Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal vừa trở thành đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam), theo thông cáo báo chí từ văn phòng của ông ngày 10/2. Hai vị đồng chủ tịch khác là Dân biểu Chris Smith và nữ Dân biểu Zoe Lofgren.
Ông Lowenthal đại diện cho khu vực Little Saigon, thuộc địa hạt 47 tại miền Nam California, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA Tiếng Việt ngày 14/2, dân biểu Lowenthal đã chia sẻ những ưu tiên và dự định của ông trên cương vị mới nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.
Ưu tiên tiếp tục thúc đẩy nhân quyền
VOA: Thưa ông, là đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Việt Nam, ông có những ưu tiên gì?
DB Lowenthal: Tôi muốn tiếp tục những ưu tiên mà tôi đã đặt ra khi còn là thành viên của ủy ban dưới sự lãnh đạo của các Dân biểu Zoe Lofgren, Loretta Sanchez trước đó, và Chris Smith.
Và tôi nghĩ Hoa Kỳ phải tiếp tục yêu cầu Việt Nam tham gia các hoạt động bảo vệ quyền của các công dân của họ.
Nếu họ muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ, tôi nghĩ chúng ta phải đề nghị họ bảo vệ quyền tôn giáo của công dân, quyền của các blogger được bày tỏ bất đồng, các nhà hoạt động lao động được đòi có công đoàn độc lập, các nhà môi trường được đòi bồi thường thật sự cho thảm họa Formosa, Hòa thượng Thích Quảng Độ đang bị quản thúc được thực hành tôn giáo.
Như vậy, có nhiều việc chúng tôi muốn tiếp tục. Và điều tôi muốn làm trên cương vị là một trong những đồng chủ tịch là duy trì việc ủy ban tập trung vào Việt Nam, và chúng tôi muốn thấy những thay đổi to lớn về nhân quyền của các công dân Việt Nam.
VOA: Trong những năm qua, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ, thảo luận với nhà chức trách Việt Nam. Ông đã đề nghị họ đạt tiến bộ về những vấn đề gì, và họ hồi đáp ra sao?
DB Lowenthal: Tôi đã đến Việt Nam, thách thức chính phủ Việt Nam rằng tôi sẽ không ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam muốn tham gia trừ phi Việt Nam có những thay đổi, thay đổi về nhân quyền, về môi trường.
Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Tôi nghĩ dưới thời chính quyền mới, Hiệp định TPP đã bị loại bỏ. Nhưng tôi nghĩ trên bàn đàm phán sẽ là những hiệp định thương mại mà chúng ta thảo ra với Việt Nam. Và tôi thực sự muốn chính quyền này cổ võ cho nhân quyền cũng như các quyền kinh tế của người Mỹ nếu như chúng ta có mối quan hệ thương mại, hay gia tăng thương mại với Việt Nam.
Do vậy, tôi nghĩ hết sức quan trọng phải làm công việc đó trong khuôn khổ của ủy ban.
VOA: Tân Tổng thống Trump chưa trực tiếp đề cập đến nhân quyền trong các phát biểu, tuyên bố. Ông có cho rằng như vậy chính quyền Trump thiếu quan tâm đến nhân quyền, và điều đó ảnh hưởng ra sao đến nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam?
DB Lowenthal: Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi thúc đẩy nhân quyền không phải vì có một chính quyền nào đó nói nhân quyền là quan trọng. Chúng tôi ủng hộ nhân quyền như là một nguyên tắc cơ bản của Mỹ, nguyên tắc đó cần phải là một phần trong chính sách đối ngoại của chúng ta trên toàn thế giới.
Tôi biết rằng có nhiều người Mỹ gốc Việt sinh ra ở Việt Nam hay ở Mỹ. Nhiều người có gia đình vẫn ở Việt Nam. Có những gia đình đã đi di tản và là một phần của cộng đồng Việt kiều. Họ thực sự muốn có quan hệ tốt với Việt Nam. Và thực sự là tùy thuộc vào việc chính quyền Việt Nam dừng các hoạt động đàn áp đối với chính người dân của mình.
Và như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chính quyền [Mỹ] hiện nay. Đúng như bạn nói, chính quyền hiện nay chưa tập trung vào nhân quyền. Vai trò của chúng tôi là Ủy ban về Việt Nam ở Quốc hội, với tư cách là một nhánh quyền lực ngang bằng với chính phủ, thì Quốc hội muốn chính phủ làm việc về các vấn đề này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ, với Ngoại trưởng và các vị khác để tập trung vào những vấn đề rất quan trọng này, đảm bảo rằng nhân quyền trở thành một trong những mục tiêu đối ngoại của Mỹ.
