Abu Mohammad al-Jolani, người mới lật đổ Bashar al-Assad, cựu tổng thống Syria, đã đọc bản hiệu triệu đầu tiên với dân chúng. Lãnh tụ đoàn quân nổi dậy HTS không dùng một đài truyền hình, cũng không ngồi tại bàn giấy trong văn phòng dinh tổng thống, tượng trưng cho quyền lực. Ông chọn bối cảnh một thánh đường Hồi Giáo. Thánh đường có lịch sử 1,300 năm, mang tên Umayyad, một dòng chính của Hồi Giáo, do Abī Sufyān xướng xuất ngay tại ở thủ đô Damascus từ năm 661. Abī Sufyān gốc cùng quê hương Mecca với Đức Tiên Tri Muḥammad và sống cùng một thời. Khi Hồi Giáo chia ra hai ngành, dòng Umayyad thành giáo phái Sun Ni, đối lập với phái Shi A hiện do các giáo sĩ Iran lãnh đạo. Cuộc cách mạng mới điễn ra ở Syria nằm trong lịch sử cuộc đối đầu giữa hai giáo phái Hồi Giáo chính.
Đa số dân Syria theo giáo phái Sun Ni, Bashar al-Assad theo một chi phái của Shi A gọi là Alawite. Bố con ông vẫn được Iran ủng hộ. Một số dân Syria còn theo giáo phái Druze và nhiều nhóm Thiên Chúa giáo.
Trong ngôi đền cổ kính làm bằng đá cẩm thạch đen, trắng, Abu Mohammad al-Jolani nói: “Đây là Chiến thắng của toàn thể anh em Hồi Giáo. Chiến thắng nhờ ơn Thượng Đế và tất cả những đấng tử đạo cùng những cô nhi, quả phụ của họ.” Ông nói thẳng đến chính quyền Iran: “Chiến thắng này đánh dấu một trang sử mới, (chấm dứt cảnh) Iran dùng nước Syria như một sân chơi cho họ bành trướng tham vọng, tuyên truyền chia rẽ, nuôi dưỡng tham nhũng.”
Abu Mohammad al-Jolani lãnh đạo một tập hợp chống Assad dưới danh hiệu Hayat Tahrir al-Sham, viết tắt là HTS. Hơn 20 năm trước, al-Jolani theo Qaeda, nhóm chủ mưu vụ đánh sập hai tòa nhà ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Mỹ và Israel coi ông là một tay khủng bố, đã treo giải thưởng $10 triệu mỹ kim trên đầu ông. Bây giờ, trong lực lượng HTS có cả các nhóm dân quân do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Mohammad al-Jolani đang cố xóa bỏ hình ảnh quá khích thời trẻ, xác định mình chủ trương một đường lối ôn hòa chống những phương pháp tàn bạo cực đoan. Nhắc tới việc chính quyền Assad che chở các nhóm buôn ma túy để kinh tài ông nói: “Syria đang được tẩy rửa sạch sẽ.” Trước khi tiến vào thủ đô Damascus mấy ngày, ông đã dành một cuộc phỏng vấn cho đài truyền hình CNN của Mỹ, không chọn đài Al Jazeera, tiếng nói quen thuộc trong thế giới Á Rập.
Nga và Iran là những đồng minh lâu đời, bảo vệ chế độ al-Assad trong cuộc nội chiến bắt đầu từ 2011. Quân Nga đóng ở Syria đã cho máy bay đánh bom yểm trợ các cuộc hành binh của quân đội al-Assad. Iran đã gửi một số trong Đạo quân Hồi Giáo Cách Mạng, với quân số từ 5 đến 10 ngàn, qua giúp huấn luyện quân đội chính quyền. Các nhóm chống Assad được Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cùng các nước nhỏ trong United Arab Emirates hỗ trợ.
Hàng chục năm qua, Iran đã sử dụng đất Syria làm hành lang gửi vũ khí và tiếp liệu cho các nhóm dân quân theo phái Shi A trong cả vùng, kể cả Iraq và Lebanon. Nhóm Hezbollah, theo phái Shi A từ Lebanon đã đặt căn cứ, đóng quân tại Syria. Nhóm này mới kéo về nước để chống cự các cuộc tấn công của quân Israel. Trong khi đó, máy bay Nga đang rút bớt về Ukraine ứng chiến. Chính quyền al-Assad mất hai lực lượng bảo vệ; mở cơ hội cho al-Jolani tập họp lực lượng, chiếm các thành phố quan trọng, tiến vào Damascus.
