Đằng sau câu chuyện về con trai ông Biden, Ukraine và TT Trump

Phó tổng thống Joe Biden (phải) và con trai ông- Hunter Biden.

Phó tổng thống Joe Biden (phải) và con trai ông- Hunter Biden.

Năm 2014, Phó tổng thống lúc đó là Joe Biden đã đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao của Mỹ để ủng hộ chính phủ dân chủ mong manh của Ukraine trong thời điểm đang tìm cách chống lại sự xâm lược của Nga và ngăn chặn nạn tham nhũng. Vì vậy, công luận đã đặt câu hỏi khi ông Hunter, con trai của ông Biden, được một công ty khí đốt của Ukraine thuê.

Vào thời điểm đó, Nhà Trắng dưới thời chính quyền của ông Obama tuyên bố không có xung đột lợi ích vì con ông Biden là một công dân bình thường, và không có bằng chứng nào về việc cha con ông Biden có làm sai trái trong vụ này.

Tuy nhiên, vấn đề lại nổi lên sau những tiết lộ nói rằng Tổng thống Donald Trump đã thúc giục tổng thống Ukraine giúp ông điều tra xem có bất kỳ tham nhũng nào liên quan đến ông Joe Biden hay không, hiện là một trong những ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ đang tìm cách đánh bại ông Trump vào năm 2020. Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, cũng đã công khai hối thúc các quan chức Ukraine điều tra cha con nhà Biden.

Ông Hunter Biden được đưa vào làm thành viên hội đồng quản trị của công ty Burisma Holdings vào tháng 4 năm 2014. Người sáng lập công ty là một đồng minh chính trị của ông Viktor Yanukovych, Tổng thống thân Nga của Ukraine, người đã bị lật đổ vào tháng 2 năm 2014 bởi các cuộc biểu tình lớn.

Sự ra đi của ông Yanukovych đã thúc đẩy chính quyền của ông Obama nhanh chóng tăng cường quan hệ với tân chính phủ Ukraine. Ông Joe Biden đã đóng một vai trò hàng đầu, đi công du đến Ukraine và thường xuyên nói chuyện với vị tân tổng thống vốn thân thiện với phương Tây.

Vai trò kinh doanh của con trai ông Biden đã làm dấy lên mối lo ngại trong số những người ủng hộ chống tham nhũng, vốn cho rằng công ty Burisma đang tìm cách giành ảnh hưởng với chính quyền Obama. Vào thời điểm đó, công ty đang điều hành một hoạt động khai thác khí đốt tự nhiên ở Crimea, một bán đảo Ukraine đã bị Nga sáp nhập sau khi ông Yanukovych bị lật đổ.

Ông Hunter Biden đã phủ nhận việc sử dụng ảnh hưởng của bản thân với cha mình để hỗ trợ cho Burisma. Ông vẫn ở trong hội đồng quản trị cho đến đầu năm 2019, thường xuất hiện đại diện cho lợi ích của Burisma tại các hội nghị liên quan đến năng lượng ở nước ngoài.

Hôm thứ Bảy (21/9), cựu Phó tổng thống Mỹ nói ông không bao giờ nói chuyện với con trai về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con.

Tuy nhiên, vấn đề đã tiếp tục bị ông Trump và các đồng minh của tổng thống Mỹ chất vấn. Họ chỉ ra cụ thể về động thái của ông Biden từ tháng 3 năm 2016 nhằm gây sức ép buộc chính phủ Ukraine phải sa thải công tố viên hàng đầu của mình, ông Viktor Shokin, người trước đây đã dẫn đầu một cuộc điều tra về chủ sở hữu công ty Burisma.

Ông Biden là đại diện cho lập trường chính thức của chính phủ Hoa Kỳ lúc đó, vốn cũng được ủng hộ bởi các chính phủ phương Tây khác và nhiều người ở Ukraine, những người đã cáo buộc ông Shokin quá nhẹ tay với tham nhũng.

Tham nhũng vẫn tiếp tục bùng phát ở Ukraine. Vào tháng Năm, tân Tổng thống của Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã nhậm chức mà không có kinh nghiệm về chính trị, nhưng với lời hứa táo bạo là sẽ chấm dứt tình trạng tham nhũng.

Trong khoảng thời gian này, ông Giuliani bắt đầu liên hệ với ông Zelenskiy và các trợ lý của ông để gây sức ép về một cuộc điều tra của chính phủ về công ty Burisma và vai trò của ông Hunter Biden trong công ty.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 19/5, ông Trump tuyên bố cựu công tố viên người Ukraine đang “theo dõi” con trai ông Joe Biden và đó là lý do tại sao cựu phó tổng thống đòi phải sa thải ông này. Tuy nhiên, không có bằng chứng gì về điều này.

Công tố viên hiện tại của Ukraine, Yuriy Lutsenko, được Bloomberg News trích dẫn hồi tháng Năm, nói rằng ông không có bằng chứng nào về việc làm sai trái của ông Biden hay con trai ông. Bloomberg cũng tường thuật rằng cuộc điều tra Burisma không được tiến hành vào thời điểm mà ông Biden ép sa thải ông Shokhin.