900.000 USD thôi, trong khi đó tổng tài sản của ITACO nếu trên sổ sách là khoảng 600-700 triệu USD, đấy là trên sổ sách nhưng sổ sách thì đó là giá gốc, còn giá trị thực tế, vì ITACO đến bây giờ là 26, 27 năm rồi, trị giá thực là mấy tỉ USD, trong khi đó, các khoản vay chỉ chiếm có 8% trên tổng tài sản… Mà (đó là) một khoản vay của một người nào đó, mà người đó nộp hồ sơ lên tòa mà chúng tôi hoàn toàn không hề biết gì cả. Và cuối cùng tòa án đó đưa ra một quyết định buộc chúng tôi phải mở thủ tục phá sản.”
Việc tập đoàn Tân Tạo bị TAND TPHCM ra quyết định mở thủ tục phá sản bắt đầu được truyền thông Việt Nam đưa tin rầm rộ vào tháng 6/2022, mặc dù quyết định này đã có từ năm 2018. Theo đó, Quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án đối với ITACO dựa trên đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Quốc Linh, đơn vị đã ký các hợp đồng bơm cát san lấp Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) với Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Land), mà phía Tân Tạo nói chỉ là một công ty trong nhiều công ty thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp Tân Đức của Tân Tạo, có pháp nhân hoàn toàn độc lập và giúp thi công các công trình cho Tân Tạo, hoàn toàn không phải là công ty con của Tân Tạo.
Công ty Quốc Linh đã không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự, mà yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Tân Tạo phải thanh toán cho Quốc Linh theo Bản án xét xử năm 2017 là hơn 21 tỷ đồng, và xét xử lại năm 2021 là gần 28 tỷ đồng.
Theo bà Đặng Thị Hoàng Yến, mặc dù Tổng giám đốc của Vietnam Land (là ông Jimmy Trần - chồng cũ bà Yến) đã bị sa thải vào tháng 5/2010, Vietnam Land cũng đã thanh toán cho Quốc Linh tổng cộng 39,17 tỷ đồng.
Sau thời gian khởi kiện và kháng cáo kéo dài giữa Quốc Linh và Tân Tạo, đến tháng 7/2019, TAND Cấp cao tại TPHCM ra Quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ toàn bộ 2 bản án sơ thẩm với lý do Tòa sơ thẩm, phúc thẩm buộc Công ty Tân Tạo liên đới cùng Vietnam Land trả tiền cho Công ty Quốc Linh là không có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, TAND huyện Đức Hòa vẫn xét xử và tuyên Bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 với nội dung chính được cho là tương tự Bản án sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST ngày 16/1/2017 đã bị TAND Cấp cao tại TPHCM hủy bỏ trước đó. Lý do tòa buộc Tân Tạo phải liên đới cùng Vietnam Land trả nợ cho Quốc Linh số tiền gốc và lãi là 27,72 tỷ đồng là do Tổng giám đốc bỏ trốn của Vietnam Land là chồng cũ của Chủ tịch Công ty Tân Tạo nên phải có trách nhiệm.
Ngày 5/1/2021, TAND tỉnh Long An tuyên bản án phúc thẩm số 01/2022/KDTM-PT với nội dung giữ nguyên bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 của TAND huyện Đức Hòa.
Ngày 2/2/2021, Công ty Tân Tạo có đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi TAND Cấp cao tại TPHCM.
Ngày 28/1/2022, Công ty Tân Tạo tiếp tục gửi văn bản số 117/CV-PL-ITACO-22 đến TAND TPHCM với nội dung nhắc lại đơn đề nghị giám đốc thẩm. Đến nay, theo thông tin từ phía lãnh đạo Công ty Tân Tạo, TAND Cấp cao tại TPHCM chưa có văn bản trả lời kháng nghị hay không kháng nghị giám đốc thẩm.
Trả lời với báo chí Việt Nam, bà Đặng Thị Hoàng Yến nói việc buộc phá sản Công ty Tân Tạo không những dựa trên hồ sơ giả mạo và bất bình thường mà còn lộ rõ “sự vô lý đến kinh ngạc.”
