Một tuần trôi qua kể từ khi một cựu cán bộ bị phát hiện có hành vi dâm ô một bé gái ở thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, nghi phạm vẫn chưa bị khởi tố. Điều này dẫn đến nhiều phản ứng tức giận trong công chúng, bao gổm cả những biện pháp “công lý đám đông” để lên án nghi phạm.
Vụ việc xảy ra tối hôm 1/4 tại khu chung cư Galaxy 9 ở quận 4, TP.HCM, theo tường thuật của VietnamNet, Kenh14.vn, báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh và nhiều báo khác. Tin cho hay camera an ninh của tòa nhà ghi lại cảnh một người đàn ông trung niên “ôm hôn”, “sàm sỡ” một bé gái 9 tuổi khi chỉ có hai người trong buồng thang.
Báo chí trong nước dẫn lời công an địa phương cho biết hôm 3/4 rằng họ đã “lấy lời khai” của nghi phạm có tên là Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nghỉ hưu.
Ông Linh thừa nhận mình chính là người đàn ông trong đoạn video, tuy nhiên, ông Linh nói ông ta “chỉ nựng bé gái chứ không có ý đồ gì khác”, theo nội dung các bài báo.
Hôm 5/4, các báo đưa tin Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM gửi công văn đến một số cơ quan, bao gồm cả công an quận 4, các viện kiểm sát cấp quận và cấp thành phố, đề nghị khởi tố vụ án ông Linh có hành vi dâm ô đối với bé gái.
Nhưng theo quan sát của VOA, cho đến thời điểm bản tin này được đăng, vẫn chưa có thêm động thái pháp lý nào từ nhà chức trách đối với cựu Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng.
VOA cũng nhận thấy trong những ngày này, nhiều người dường như mất kiên nhẫn trong khi chờ đợi xem nhà chức trách sẽ xử lý nghi phạm Nguyễn Hữu Linh ra sao.
Trên mạng xã hội và báo chí chính thống Việt Nam, xuất hiện các thông tin cho hay hiện có một làn sóng tẩy chay, lên án vị cựu quan chức bằng cách đăng lên mạng các thông tin cá nhân của ông, ảnh căn nhà của ông ở Đà Nẵng với lời chú thích đó là nhà của “kẻ ấu dâm”. Thậm chí có một số người ném chất bẩn hoặc xịt sơn lên cổng nhà ông Linh, theo tìm hiểu của VOA.
Ngay tại chung cư Galaxy 9, nhiều cư dân vào sáng 7/4 cùng mặc áo đồng phục in dòng chữ "Lạm dụng tình dục là tội ác" hay "Cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em gái" để phản đối hành vi của ông Linh và yêu cầu nhà chức trách “phải xử lý nghiêm ông Linh để răn đe”, báo chí trong nước cho hay.
Trên Facebook cá nhân với bút danh Dương Tiêu có khoảng 15.000 bạn bè và người theo dõi, nhà báo Trần Anh Tú của báo Đại Đoàn Kết đưa ra nhận xét rằng nhiều người dân “không chấp nhận việc ông Linh nhởn nhơ” sau khi tấn công tình dục cháu bé, và họ “buộc phải nhắc nhở mọi người về vụ việc này theo cách riêng của họ”.
Dười góc nhìn của nhà báo này, điều đó cho thấy “khi pháp luật bó tay thì đám đông có cách ‘thi hành án’ của riêng mình”, mà ông Tú coi đó có thể gọi là “công lý đám đông”.
Vị Trưởng ban Điện tử báo Đại Đoàn Kết lưu ý không phải “tự nhiên” mà cổng và nhà riêng của nghi phạm Nguyễn Hữu Linh bị xịt sơn, ném chất bẩn. Mặc dù vậy, nhà báo Trần Anh Tú đồng ý với các ý kiến cho rằng hành động tấn công nhà ông Nguyễn Hữu Linh là “hành vi vi phạm pháp luật cần bị xử lý”.
Một bài báo của VietnamNet đăng hôm 6/4 trích lời luật sư Lê Văn Hoan, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng dù ông Linh có vi phạm pháp luật, song những người khác không có quyền vi phạm vào tài sản của gia đình ông. Luật sư Hoan gọi việc ném chất bẩn, viết bậy bằng sơn “giống như một hình thức khủng bố, quá khích và gây rối”.
