Đảng đánh giá vụ án Vạn Thịnh Phát ‘đặc biệt nghiêm trọng’

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hồ Chí MInh

Vụ án tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát mang tính chất ‘đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có’, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam đánh giá sau cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo báo Thanh Niên.

Thông tin này được ông Nguyễn Thái Học, phó trưởng Ban Nội chính trung ương, đưa ra tại cuộc họp báo sau cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương tại Hà Nội hôm 18/11.

Tuyên bố này là dấu hiệu cho thấy vụ án Vạn Thịnh Phát nhận được sự theo dõi, chỉ đạo từ cấp cao nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hôm 8/10, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội ‘Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản’, mà cụ thể là gian dối trong phát hành cổ phiếu tại Công ty cổ phần đầu tư An Đông, một công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát.

Hiện tại vụ việc đang trong vòng điều tra và tài sản của Vạn Thịnh Phát và các công ty liên quan đang bị phong tỏa. Tổng cộng có đến 762 công ty liên quan bị đóng băng tài sản trong vụ trọng án này, báo chí trong nước thông tin.

Vụ trái phiếu của Tập đoàn An Đông có đến hơn 40.000 nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước với số tiền lên đến hơn một tỷ đô la Mỹ.

Trước đó tại buổi họp báo ngày 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết vụ án Vụ Thịnh Phát là ‘vụ rất khó’ trong quá trình điều tra. Ông Xô cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã báo cáo cho lãnh đạo Đảng về mức độ khó khăn của vụ án nhưng khẳng định ‘sẽ quyết tâm điều tra’.

Ông Xô cũng nói việc một số bị can bị đột tử sau khi bị bắt tạm giam ‘không ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều tra’.

Bên cạnh vụ Vạn Thịnh Phát, các vụ án của Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vụ chuyến bay giải cứu ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC cũng được xếp vào diện nghiêm trọng được chú ý đặc biệt.

Từ giờ đến cuối năm, cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam đặt mục tiêu ‘tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án’, cũng theo Thanh niên.

Cơ quan này cho biết họ ‘đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng’ trong các vụ án tham nhũng bằng cách tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và ngăn chặn giao dịch.

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương xác định tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Cơ quan này cho biết ‘có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi’.

Trong vòng chưa đầy hai năm từ Đại hội Đảng lần thứ 13, đã có đến 7 Ủy viên trung ương Đảng bị kỷ luật, con số cao nhất từ trước đến nay trong một nhiệm kỳ. Trong đó, có ba ủy viên trung ương bị cho thôi việc cùng một lúc tại Hội nghị trung ương 6 hồi đầu tháng 10.

Về một vụ án khác đang được dư luận quan tâm là vụ Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC vốn đang bị điều tra về các tội ‘Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Đưa hối lộ’, ông Nguyễn Thái Học dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng các can phạm ‘dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được’.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, hiện đã bỏ trốn. Bà Nhàn được cho là đã hối lộ các lãnh đạo Đồng Nai nhiều tỷ đồng để được trúng thầu gói thầu mua sắm thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Bà Nhàn bị cáo buộc đã nâng khống giá để chiếm đoạt của Nhà nước 152 tỷ đồng.