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA Tiếng Việt, nữ CEO của Tập đoàn Tân Tạo cáo buộc rằng nguyên nhân gốc rễ dẫn đến việc buộc Tân Tạo phải tuyên bố phá sản là vì “mối thù” từ vụ kiện Kiên Lương và vì những gì bà đã lên tiếng trong thời gian làm đại biểu Quốc hội.
Bà nói: “Sau đấy chúng tôi biết được rằng vì mối thù với ông Nguyễn Tấn Dũng từ vụ kiện Kiên Lương và những cái mà trước Quốc hội tôi đã lên tiếng về cái hệ thống tham nhũng, ngân hàng dính líu đến ông Nguyễn Tấn Dũng. Vì vậy cho nên đứng đằng sau ông ấy là tiếp tục hệ thống tham nhũng gây sức ép buộc Tân Tạo phải công bố là phá sản.”
Your browser doesn’t support HTML5
VOA đã liên lạc với Văn phòng Chính phủ Việt Nam để yêu cầu xác minh và bình luận về cáo buộc của bà Yến nhưng không nhận được phản hồi.
Sau khi bị buộc phải tuyên bố phá sản, ngày 27/6/2022, tập đoàn Tân Tạo gửi “Đơn kêu cứu” lên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội, cho rằng việc buộc phá sản tập đoàn Tân Tạo “không những dựa trên hồ sơ giả mạo và bất bình thường của Tòa án các cấp, mà còn lộ rõ sự vô lý đến kinh ngạc.”
Theo lời bà Yến nói với VOA, cho đến giờ bà chưa nhận được phản hồi gì từ phía chính phủ Việt Nam về lá đơn kêu cứu, nhưng bà tin rằng những người giữ trọng trách cao nhất tại Việt Nam sẽ phải quan tâm và tìm giải pháp cho vụ kiện để không phải tốn hàng tỉ USD nữa.
“Từ năm 2018 đến nay, 4 năm trời, biết bao gian truân vất vả, văn bản rồi thuê luật sư… nhưng cuối cùng không được. Cuối cùng đại hội cổ đông chúng tôi bắt buộc phải đưa ra nghị quyết, và gần như 99 phẩy mấy phần trăm đồng ý ủy quyền cho tôi khởi kiện vụ kiện này ra tòa án quốc tế để đòi hỏi công lý.”
Trong vụ kiện này, bên nguyên đơn đòi chính phủ Việt Nam bồi thường 1 tỷ đô la thiệt hại.
Phản ứng từ bị đơn và công luận
Trong lúc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Việt Nam chưa trả lời VOA về yêu cầu xác minh thông tin và những cáo buộc liên quan đến các vụ kiện của bà Đặng Thị Hoàng Yến, trang thông tin chính thức của Thanh tra Chính phủ Việt Nam ngày 14/7 nói rằng việc TAND TPHCM ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tân Tạo là vì có đủ căn cứ chứng minh (công ty) mất khả năng thanh toán theo quy định Luật Phá sản 2014. Và theo “báo cáo giải quyết phá sản Công ty Tân Tạo” mà quản tài viên gửi đến TAND TPHCM, thì hiện nay số tổng nợ của Tân Tạo đã là hơn 214 tỷ đồng và “tất cả đều có chứng từ”, bao gồm các chủ nợ: Công ty Quốc Linh hơn 27 tỷ đồng; Công ty Cổ phần XDGT Đức Hạnh hơn 21 tỷ đồng; Cục Thuế TPHCM hơn 137 tỷ đồng; ông Dương Văn Sương hơn 27 tỷ đồng.
Cho tới nay, ngoài những động thái hối thúc Tân Tạo phải tiến hành công bố thông tin phá sản từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), chính phủ Việt Nam không công bố bất cứ thông tin hay bình luận gì về những vụ kiện đến từ đại diện của tập đoàn là bà Maya Dangelas – tức Đặng Thị Hoàng Yến - tại tòa trọng tài quốc tế.
Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không trả lời yêu cầu của VOA về việc xác nhận thông tin hay bình luận về các vụ kiện này.
“Trở lực” của nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế
Sau vụ kiện gây chấn động của doanh nhân Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình chống lại Nhà nước Việt Nam tại tòa Trọng tài Quốc tế, hai vụ kiện tiếp theo của bà Đặng Thị Hoàng Yến đang thu hút sự chú ý của công luận Việt Nam và quốc tế, giữa bối cảnh Việt Nam vừa tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do với tham vọng thu hút đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những trung tâm sản xuất chính của khu vực.
