Đất nước đang gặp muôn trùng nguy khó, từ chuyện mới đây và mang tính địa phương như Formosa đến các chuyện lâu dài mà người dân cả nước ta thán như tham nhũng, nợ công cao, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, biển Đông, dân bị cướp đất, thực phẩm bẩn, y tế, giáo dục, giao thông… Nhiều lĩnh vực đã bị cả các nước nhỏ hơn như Lào, Campuchia qua mặt.
Trong hoàn cảnh đó, Hội nghị Trung ương 4 của đảng cầm quyền lại đi bàn về đạo đức, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà không hề bàn về đối sách cho các vấn đề đại sự của quốc gia. Họ dường như đang ở trên cung trăng và nói chuyện trời mây, để mặc dân tình đối phó với những khó khăn thực tế chồng chất hàng ngày.
Các lãnh đạo của đảng cầm quyền cũng giống như con đà điểu vùi đầu xuống cát, tự dối mình rằng gã thợ săn sẽ không nhìn thấy mình. Và kết cục của con đà điểu đó chắc chắn sẽ không có gì tốt đẹp.
Liên tục nói gở
Tuy vậy, vẫn có những đảng viên cộng sản còn tỉnh táo. Một số đảng viên cộng sản cao cấp gần đây liên tục cảnh báo về sự “sụp đổ”, “tan rã” sắp tới của đảng Cộng sản. Họ còn ám chỉ về những “nhóm lợi ích” thao túng cả nền chính trị và kinh tế quốc gia, những kẻ “bán nước hại dân”… Có thể kể ra những cái tên như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Vũ Ngọc Hoàng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê,…
Trong lịch sử 86 năm tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ các lãnh đạo đảng lại cảm thấy kém tự tin như hiện nay. Việc cầm quyền không do dân bầu ra khiến họ lúc nào cũng lo sợ bị mất quyền lực, khiến họ nhìn thấy “thế lực thù địch” ở khắp mọi nơi.
Your browser doesn’t support HTML5
Phát-xít hóa
Lý thuyết của đảng Cộng sản cho rằng một chế độ chính trị trước khi diệt vong sẽ chuyển sang phát-xít hóa, nghĩa là chế độ đó phải tăng cường đàn áp dân chúng bằng bạo lực để hi vọng kéo dài thêm sự sống.
Người dân nghĩ gì khi thấy một đại tướng công an lên làm chủ tịch nước, một tướng công an khác lên làm chủ tịch thành phố thủ đô, và tổng bí thư đảng cầm quyền vào đảng ủy bộ công an? Tất cả đều là những việc chưa có tiền lệ. Nên nhớ công an là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với người dân, và là “công cụ bạo lực cách mạng” của đảng cầm quyền.
Nhiều hình ảnh, video công khai trên mạng về việc công an đánh dân, hành hung hóng viên, nhiều trường hợp dân chết trong đồn công an nhưng công an chỉ bị xử lý rất nhẹ. Những việc như vậy càng dễ khiến người dân cho rằng đảng cầm quyền đang dung túng cho “công cụ bạo lực” của mình trấn áp người dân, tạo sự sợ hãi trong toàn xã hội.
Sự kiện nhà cầm quyền từ chối đơn kiện của ngư dân miền Trung đối với Formosa, thậm chí cho rằng người dân biểu tình phản đối Formosa là “thế lực thù địch” và nhận tài trợ của “khủng bố” càng củng cố thêm nhận định rằng nhà cầm quyền đứng về phía tư bản nước ngoài mà quay lưng lại với nhân dân.
Your browser doesn’t support HTML5
Về sự việc cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) bị bắt ngày 10/10, báo Công An Nhân Dân còn cho biết một trong những lý do Mẹ Nấm bị bắt là việc soạn thảo tập tài liệu bằng tiếng Anh ghi lại 31 trường hợp công an đánh chết dân trong đồn, cũng như việc Mẹ Nấm phản đối Formosa. Đây nếu không phải là sự đàn áp, bịt miệng người dân thì là gì?
Không biết các lãnh đạo của đảng Cộng sản, của Bộ Công an đã đọc những bài viết gần đây của ông Vũ Ngọc Hoàng đăng trên Vietnamnet hay chưa? Ông Vũ Ngọc Hoàng đã viết rất chính xác rằng nhà cầm quyền sụp đổ là do sự suy thoái của đảng cầm quyền chứ đừng đổ thừa cho “thế lực thù địch”.
Những lý thuyết mà đảng Cộng sản từng đi rao giảng để “cướp chính quyền” giờ đây lại đang áp dụng với chính họ. Quả là sự trớ trêu của lịch sử!
Sự giới hạn của ‘công cụ bạo lực’
Trong cuộc Cách mạng của Nhân phẩm (Euromaiden) do nhân dân Ukraina tiến hành vào cuối năm 2013, đầu năm 2014, khi lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut bắn vào người biểu tình thì Tổng thống Yanukovych cũng phải leo lên máy bay để trốn sang Nga.
Khi đã dám bắn vào người dân thì đồng nghĩa với nhà cầm quyền đã phạm tội ác chống lại loài người, đã phạm tội nặng nhất là phản bội lại Tổ quốc và nhân dân. Và nhà cầm quyền biết rằng họ sẽ bị đem ra xét xử. Bỏ trốn là lựa chọn tất yếu. Thế nhưng hầu như không có ai bỏ trốn thành công.
Nên nhớ rằng có những sĩ quan phát-xít Đức đã thay tên đổi họ và trốn tránh công lý hàng chục năm trời nhưng cuối cùng vẫn phải ra trước vành móng ngựa, chưa kể những tấm gương mới đây như Saddam Hussein, Gaddafi, Pon Pot…
Lực lượng Berkut ở Ukraina cuối cùng đã phải quỳ xuống tạ tội với nhân dân. Và lực lượng đó đã vĩnh viễn bị giải tán. Các lực lượng an ninh, vũ trang của Việt Nam có nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó không?
Your browser doesn’t support HTML5
Đừng để quá trễ
Ngày 3/10 vừa qua, cử tri Colombia đã từ chối thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và phiến quân FARC gốc cộng sản. Lý do chính là người dân cảm thấy không thể tha thứ cho những tội ác giết người mà phiến quân FARC đã gây ra trong quá khứ.
Vậy thì những người cộng sản Việt Nam có thấy được bài học gì không? Dân tộc Việt Nam có truyền thống hòa hiếu, bao dung, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại” như lời của một quan chức nói về Forrmosa, nhưng chắc chắn sẽ càng ngày càng khó chấp nhận những kẻ đàn áp nhân dân để bảo vệ quyền lực không chính danh của mình.
Như vậy, các lực lượng tiến bộ trong đảng Cộng sản cũng như người dân cần đoàn kết với nhau để tạo dựng lại nền tảng quốc gia, đó là bản hiến pháp chuẩn mực đảm bảo quyền làm chủ của người dân. Một nhà nước dân chủ pháp quyền với nền pháp luật chuẩn mực sẽ là cơ sở để mọi người chung sống hài hòa, bình đẳng, đoàn kết với nhau, cũng là để bảo vệ tính mạng và tài sản hợp pháp của các đảng viên cộng sản. Đó chính là giải pháp để cả dân tộc cùng thắng, vì người Việt là đồng bào chứ không phải là “thế lực thù địch” của nhau.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.