Phát biểu trên diễn đàn bên cạnh các nhà lãnh đạo Kitô Giáo, Hồi giáo và Do Thái Giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt trọng tâm không phải vào sự khác biệt giữa các tôn giáo, mà vào những triết lý chung mà các tín ngưỡng đều có, và ngay cả ở những người vô tín ngưỡng.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói: "Tất của chúng ta đều là một phần của nhân loại, dù có tạo hóa hay không, dù có kiếp sau, có thiên đàng, hoặc có kiếp luân hồi hay không – đó là chuyện riêng của mỗi người. Thế nhưng có một điểm chung, đó là mỗi người đều muốn có một thế giới hạnh phúc. Không ai muốn rắc rối, không ai muốn bạo động. Và tất cả mọi người đều muốn có một xã hội hòa bình hơn, một xã hội hạnh phúc hơn.
Phát biểu tại hội trường của Nhà hát Harris ở Công viên Thiên niên kỷ Chicago, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn. Dẫn chứng về sự khác biệt tôn giáo đã châm ngòi bạo động giữa người Sunni và người Shia tại Iraq, và giữa người Tin lành và Thiên Chúa Giáo tại Bắc Ireland, Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi hãy nhìn nhau bằng một sự thông hiểu cơ bản của con người.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói: "Tôi luôn nhìn ở góc độ con người. Tôi không quan tâm đến địa vị, hay chức phận xã hội của người đối diện. Có nhiều người khi gặp những người quan trọng, họ cử xử khác, và khi họ gặp một người thấp hèn họ lại có một thái độ khác. Điều đó sai hoàn toàn. Tất cả đều là con người.
Thông điệp đó được Giáo sĩ Michael Lerner, người cùng tham gia diễn đàn với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc hội thảo, tán dương. Giáo sĩ Lerner là nhà sáng lập tạp chí liên tôn Do Thái giáo "Tikkun." Ông nhấn mạnh rằng lòng quảng đại và tình thương sẽ giải quyết được cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine. Ông nói rằng quan niệm đó đã khiến ông trở nên bất đồng với nhiều người cùng tín ngưỡng với ông.
Giáo sĩ Lerner nói: "Tôi nhận thấy rằng trong cộng đồng của tôi, bởi lẽ sự chia rẽ này cũng xảy ra trong hầu như mọi cộng đồng tôn giáo cũng như mọi cộng đồng thế tục, rằng tôi có nhiều điểm tương đồng với những người thiên về lòng yêu thương trong đức tin Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và thế tục, hơn là với những người thích quyền thế trong chính cộng đồng truyền thống của tôi."
Hàng ngàn người tham gia cuộc hội thảo có vé được bán hết, trong ngày thứ nhì của các sinh hoạt công cộng với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Chicago, dành cho ngài một diễn đàn để cổ xúy cho sự dung chấp tôn giáo, và sự hợp tác giữa các tín ngưỡng với nhau.
Xã hội Thần trí, tổ chức mưu tìm cách thức cổ xúy cho các nguyên tắc đạo đức liên quan đến việc tìm đến sự thật và hợp nhất của con người, bảo trợ cho chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Chicago.
Quan hệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma với tổ chức này bắt đầu từ năm 1957, khi ngài đến thăm trụ sở chính của tổ chức Xã hội Thần trí ở Ấn Độ. Ngài hoan nghênh tổ chức này trong việc đề cao quan điểm của ngài về tính đa cực tôn giáo.
Một đám đông ước tính khoảng 9 ngàn người cũng tham gia một buổi diễn thuyết của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Đại học Illinois ở Chicago. Tại đây ngài đã ca ngợi Thống đốc Pat Quinn của bang Illinois về việc bãi bỏ luật tử hình tại bang này. Thống đốc Quinn đã ký luật này vào tháng 3 năm nay, để bang Illinois trở thành bang thứ 16 của Hoa Kỳ không có luật tử hình.
Theo kế hoạch, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ trở về Ấn Độ sau khi kết thúc chuyến thăm Chicago.
Kết thúc hai tuần lễ viếng thăm Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng 76 tuổi – Đức Đạt Lai Lạt Ma – hôm qua đã phát biểu trước các đám đông lớn ở Chicago về việc khắc phục sự bất dung chấp tôn giáo. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Kane Farabaugh từ Chicago, chuyến thăm của ông đến thành phố miền trung tây Hoa Kỳ này, được tổ chức Xã hội Thần trí bảo trợ, bao gồm một cuộc hội thảo với nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo Mỹ.