Trên thực tế, mỗi vụ kiện đều có những nội dung phức tạp khác nhau, nhưng những vụ kiện chống lại Nhà nước Việt Nam từ các doanh nhân tại các tòa án quốc tế đang có nguy cơ trở thành “trở lực” cho những tham vọng kinh tế của Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Học viện Quốc phòng Úc, nhận định với VOA rằng trong khi Chính phủ Việt Nam là một bên ký kết các hiệp định thương mại, trong đó bao gồm các điều khoản về phân xử các tranh chấp thương mại, phía Việt Nam “không có biện pháp nào khác” là giải quyết các tranh chấp này. Theo ông, có hai vấn đề cần phải được giải quyết.
“Trước tiên, cần đảm bảo rằng Chính phủ có các luật sư trình độ cao để giải quyết các vụ kiện này. Thứ hai, là một biện pháp lâu dài, phải bảo đảm rằng các công ty Việt Nam hiểu và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của họ”, GS. Thayer nói.
Your browser doesn’t support HTML5
Từng là một chính trị gia, các vụ kiện của nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến chống lại Chính phủ Việt Nam tại tòa án quốc tế không tránh khỏi những nghi ngờ của công luận về động cơ chính trị của chúng, nhất là trong một môi trường mà chính trị và kinh doanh có mối tương quan mật thiết với nhau và “không có gì minh bạch cả”, theo nhận định của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nói với VOA.
“Trong một mô hình thực tế gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu thì khó có thể nói được là quá trình tích lũy tư bản, tức kiếm tiền, ấy có đúng hay không? Nó có thể hiện đạo đức của thị trường tự do của một nền kinh tế thị trường bình thường hay không? Không ai nói được. Chính vì thế, tôi mới nói khó khăn nằm ở chỗ đó. Không có gì minh bạch cả. Người ta không nhìn được xuyên suốt từ bên này sang bên kia”.
“Các cụ vẫn nói là ‘Một đòn chết bảy’, tức là đập một vỉ ruồi thì chết 7 con ruồi. Thế thì mình cứ hiểu nôm na như thế đi”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS, chính khiếm khuyết của luật pháp đã “làm khó” cả người dân lẫn chính quyền, mà trong đó, nạn nhân chịu khổ nhất vẫn là người dân và doanh nghiệp.
“Hoàn cảnh Việt Nam thì ai cũng thấy rồi. Luật pháp thì chưa nghiêm, chưa rõ. Có cái rõ rồi người ta còn làm cho nó không rõ. Tức là người ta thiếu góc độ về mặt pháp quyền.”
GS. Carl Thayer cho rằng sự kiện bà Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm vị trí đại biểu Quốc hội và việc bà đóng góp ý kiến cho lời kêu gọi đề xuất sửa đổi Hiến pháp của nhà nước bằng cách gửi thư tới Quốc hội Việt Nam vào tháng 2/2013, trong đó bà lên tiếng ủng hộ cho vấn đề dân chủ đa đảng, tôn trọng nhân quyền, tự do ngôn luận và tôn giáo, chấm dứt tình trạng độc quyền của nhà nước đối với sở hữu đất đai, thì “với thành tích này, bà Yến có thể khiến nhiều người tránh xa hoặc là vì khối tài sản cá nhân (bà được xếp hạng người giàu thứ 37 Việt Nam vào năm 2011) hoặc vì quan điểm chính trị của mình.”
Your browser doesn’t support HTML5
Theo nhận định của một luật sư tại TPHCM am tường về các vụ kiện tụng, tranh chấp giữa người dân và chính quyền, sau vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình, chính quyền Việt Nam “đã có một sự chuyển biến khá rõ rệt” trong cách hành xử đối với doanh nghiệp và người dân, bằng chứng là số vụ tranh chấp giữa người dân và chính quyền tại các thành phố lớn đã giảm đi hơn 2/3, theo ước tính của vị luật sư ẩn danh. Nhưng theo ông, vẫn có những cuộc “đánh tư sản” ngầm đang diễn ra dù được che đậy kín đáo và “bài bản” hơn. Chính vì vậy, những hậu quả thực tế từ các vụ kiện quốc tế đối với những vi phạm, nếu có, của chính quyền sẽ giúp “lành mạnh hóa” môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
“Ví dụ như trong vụ của bà Hoàng Yến, bây giờ phải có một hậu quả cưỡng chế buộc chính phủ Việt Nam phải thi hành bản án”, luật sư ẩn danh nói với VOA trong ngụ ý nếu như toà xét thấy phía bị đơn có vi phạm.
