Trong khoảng 2 tuần qua, đã có nhiều cá chết trên đoạn sông Quyền gần nhà máy Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh. Cho rằng các quan chức địa phương đã phát ngôn “vô trách nhiệm” về tình hình này, hàng trăm người đã chặn quốc lộ và biểu tình trong nhiều giờ hôm Chủ nhật ở thị xã Kỳ Anh.
Một người biểu tình cho VOA biết vụ việc có tính tự phát này kéo dài từ gần 3h chiều đến 9h30 tối hôm 12/2 ở phường Kỳ Thịnh của thị xã. Anh Nguyễn Anh Tuấn, 23 tuổi, nói người dân đã chặn cầu Tây Yên trên quốc lộ 12A nối với cảng Vũng Áng của tỉnh. Lúc đông nhất có từ 300-400 người đã biểu tình. VOA không có điều kiện để kiểm chứng con số này.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy vài chục người trẻ tuổi đã đổ cá chết và dùng các thân cây để chặn đường. Họ cũng giương các biểu ngữ lớn được in rõ ràng viết rằng “Bảo vệ sông Quyền là bảo vệ sự sống của chúng tôi”, “Quyết sống chết với sông Quyền”, “Đả đảo Formosa gieo rắc tội ác trên miền trung đất Việt”, “Formosa phát triển, dân thất nghiệp”.
Nhà máy của hãng Formosa (Đài Loan) hồi mùa xuân năm ngoái đã xả chất thải độc ra biển, làm cá chết hàng loạt ven 4 tỉnh miền trung. Hãng đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Người dân địa phương cho biết sau Tết họ đã phát hiện nhiều cá chết bốc mùi nằm bên hai bờ con kênh thoát lũ mới, nối từ Formosa với sông Quyền. Người dân chất vấn các quan chức địa phương nhưng không được trả lời thỏa đáng.
Sáng Chủ nhật, một số trang tin nhà nước đăng phát biểu của ông Nguyễn Tiến Bảy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kỳ Thịnh, cho rằng cá chết không phải do ô nhiễm mà có thể do “một số người dân đi thả lưới, kích điện”.
Còn ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho rằng chỉ có “một số cá bé bằng 2 ngón tay” chết “vào đúng một thời điểm”. Ông nói không có chuyện “cá chết hàng loạt trên sông Quyền”.
Những phát ngôn “coi thường” và “đổ lỗi cho dân” kể trên đã làm nhiều người dân rất bất bình và tràn ra đường biểu tình.
Anh Nguyễn Anh Tuấn nói:
“Đọc báo xong bọn em bức xúc. Cá chết nhiều như vậy, có những con lên đến 1 cân, có thể hơn nữa. Nhưng mà họ trả lời một cách vô trách nhiệm nên bọn em mới bức xúc. Khoảng 11h trưa, bọn em rủ nhau đi nhặt cá để biểu tình cho họ xem, để cho người ta thấy là không phải là cá chết ít mà cá chết rất nhiều, thậm chí là cá to nữa”.
Nguồn tin địa phương cho hay khi biểu tình diễn ra, “không có một cơ quan chức năng nào đến để giải quyết vấn đề cả”. Người dân đã báo với “các cơ quan chức năng” từ cách đây gần 2 tuần về hiện tượng cá chết, nhưng đáp lại là “kiểu làm việc lơ là, vô trách nhiệm”.
Người địa phương nghi rằng hiện tượng cá chết có liên quan đến nhà máy của Formosa. Anh Tuấn cho biết nơi cá chết cách Formosa 3km. Anh nói thêm:
“Nhà máy Formosa tạo một con sông nhân tạo cũng lớn chảy thẳng nối từ sông Quyền này về nhà máy Formosa luôn. Đó là sông nhân tạo họ gọi là cái mương thoát lũ. Cá chết là nằm dọc cái mương thoát lũ đó, nên bọn em đang nghi ngờ là do Formosa”.
Việc quản lý nước thải của Formosa ra sao dường như đang là một sự lúng túng của nhà chức trách các cấp. Sau thảm họa môi trường hồi tháng 4/2016 vì Formosa xả chất thải thẳng ra biển qua đường ống ngầm, hồi đầu tháng 9 cùng năm, chính các đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường “cần phải cho nước thải của Formosa xả ra khu vực sông Quyền để dễ quản lý”.
Sông Quyền dài khoảng 20 km, chảy qua 7 xã thuộc thị xã Kỳ Anh. Sông này nhiều năm nay cung cấp nước để nuôi trồng thủy sản. Người dân cho rằng việc xả thải sẽ khiến sông Quyền không còn tự nhiên, mức độ ảnh hưởng khôn lường.
Trung tuần tháng 9 năm ngoái, hơn 1000 người dân lưu vực Sông Quyền đã biểu tình để kêu gọi công luận chú ý đến về việc Formosa xả thải gây cá chết, ảnh hưởng tới sinh kế.
Anh Tuấn cho biết về nỗi thống khổ mà người dân phải chịu khi cá chết:
“Nhân dân bọn em ở xung quanh đây thật sự là khổ. Tại vì là cá chết, cá biển chết từ tháng 4 năm ngoài đến giờ là gần 1 năm rồi, không có cá biển để ăn. Thứ hai, con sông là nguồn sống duy nhất của dân ở đây. Nhưng giờ bị ô nhiễm thì thật sự dân không biết ăn cái đồ gì nữa. Chỉ biết ăn thịt, ăn rau vậy thôi. Nhưng mà ngày nào cũng ăn thịt ăn rau mất chất lắm, với lại ngán không ăn được”.
Thực tế cho thấy người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm của Formosa vẫn chưa yên tâm tiêu thụ hải sản do còn thiếu thông tin chắc chắn từ phía nhà nước.
Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố rằng chất lượng nước biển ở 4 tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế nằm trong các tiêu chuẩn cho phép, đủ an toàn cho nuôi trồng và các hoạt động thể thao dưới nước.
Ít ngày sau, một số nhà khoa học nói trên báo chí trong nước rằng công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trương “chưa đủ sức thuyết phục”, “chưa có độ tin cậy cao”.
Sau đó một tháng, Bộ Y tế đưa ra danh sách các hải sản chưa đủ an toàn để làm thực phẩm. Đó là 154 loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý khu vực 4 tỉnh miền trung, trong đó có cá liệt, ghẹ, tôm tít, cá bơn, cá đuối, mực ống beka, cá chình và nhiều loại khác.
Your browser doesn’t support HTML5