Một vài Facebooker có nhiều ảnh hưởng, trong đó có bà Nguyền Hoàng Ánh, một giảng viên đại học, cũng kêu gọi công chúng lên án nghi phạm Linh “một cách công bằng, văn minh”. Trong một bài đăng trên trang cá nhân, bà Ánh viết: “Tội của ai người nấy chịu, đừng làm vạ lây sang gia đình ông ta”.
Trong khi đó, nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân viết trên trang Facebook có tổng cộng gần 94.000 người theo dõi rằng các động thái của dân chúng về vụ cựu quan chức Đà Nẵng dâm ô, đồi bại đối với trẻ em là “sự phẫn nộ hoàn toàn chính đáng”.
Dẫn các thông tin đã được báo chí đăng tải, ông Vân nhấn mạnh “việc chậm trễ khởi tố và bắt giam” nghi phạm Nguyễn Hữu Linh là “vô trách nhiệm".
Gọi ông Linh là “thằng dâm tặc”, nhà báo Hoàng Hải Vân đưa ra quan điểm nếu không bắt ông Linh sẽ “không răn đe được những thằng dâm tặc khác”, và như vậy, sự lo lắng trong dân càng dâng cao.
Cũng góp lời bình luận về vụ việc này, nhà nghiên cứu Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội, viết trên trang cá nhân rằng “Nếu kẻ phạm tội không bị xét xử thích đáng bởi một quan toà, hắn sẽ bị xét xử bởi hàng triệu quan toà. Đó là hậu quả của một khung pháp lý thiếu hụt và một nển tư pháp yếu kém”.
Bà Hồng bày tỏ mong muốn rằng nhà chức trách “sớm vào cuộc”, bởi theo suy nghĩ của bà, thái độ bức xúc trước sự chậm trễ hoặc thiếu nghiêm minh của việc thực thi pháp luật “sẽ có thể dẫn đến sự cuồng nộ và bùng phát những hành vi cực đoan”.
Vụ việc của cựu quan chức Đà Nẵng xảy ra trong bối cảnh chỉ mới hơn 3 tháng đầu năm đã liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại hoặc bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Nghiêm trọng nhất trong số đó là vụ một nữ sinh ở tỉnh Điện Biên bị một nhóm đàn ông bắt cóc, hãm hiếp rồi giết hại đúng dịp Tết âm lịch.
Tiếp đến là các vụ thầy giáo dâm ô học sinh ở tỉnh Bắc Giang; cha đẻ là sỹ quan quân đội xâm hại tình dục con suốt 4 năm liền, từ khi cháu mới học lớp 4, cũng ở BắcGiang; nữ sinh ở Quảng Trị bị một nhóm nam sinh hiếp dâm tập thể; bé gái 9 tuổi bị hàng xóm xâm hại ở Chương Mỹ, Hà Nội; và vụ một người đàn ông tấn công tình dục một cô gái trong thang máy, cũng ở Hà Nội.
Riêng về xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2018 trước đó, theo tìm hiểu của VOA, Bộ Công an Việt Nam công bố con số thống kê cho thấy đã xảy ra 1.269 vụ án loại này, trong đó 1.141 em bị xâm hại.
Bức xúc về số lượng lớn các vụ tấn công, xâm hại tình dục xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như về các án phạt chưa đủ nghiêm khắc dành cho tội phạm loại này, 16 nhóm và tổ chức hiện tiến hành thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị gửi đến Quốc hội Việt Nam, đề nghị sửa các luật liên quan để “ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực tình dục và giành lại công lý cho các nạn nhân”.
VOA ghi nhận rằng đến tối 8/4, có hơn 13.400 người ký vào bản kiến nghị.
Trong số các nhóm, tổ chức khởi xướng bản kiển nghị là nhóm Tính nữ đỉnh cao, còn có tên là Funfreedom; Nhóm thúc đẩy Phong trào xã hội phi bạo lực, Hate Change; Nhóm Không gian Nhân quyền, Human Rights Space; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình -Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA); Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS); Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).