Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hôm 30/10 nói rằng “thiện chí” và “sự sáng suốt” của nhân dân Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp hai nước vượt qua giai đoạn căng thẳng quan hệ và rằng “chúng ta đã nghe đến nhàm chán” những lời đe dọa chiến tranh thương mại và những vụ khua gươm múa kiếm về vấn đề lãnh thổ.
Lên tiếng nhiều tuần trước cuộc gặp mặt tay đôi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, Đại sứ Thôi Thiên Khải nói mối quan hệ Mỹ-Trung, sắp kỷ niệm 40 năm vào tháng 1 năm 2019, đã có những bước tiến lớn, tuy nhiên cũng có những bước thụt lùi.”
“Có vẻ như sự cạnh tranh và đối đầu đã trở nên phổ biến trong con đường phía trước chúng ta,” ông Thôi nói giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trả đũa nhau bằng cách áp thuế lên hàng nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ đô la trong một cuộc chiến tranh thương mại.
"Trong khi quan hệ hai nước đang xuống thấp, thì người dân của chúng ta luôn luôn mạnh mẽ ủng hộ cho sự gắn kết và tình hữu nghị, và đảo ngược xu hướng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ", ông Thôi nói trong một sự kiện tại Phòng Thương mại Trung Quốc-Mỹ tại Washington, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Trong khi quan hệ hai nước đang xuống thấp, thì người dân của chúng ta luôn luôn mạnh mẽ ủng hộ cho sự gắn kết và tình hữu nghị, và đảo ngược xu hướng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ.Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ
Trong một bài phát biểu không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Trump hay chính phủ của ông, ông Thôi bày tỏ tự tin vào tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thay vì các đôi co về chính trị, sẽ đưa các mối quan hệ Mỹ-Trung tiến lên phía trước.
"Người dân bình thường nhưng vĩ đại của Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đóng góp phần của họ là thể hiện thiện chí, sự khôn ngoan và tính hào hiệp của họ, để lót đường cho các mối quan hệ song phương của chúng ta."
Theo nghiên cứu của Pew, trung tâm nghiên cứu những thay đổi về thái độ trên toàn thế giới, gần phân nửa người Mỹ có quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc trong năm 2017. Theo số liệu năm ngoái, cũng là số liệu mới nhất, 44% số người Trung Quốc được thẩm vấn nói họ có quan điểm tiêu cực về Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc nói, trong năm qua "chúng tôi đã nghe tới nhàm chán những lời đe dọa chiến tranh thương mại, những phát biểu khẳng định sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, những vụ giương oai diễu võ ở Biển Đông, và thậm chí những cáo buộc vô căn cứ chống lại sinh viên và học giả Trung Quốc".
Đại sứ Thôi không đề cập cụ thể tới tình trạng giằng co thương mại hiện tại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hôm 29/10, ông Trump tái khẳng định Trung Quốc "chưa sẵn sàng" để đạt một thỏa thuận nhằm chấm dứt vụ tranh chấp tốn kém này.
XEM THÊM: Trật tự thế giới: Phiên bản nào?Trong khi Tổng thống Trump và chính quyền của ông tung ra những lập luận chống Trung Quốc trong những tuần gần đây, kể cả tố cáo nước này can thiệp vào bầu cử Mỹ và đánh cắp thông tin công nghệ nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc, ông Thôi lại đóng vai trò hiếm thấy là công khai bênh vực các chính sách của chính phủ Trung Quốc và tung ra những lời chỉ trích trực tiếp vào hướng tiếp cận của Mỹ đối với mối quan hệ song phương.
Ông Thôi, từng là đại diện của Trung Quốc tại Hoa Kỳ từ năm 2013, nói với NPR của Mỹ hồi đầu tháng này rằng giải pháp để giải quyết cuộc chiến thương mại đang bị cản trở bởi lập trường bất nhất, luôn thay đổi của các nhà thương thuyết Mỹ.
"Chúng tôi không thực sự biết Mỹ muốn nhắm vào những ưu tiên nào", ông Thôi nói với đài NPR. Đại sứ này nói thêm rằng trong một số trường hợp, các thỏa thuận sơ khởi giữa hai bên qua đêm lại bị lật ngược. "Hành vi đó rất khó hiểu, và khiến mọi việc trở nên rất khó khăn."
Ông Thôi lặp lại những nhận định đó trong một cuộc phỏng vấn với Fox News sau đó. Ông nói ông không biết ông Trump đang lắng nghe những tiếng nói bảo thủ hay những tiếng nói ôn hòa khi đàm phán với Trung Quốc.
Thật vậy, các thông điệp bất nhất như thế được lặp đi lặp lại trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, từ Tổng thống Trump, người đã nhiều lần đưa ra những phát biểu gây nản lòng về triển vọng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, kể cả gồm các cuộc đàm phán được đề xuất theo lời mời của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế nặng lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ nếu Bắc Kinh trả đũa các biện pháp mới nhất của Washington, là đánh thuế trên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Bắc Kinh đã trả đũa theo trông đợi, nhưng chính quyền Mỹ chưa thực hiện những lời đe dọa của tổng thống Trump.
Những lời đe dọa đó lại nổi lên trong tuần này khi ba nguồn tin giấu tên được Bloomberg trích dẫn xác nhận chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ trị giá 260 tỷ USD, nếu các cuộc đàm phán sắp tới giữa lãnh đạo hai nước không đạt kết quả.
Một nguồn tin ngoại giao cấp cao Trung Quốc cho biết hôm 30/10 rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã "đồng ý gặp nhau" bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires, nhưng nguồn tin này không cho biết chi tiết về chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ đó.