Các triển vọng nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên đang tăng cao vào lúc Bình Nhưỡng dường như có thái độ hòa dịu, theo nhận xét của các chuyên gia Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng đã không phóng một hỏa tiễn tầm xa trong dịp lễ kỷ niệm được quảng bá rầm rộ tuần trước, bất kể nhiều lời đồn đoán rằng họ sẽ làm như vậy. Bài phát biểu của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại buổi lễ đã không đề cập đến vấn đề hạt nhân như mọi khi và hai nước Triều Tiên sẵn sàng tổ chức vào tuần tới những cuộc đoàn tụ hiếm hoi giữa các gia đình bị phân ly trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng những đề xuất của Bình Nhưỡng có thể đem lại một cơ hội để các thành viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải quyết tranh chấp về việc phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên để bàn về các phương sách tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân. Các cuộc đàm phán đó đã bị khựng lại từ cuối năm 2008.
Có cơ may nối lại đàm phán
Ông Joseph De Trani, cựu đặc sứ về hạt nhân và là giới chức tình báo, tin rằng vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye tại Tòa Bạch Ốc trong ngày thứ Sáu.
Ông De Trani nói: “Trong bối cảnh các diễn biến mới đây với Bắc Triều Tiên, một cuộc thảo luận về việc tiếp xúc lại với Bình Nhưỡng để xác định liệu có cơ may tái lập các cuộc đàm phán 6 bên có ý nghĩa hay không”.
Ông Charles Armstrong, một giáo sư tại trường Đại học Columbia chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nói hai nhà lãnh đạo có thể kêu gọi đối thoại, và nói thêm rằng một “lời hô hào công khai trở lại” các cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ là điều khó xảy ra.
Ông Armstrong nói Washington đang tỏ ra không mấy quan tâm đến việc trở lại các cuộc đàm phán ngay tức khắc.
Các giới chức Hoa Kỳ cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cách thức tái khởi động các cuộc đàm phán “nghiêm túc” và “có ý nghĩa”.
Tuần này, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Á châu, ông Daniel Kritenbrink nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi sẽ thảo luận các phương sách đưa Bắc Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân nghiêm túc và có ý nghĩa”.
Ông Kritenbrink nói 2 vị tổng thống sẽ tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh đến việc Bình Nhưỡng tuân thủ nghĩa vụ hạt nhân.
Ý đồ của Bình Nhưỡng chưa rõ ràng
Một số nhà phân tích vẫn hoài nghi về ý đồ của Bình Nhưỡng.
Cựu giám đốc Văn phòng Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông David Straub nói: “Tôi nghĩ có thể có một vụ phóng hỏa tiễn hay phi đạn tầm xa trong vòng từ 3 đến 6 tháng sắp tới”. Không có dấu hiệu nào rằng họ đang xét lại chính sách phi đạn và hạt nhân, do đó một cuộc thử nghiệm trong những tháng sắp tới thực sự khó có thể tránh được”.