Đàm phán hạt nhân với Iran vẫn còn những vấn đề gay go

Trưởng ban chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dự một buổi họp báo

Trong khi các cuộc đàm phán giữa các cường quốc và Iran tiếp tục trong tuần này về chương trình hạt nhân của nước này, các chuyên gia cho rằng ngay cả những thành phần cứng rắn trong nước Cộng Hòa Hồi giáo dường như cũng được động viên để đạt được một thỏa thuận. Nhưng vẫn còn những vấn đề khó khăn phải giải quyết, kể cả quyền tinh chế uranium mà Iran tự nhận là có.

Ðã có lúc dường như có thể đạt được một thoả thuận trong vòng đàm phán cuối cùng hồi đầu tháng này, với sự tham dự của các vị ngoại trưởng. Nhưng việc đó đã không xảy ra. Nay các giới chức cấp thấp hơn sẽ tìm cách thu ngắn các khoảng cách biệt.

Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif nghĩ rằng họ có thể đạt được thành quả.

Ông Zarif nói: “Tôi nghĩ chúng ta cùng ở trên một tần sóng và đó là điều quan trọng và đem lại cho chúng ta động năng để tiến tới khi chúng ta họp vào lần sau.”

Các vấn đề rất khó khăn. Nhưng các chuyên gia nói một có thể đạt được thỏa thuận giai đoạn đầu hạn chế phần nào chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng một số chế tài kinh tế, một phần là vì dường như lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khameini muốn có một thỏa thuận.

Bà Gabrielle Rifkind đứng đầu Chương trình Trung Ðông trong tổ chức Khảo cứu Oxford.

Bà nói: “Lãnh tụ tối cao là một nhà vận hành rất tinh khôn. Cho rằng ông ấy chỉ cứng rắn về chủ thuyết là quá dễ dàng. Tôi nghĩ thực sự ông ta khôn ngoan hơn thế nhiều.”

Ayatollah đã nói với các phần tử cứng rắn ở Iran là hãy dành cho tổng thống tương đối ôn hòa vừa đắc cử, ông Hassan Rouhani, một cơ hội để vận dụng ngoại giao. Ðộng cơ này chính là động lực đã đưa Tổng thống Rouhani lên nắm quyền – là lời kêu gọi công khai ở Iran đòi nới lỏng một số biện pháp chế tài gây tê liệt cho nền kinh tế.

Nhưng phát biểu qua Skype từ Trung tâm Khảo cứu An ninh ở Zurich, nhà khảo cứu kỳ cựu Roland Popp nói động cơ đó chỉ đi được tới đó.

Ông Popp phân tích: “Tôi nghĩ họ sẵn sàng dung hòa, nhưng không sẵn sàng đầu hàng. Một mặt, có sự ủng hộ lớn dành cho chương trình hạt nhân, Mặt khác, dân chúng nhìn rất nhiều vào khung cảnh kinh tế và trông đợi các chính trị gia thương nghị để bãi bỏ các biện pháp chế tài.”

Các nhà phân tích nói điều đó có nghĩa là đi tìm một công thức để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran có tác dụng bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng họ không tìm cách chế tạo một quả bom – mà không đòi chấm dứt chương trình, như một số người trong cộng đồng quốc tế mong muốn. Và các biện pháp chế tài phải được nới lỏng đủ để thỏa mãn Iran trong ngắn hạn, mà không lấy đi động năng để họ nhượng bộ thêm trong một thỏa thuận dài hạn.

Bà Rifking giải thích: “Các biện pháp chế tài lớn, mà trên thực tế là các chế tài về dầu khí và tài chính, sẽ không được miễn trừ hay bãi bỏ vào thời điểm này.”

Nhưng đấy lại là điều mà Iran muốn vào cuối tiến trình này, có lẽ trong 6 tháng nữa. Do đó, trong tình hình khó khăn của các cuộc thương nghị này, nếu đạt được thành quả, thì trước mắt vẫn còn những thỏa hiệp gay go hơn và cần phải làm việc cật lực hơn nữa.