Cuộc cách mạng chớp nhoáng diễn ra chưa đầy hai tuần lễ cho thấy một chế độ độc tài dựa trên bạo lực bề ngoài có vẻ vững chắc nhưng bên trong mục nát, sẵn sàng tan rã. Nhiều binh sĩ cởi bỏ quân phục, mặc đồ thường dân. Bản tin chính thức của chính phủ Iraq loan tin 1,000 binh sĩ Syria đã chạy qua nước họ xin tị nạn. Cả hệ thống chỉ huy nghi ngờ lẫn nhau, người này tố cáo người kia là phản bội, khi Phát ngôn viên của HTS báo tin nhiều sĩ quan của al-Assad đang thương lượng để đầu hàng.
Nga và Iran hoàn toàn bất lực không cứu được chế độ al-Assad. Năm 2016 không quân Nga đã giúp Assad chiếm lại thành phố Aleppo, bảo vệ địa vị. Từ đó, Vladimir Putin đầu tư quá nhiều vào chế độ Assad cho nên bây giờ mất mát cũng quá lớn. Putin đành chấp thuận cho ông ta mang gia đình chạy qua Moscow tị nạn, nhưng không ra mặt đón tiếp.
Gia đình Assad đã làm chủ Syria từ năm 1971, khi ông bố, Hafez al-Assad, lên ngôi tổng thống. Ông chết năm 2000, người con trưởng chết vì tai nạn xe hơi, Bashar al-Assad đang học y khoa ở London đã về nước nắm quyền. Năm 2011, dân chúng nổi lên theo cuộc cách mạng Mùa Xuân Á Rập, đã bị Bashar tàn sát. Đạo quân Hồi Giáo Cách Mạng của Iran, nhóm Hezbollah từ Lebanon đã giúp bảo vệ chế độ, cùng với máy bay không lực Nga. Cuộc nội chiến bắt đầu sau đó đã làm chết hơn 300,000 người, gần 6 triệu người bỏ nước đi tị nạn; Thổ Nhĩ Kỳ phải đón nhận 3.2 triệu.
Mỹ, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp Âu châu cùng yêu cầu Bashar từ chức nhưng ông ta tổ chức bầu cử để tiếp tục cầm quyền với 88.7% số phiếu, năm 2014, rồi lại thắng với 95.1% số phiếu năm 2021. Hàng trăm ngàn người Syria bị giam trong ngục thất; họ chỉ được tự do sau khi Bashar bỏ chạy, nhưng người ta vẫn còn tìm chưa hết các căn hầm bí mật giam giữ những người đối lập.
Khi đoàn quân cách mạng HTS tiến đánh các cứ điểm của al-Assad, Tổng thống Joe Biden và vị tổng thống tương lai Donald Trump đều dè dặt tuyên bố nước Mỹ đứng ngoài không can dự. Bây giờ tình hình đã ngã ngũ, thái độ của nước Mỹ sẽ tùy thuộc hành động của chính quyền mới của ông al-Jolani; người đã từng bị chính phủ Mỹ treo giá $10 triệu đô la.
Abu Mohammad al-Jolani sinh tại nước Saudi Arabia, cha mẹ là người Syria gốc ở vùng Golan Heights hiện do Israel chiếm đóng (ngay khi al-Assad bỏ chạy, xe thiết giáp Israel đã tiến chiếm thêm một phần đất nữa). Năm 2021, al-Jolani cho đài PBS biết ông đã theo nhóm al-Qaeda ở Iraq chiến đấu chống quân Mỹ. Ông từng bị bắt, giam giữ 5 năm tại những nhà tù nổi tiếng như Abu Ghraib và Camp Bucca của quân đội Mỹ.
Sau khi chiến thắng, al-Jolani bày tỏ một thái độ ôn hòa. Lực lượng HTS hứa sẽ bảo vệ các văn phòng của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, “vì họ đều phục vụ dân chúng” Syria. Họ cũng kêu gọi OPCW, một tổ chức quốc tế chống vũ khí hóa học, giúp dẹp bỏ các kho chất độc chế độ Assad đã tàng trữ. Cựu thị trưởng một thành phố nhỏ, Mohammed al-Bashir, được cử làm thủ tướng lâm thời cho đến tháng Ba sang năm.
Mỹ, Israel, châu Âu và các nước Á Rập có thể yên tâm hơn vì Iran và Nga đã mất một đồng minh quan trọng. Nga đã mất một đầu cầu cho cả vùng Trung Đông. Iran mất một hệ thống tiếp vận cho những nhóm dân quân Shia A tại các nước chung quanh Syria.
Không biết ông al-Jolani sẽ thiết lập một chế độ mang tính chất Hồi Giáo mạnh hay nhẹ nhưng nhiều người tin rằng ông sẽ không theo đường lối cực đoan và, ngoài Israel ra, sẽ không đe dọa các nước láng giềng khác.