Một dân biểu của Hoa Kỳ đã gửi thư cho Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đúng ngày Việt Nam kỷ niệm Quốc khánh, và bày tỏ “vô cùng thất vọng” về việc không có tù nhân chính trị nào nằm trong số hơn một chục nghìn người được đặc xá.
Trong lá thư đề ngày 2/9, Dân biểu Alan Lowenthal viết: “Thật là đáng xấu hổ khi những công dân Việt Nam đã chọn thực thi các quyền căn bản của họ như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội sẽ tiếp tục bị giam cầm trong khi những người bị kết tội hình sự thì được ân xá”.
“Đây là một chính sách không công bằng và coi thường quyền con người của công dân Việt Nam”, nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ viết thêm.
Giới chức Việt Nam cuối tháng trước cho biết hơn 18 nghìn tù nhân đã được ân xá, nhưng không có ai phạm tội về an ninh quốc gia được thả sớm.
Dù Việt Nam thường tuyên bố không tống giam những người có quan điểm trái với nhà nước, nhưng các nhà bất đồng chính kiến thường bị tống giam vì các điều liên quan tới an ninh quốc gia như điều 79 ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ hay điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’ thuộc Bộ Luật hình sự.
Ông Lowenthal chính là người đã bảo trợ cho thạc sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung và vận động cho tự do của anh năm 2013.
Trả lời VOA Việt Ngữ, khi được hỏi là vì sao các nhà lập pháp Mỹ lại quan tâm với số phận của các tù nhân chính trị Việt Nam ở cách nửa vòng trái đất, dân biểu từ California, nơi có đông người Mỹ gốc Việt sinh sống, từng nói:
“Một trong các lý do mà tôi có mặt tại Quốc hội, đó là tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng mà tôi đại diện, và cho nhân quyền. Tôi hiện là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại cũng như Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos. Tôi nghĩ trách nhiệm của tôi là đứng lên đấu tranh cho nhân quyền ở bất cứ đâu. Khi ở Việt Nam, tôi đã gặp mặt những người bị tống giam không phải họ làm điều gì sai trái mà vì họ tranh đấu cho tự do, lên tiếng vì người khác. Tôi đứng lên bảo trợ cho những người đấu tranh cho người khác, và tôi muốn ủng hộ điều họ làm".
Ông Lowenthal cho biết thêm rằng các dân biểu tấp nập tới Việt Nam thời gian qua là để thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, với chính quyền Hà Nội.
Trong lá thư của mình, dân biểu này viết: “Nếu Việt Nam muốn xây dựng quan hệ với cộng đồng quốc tế và nhận được quy chế thương mại thuận lợi qua TPP thì chính quyền Việt Nam cần phải chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc tôn trọng các tiêu chuẩn và giá trị con người quốc tế”.
Ông Lowenthal cũng kêu gọi Việt Nam “lập tức trả tự do ho tất cả các tù nhân lương tâm”. Trong lá thư của mình, dân biểu này cũng nêu tên một số cá nhân như blogger Tạ Phong Tần, nhạc sỹ Việt Khang hay nhà hoạt động trẻ Đinh Nguyên Kha.
Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về bức thư mà ông Lowenthal gửi cho Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Trong khi đó, đúng ngày Quốc khánh của Việt Nam, Hội Ân xá Quốc tế cũng đã lên tiếng kêu gọi Hà Nội thả tất cả tù nhân lương tâm “ngay lập tức” và “vô điều kiện” vào dịp đánh dấu 70 năm ngày độc lập.
Việc Hà Nội phóng thích các tù nhân lương tâm nổi bật trong khi thương thảo các thỏa thuận quan trọng như TPP khiến nhiều người đặt câu hỏi là liệu phải chăng Việt Nam đang dùng họ làm con bài mặc cả với phương Tây.
Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski, tuyên bố rằng Hoa Kỳ không muốn ‘quan hệ đổi chác’ với Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5