Các nhà lập pháp Đan Mạch đang bênh vực cho luật nhập cư mới có mục đích làm cho đất nước nhỏ bé ở bán đảo Scandinavia kém hấp dẫn với các di dân. Theo bộ luật vừa được thông qua hôm 26/1, những người xin tị nạn phải nộp trên 10.000 cu-ron Đan Mạch (khoảng 1.500 đôla) để chi trả các chi phí thực phẩm và sinh hoạt ở Đan Mạch. Ngoài ra, họ sẽ phải đợi 3 năm trước khi có thể đưa gia đình đến. Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích quyết định này, nhưng các quan chức Đan Mạch nói đất nước họ đã làm vượt mức đóng góp hợp lý để giải quyết vụ khủng hoảng di dân của châu Âu. Thông tín viên Zlatica Hoke có thêm chi tiết trong bài tường thuật.
Điều làm Đan Mạch hấp dẫn nhiều với di dân là hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi.
Phát ngôn viên Chính phủ Đan Mạch Marcus Knuth nói: "Đan Mạch ở trong tình huống đã nhận rất nhiều người xin tị nạn trong năm qua đến mức nền kinh tế phúc lợi của chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn, mà quý vị biết đấy, chúng tôi là một trong những nước nhỏ nhất châu Âu."
Để giảm bớt số người xin tị nạn đi đến Đan Mạch, quốc hội đã áp đặt một khoảng thời gian chờ 3 năm đối với những người muốn đưa người nhà đến. Một phát ngôn viên của cơ quan về tị nạn của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về các biện pháp mới.
Ông Adrian Edwards, phát ngôn viên Cao ủy Tị nạn, nói: "Điều này liên quan đến một số việc, trong đó có giảm trợ cấp xã hội, hạn chế đoàn tụ gia đình, và điều này xảy ra đúng lúc mà sự đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm ở cấp độ EU đang thực sự là ưu tiên hàng đầu."
Các quan chức Đan Mạch nói các quy định áp dụng với người nhập cư không khác gì những điều khoản áp dụng với người Đan Mạch.
Ông Marcus Knuth nói: "Chúng tôi chỉ yêu cầu là nếu những người xin tị nạn – trong trường hợp hiếm hoi là họ đến đây với đủ khả năng chi trả cho bản thân, phải tuân theo các quy định giống hệt đối với các công dân Đan Mạch muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp: nếu bạn có thể chi trả cho bản thân, vậy thì hãy chi trả cho bản thân đi, trước khi hệ thống phúc lợi Đan Mạch làm điều đó."
Một số ít di dân cảm thấy lo lắng về quy định mới này.
Một nam di dân nói: "Những người đến đây không có tiền mang theo. Ngay lúc này tôi còn không có tiền cắt tóc."
Một nam di dân khác bày tỏ: "Nếu tôi có 10.000 cu-ron, tôi đã không đến đây."
Nhưng nhiều người sẽ bị ảnh hưởng về quy định cách ly gia đình, một biện pháp mà các nhóm nhân quyền chỉ trích nhiều nhất.
Ông Jonas Christoffersen, người đứng đầu Viện Nhân quyền Đan Mạch, nêu ý kiến: "Chúng tôi thấy có một cơ sở rõ ràng trong luật nhân quyền quốc tế nói rằng đây là một sự vi phạm đối với các quyền của cá nhân là được hưởng đời sống gia đình."
Đan Mạch nhận 20.000 đơn xin tị nạn trong năm ngoái, khiến quốc gia có 5,5 triệu dân này trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong Liên hiệp châu Âu đối với di dân, cùng với Đức và Thụy Điển.