Các giới chức thương mại hàng đầu của 12 quốc gia ven Thái Bình Dương tiếp tục đàm phán về các thỏa thuận thương mại cho các mặt hàng dược phẩm, xe ô-tô và sữa trong tuần này trong nỗ lực đạt đến chi tiết chung cuộc cho hiệp ước thương mại phức tạp sẽ bao trùm lên khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Việt Nam và 8 quốc gia khác đã làm việc với nhau về thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong mấy năm qua, và hy vọng có thể đúc kết được hiệp ước tại các cuộc đàm phán trong tuần qua diễn ra ở thành phố Atlanta, Mỹ.
Các cuộc thương thảo được dự trù kết thúc sớm hơn trong tuần qua, nhưng theo tường trình của thông tín viên Dough Palmer của hãng Politico thì chưa có thỏa thuận nào được loan báo tính đến chiều thứ Bảy.
Các vấn đề bao gồm việc Washington thúc đẩy mở rộng thời hạn bảo vệ mẫu mã cho một lớp dược phẩm mới nhiều hứa hẹn dài hơn là các quốc gia khác muốn.
Các tranh cãi khác còn có việc các nhà xuất khẩu sản phẩm sữa của New Zealand muốn được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường sữa của Canada, và những tranh cãi giữa Mỹ với Nhật Bản về thị trường xe ô-tô.
Những người ủng hộ TPP nói rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế và thương mại của các nước tham gia. Những người chống đối hiệp ước ở Mỹ nói rằng thỏa thuận này bảo vệ rất ít cho công ăn việc làm của Mỹ và môi trường. Họ cũng tranh cãi rằng hiệp định này sẽ làm tăng giá một số dược phẩm.
Giải quyết những vấn đề này và những tranh cãi khác khiến cho các cuộc tranh cử sắp diễn ra tại những nước chính của hiệp ước trở nên khó khăn hơn, nơi mà nhiều người lao động và nông dân lo ngại rằng gia tăng thương mại sẽ giảm công ăn việc làm ở nước họ.
Nhiều doanh nghiệp ủng hộ mở rộng thương mại như là một cách thức để mở ra những thị trường xuất khẩu mới cho họ.
12 quốc gia đàm phán TPP là Mỹ, Australia. Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.