Đại sứ Osius ở vị trí khó khăn
VOA: Nhiều nhà hoạt động và nhiều người trong công chúng Việt Nam bày tỏ thất vọng về Đại sứ Ted Osius vì cho rằng dường như ông thiếu nỗ lực thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam. Ông bình luận ra sao về điều này?
DB Lowenthal: Tôi nghĩ ông Osius ở vào một vị trí khó khăn. Cá nhân tôi rất ủng hộ các hoạt động của ông Osius là người mà tôi nghĩ đã cố gắng thúc đẩy cả phát triển kinh tế với Việt Nam lẫn nhân quyền.
Ông Osius đã thăm Nghĩa trang Biên Hòa. Ông rất ý thức về việc chúng tôi mong muốn cung cấp trợ giúp nhân đạo cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa không thể đi Mỹ.
Có thể có một số quan ngại từ các nhà hoạt động là Mỹ chưa làm đủ. Vai trò của chúng tôi trong Quốc hội là tiếp tục thúc đẩy nhân quyền, bảo đảm rằng chính quyền hiện nay gửi ra thông điệp là nhân quyền nằm trong số các ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi muốn đi tiên phong làm việc đó theo cách thức lưỡng đảng.
Chính quyền chưa thực sự trình bày về chính sách đối với Việt Nam. Do vậy, thực sự đó là trách nhiệm của chúng tôi cần phải giúp đỡ chính quyền lập ra chính sách đó. Sau đó, họ sẽ làm việc với đại sứ của họ, như là ông Osius, để thực thi chính sách.
Như vậy, lúc này, đó là những gì ủy ban đang làm, đề ra một số định hướng, một số vấn đề mà chúng tôi muốn chính quyền giải quyết.
VOA: Lúc này đang có một cuộc biểu tình lớn ở Nghệ An liên quan đến Formosa. Những thông tin mới nhất chúng tôi nhận được cho thấy những người biểu tình bị cảnh sát đánh đập. Ông có thể nói gì về điều này? Ông có thông điệp gì dành cho họ?
DB Lowenthal: Chúng tôi muốn nói chúng tôi biết rõ Việt Nam đã phải hứng chịu một thảm họa môi trường to lớn do việc xả chất thải độc hại trái phép của hãng thép Formosa ở Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan. Vụ này đã làm chết hàng triệu tôm cá, tàn phá nền kinh tế và sinh kế địa phương.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam đã ứng phó chậm chạp, và đã từ chối điều tra xem ai chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cá nhân tôi cho rằng đó là một sai lầm lớn. Và tôi sẽ tiếp tục vận động chính phủ Mỹ - thông qua chính sách của mình - đứng lên vì những người bị thiệt hại nhiều do thảm họa môi trường này.
Luật Magnistky giúp nhắm vào những kẻ vi phạm
VOA: Hồi tháng 12/2016, Luật Magnistky về trừng phạt những người vi phạm nhân quyền đã được thông qua. Nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã hy vọng Mỹ sẽ sử dụng đạo luật này để lập danh sách các quan chức Việt Nam cần phải bị trừng phạt. Ông và các dân biểu khác đã bắt đầu hành động về việc này chưa? Ông nghĩ Luật Magnistky sẽ có tác động thế nào đến tình hình nhân quyền Việt Nam?
DB Lowenthal: Có, nó sẽ có tác động. Tôi nghĩ lúc này điều mà tôi hy vọng Quốc hội sẽ làm là sẽ nói chuyện với chính quyền [Mỹ] về việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, và sau đó sẽ bắt đầu xem xét các công cụ mà chúng tôi có, như là đạo luật này, để nhắm mục tiêu vào những ai vi phạm nhân quyền.
Như vậy, điều tôi thực sự mong đợi là có một cuộc thảo luận toàn diện giữa chính quyền và các thành viên Quốc hội, và các cộng đồng, những người thực sự muốn thấy Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ các công dân Việt Nam khỏi những sự vi phạm nhân quyền, quyền tôn giáo bởi chính phủ [Việt Nam]. Và đạo luật này sẽ có tiềm năng giúp chúng tôi nhắm mục tiêu vào một số những kẻ vi phạm tồi tệ nhất.
Nhưng lúc này chúng tôi cần đánh tiếng trước rằng Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi Việt Nam, và quan hệ của chúng tôi với Việt Nam trong tương lai sẽ tùy thuộc vào những thay đổi trong hành xử của chính phủ Việt Nam đối với chính các công dân của mình thông qua việc mang lại sự bảo vệ và các quyền, và không bỏ tù các công dân hay các tù nhân lương tâm.
VOA: Xin cảm ơn dân biểu Lowenthal đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.