“Khi tòa quốc tế mở rộng thẩm quyền của mình đối với các quốc gia, thì các tổ chức kinh tế hoặc công dân bị cưỡng chế, bị xâm phạm quyền về tài sản của mình [một cách] trái pháp luật bởi một chính phủ đều có thể kiện ra tòa quốc tế. Qua vụ bà Hoàng Yến, tôi nghĩ bây giờ người ta bắt đầu lựa chọn cho mình một hướng đi khác ngoài hệ thống tư pháp của Việt Nam.”
Giữa lúc cả hai vụ kiện của bà cựu đại biểu Quốc hội chống lại nhà nước Việt Nam còn chưa ngã ngũ, những diễn tiến mới liên quan đến tập đoàn Tân Tạo của bà đang khiến giá cổ phiếu ITA của tập đoàn liên tục trồi sụt, lúc thì giảm kịch sàn đến 14% khi có tin ITA bị buộc phải mở thủ tục phá sản, sau đó lại tăng mạnh lên 7% khi bà lên tiếng phản đối và công bố thông tin về vụ kiện ở tòa quốc tế.
Mới nhất, những lùm xùm liên quan đến việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM liên tục yêu cầu Tân Tạo phải giải trình về số tiền tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến lên gần 2.000 tỉ đồng trong Báo cáo tài chính quý 2/2022 đã khiến cổ phiếu ITA liên tục đi xuống. Vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, giá cổ phiếu ITA chỉ còn 7.900 đồng/cổ phiếu, giảm 35% so với đầu tháng 6.
Về Tân Tạo và Đặng Thị Hoàng Yến
- Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo được thành lập vào năm 1996. Năm 2006, Tân Tạo chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và là khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
- Tập đoàn Tân Tạo hoạt động trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: đầu tư, phát triển, xây dựng, khai thác thương mại các khu công nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp bao gồm cả xúc tiến kinh doanh, cho thuê nhà xưởng, thiết bị xây dựng, văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, các trang thiết bị, đầu tư, phát triển, xây dựng, khai thác hạ tầng thương mại và đầu tư vào thị trường bất động sản, xây dựng, sản xuất… với rất nhiều dự án đã thực hiện trên cả nước.
- Các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Tạo bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo (ITACO, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức (TADICO), Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (Kênh truyền hình VBC), Công ty cổ phần đầu tư khai thác và cung cấp nước sinh hoạt (ITA-Water), Công ty cổ phần đô thị Sài Gòn - Mêkông (Saigon-Mekong Science City), Công ty TNHH Khai thác dịch vụ-kinh doanh văn phòng và nhà xưởng Tân Tạo (Taserco), Công ty cổ phần đầu tư - tin học & tư vấn xây dựng Phương Nam (SEI), Công ty xi măng Tân Tạo, Công ty Phát triển năng lượng Tân Tạo (TEDC), Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC), Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng và khai thác cầu đường (Ita-Ways), Công ty cổ phần khai thác & phát triển kho vận Tân Tạo (Itatrans), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tân Tạo (ITA.Ecity), Đại học Tân Tạo (TTU).
- Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã được nhận nhiều giải thưởng và bằng khen trong nước và quốc tế như Giải thưởng nhân văn 2011 của Ủy ban hữu nghị thành phố San Francisco và thành phố Hồ Chí Minh, giải thưởng “Siêu sao kinh doanh”, Cúp “Bông hồng vàng” và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
- Cùng với em trai là ông Đặng Thành Tâm, hai chị em bà từng được gọi là “ông hoàng, bà hoàng khu công nghiệp”. Bà Đặng Thị Hoàng Yến 3 năm liền có mặt trong danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2008-2010), còn ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trong danh sách năm 2007.