Hàng trăm người dân Việt Nam và các tổ chức xã hội đã tham gia ký vào một tuyên bố kêu gọi chính phủ Hà Nội kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì cho rằng “đất nước đang đứng trước hình hình rất nguy hiểm” trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động “bất hợp pháp” tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông.
Trung Quốc được cho là đã cử một tàu khảo sát cùng nhiều tàu hải cảnh tới khu vực Bãi Tư Chính từ 3/7 và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 19/7 cáo buộc tàu khảo sát Hải Dương 8 đã “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.”
Theo cập nhật của chuyên gia hàng hải Ryan Martinson của Trường Hải chiến Mỹ hôm 28/7, tàu Hải Dương 8 vẫn tiếp tục các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đây là cuộc đụng độ căng thẳng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông kể từ năm 2014, khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương 981 vào khu vực mà Hà Nội nói là đặc quyền kinh tế của mình, làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình trong và ngoài nước chống lại hành động của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã làm để nhận được phán quyết có lợi cách đây 3 năm.
Tuyên bố Biển Đông, hiện có gần 700 cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước tham gia ký tính đến ngày 28/7, cho rằng “đất nước đang đứng trước tình hình rất nguy hiểm.”
Một trong 4 nội dung kêu gọi của Tuyên bố Biển Đông, hiện đang được lan truyền trên mạng xã hội để lấy chữ ký, là chính phủ Việt Nam “cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Tòa án Quốc tế thích hợp” và “cần lên tiếng tố cáo trước Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và [vùng] đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính.”
Nhà báo Võ Văn Tạo, nói với VOA từ Nha Trang, cho rằng việc quốc hội Việt Nam không ra được nghị quyết để phản đối Trung Quốc gây bức xúc trong người dân và ông ký vào bản Tuyên bố Biển Đông cũng vì thấy cần phải “đốc thúc chính phủ đưa Trung Quốc ra kiện trước tòa án quốc tế.”
“Lý do mà tôi ký vào Tuyên bố Biển Đông chủ yếu là trong đó Tuyên bố đề cập đến vấn đề Việt Nam cần kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế trong việc Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam,” nhà văn Nguyễn Viện nói với VOA từ TP HCM, mặc dù ông cho rằng “thật tâm tôi không tin chính phủ Việt Nam đủ dũng cảm kiện Trung Quốc.”
Hai chuyên gia Mỹ, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế của Trường Hải chiến Mỹ James Kraska và Giám đốc chương trình Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), bà Bonnie Glaser, tuần trước nói với VOA rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam về lâu dài. Ông Kraska cho rằng Việt Nam có rất nhiều khả năng thắng kiện.
XEM THÊM: Việt Nam ‘sẽ thắng’ nếu kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế?Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales cũng khuyên Việt Nam nên “để ngỏ khả năng phải sử dụng hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển) theo tiền lệ mà Philippines đã tạo ra.” Vị chuyên gia về Việt Nam nhận định trong bản tin ra ngày 22/7 rằng việc này sẽ gây sức ép khiến Trung Quốc phải tuân thủ hơn luật quốc tế.
VOA không nhận được phản hồi ngay lập tức của Bộ Ngoại giao về việc liệu chính phủ Việt Nam có xem xét kiện Trung Quốc ra tòa hay không.
Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye hôm 12/7/2016 ra phán quyết có lợi cho Philippines khi phủ nhận đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đặt ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông.
‘Biểu tình trên mạng’
“Phải kêu gọi mọi người lên tiếng, tin ở lòng dân khi có cơ hội và điều kiện thì việc phải đến sẽ đến, như đã thấy trong các vụ phản đối giàn khoan (HD-981) năm 2014, vụ Formosa, vụ Luật Đặc khu năm vừa qua,” ông Hoàng Hưng, một trong những người tham gia soạn thảo bản Tuyên bố, nói với VOA.
Tuyên bố Biển Đông, hiện có gần 700 cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước tham gia ký tính đến ngày 28/7, cho rằng “đất nước đang đứng trước tình hình rất nguy hiểm” và kêu gọi chính phủ Việt Nam tăng cường nội lực của đất nước làm chỗ dựa cho an ninh quốc phòng.
Nói từ TP HCM, ông Hưng cho biết, đây là một hình thức “biểu tình trên mạng” và hy vọng bản tuyên bố sẽ “tác động đến lòng dân để tác động đến chính sách nhà nước”.
Đây là một hình thức “biểu tình trên mạng”... sẽ “tác động đến lòng dân để tác động đến chính sách nhà nước”.Hoàng Hưng, một người đồng soạn thảo Tuyên bố Biển Đông
Sau khi hoàn tất việc lấy chữ ký vào ngày 30/7, bản Tuyên bố sẽ được gửi “theo đường bưu điện đến các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam,” theo ông Hưng.
Tuyên bố Biển Đông còn kêu gọi chính phủ Việt Nam “khẩn trương mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và các nước có chung quyền lợi với Việt Nam ở Biển Đông nhằm bảo vệ tổ quốc một cách hiệu quả.”
Nhà báo Võ Văn Tạo, người có nhiều năm phục vụ trong quân đội, cho rằng mặc dù hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ gần đây được tăng cường nhưng còn hạn chế và rằng việc Mỹ đưa tàu sân bay và khu trục tới cập cảng Việt Nam hay đi tuần trên Biển Đông không đủ để răn đe Trung Quốc.
“Nếu lực lượng chiến đấu của Hạm đội 7 trở lại Cam Ranh đóng trú như cách đây mấy chục năm, và chỉ khi có việc đó thành hiện thực thì đường lưỡi bò mới bị cắt đứt,” theo nhà báo hiện sinh sống ở Nha Trang.
“Chính sách 3 không” của Hà Nội được nhất quán từ trước đến nay, bao gồm việc “không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam” cũng như “không tham gia các liên minh quân sự”.
Trong bối cảnh đó, GS Thayer cho rằng Việt Nam nên “khai thác các thế mạnh cũng như điểm yếu của một quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Đồng thời lực lượng Tuần duyên Việt Nam nên tăng cường các hoạt động với Nhật và Mỹ và Hải quân Việt Nam nên đẩy mạnh hợp tác với các cường quốc lớn để tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ.”
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các quan chức cấp cao của chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ đã lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam trong lúc tranh chấp tại Bãi Tư Chính tiếp tục diễn ra.