Đài Loan truy tố các lãnh đạo sinh viên biểu tình

Sinh viên biểu tình chống thỏa thuận thương mại Trung Quốc-Đài Loan chiếm cứ và ngăn chặn lối vào cơ quan lập pháp ở Đài Bắc, ngày 19/3/2014.

Các công tố viên Đài Loan quyết định truy tố 118 người về tội xâm nhập trái phép và những tội khác liên quan tới vụ biểu tình ngồi lỳ do sinh viên dẫn đầu ở Đài Bắc hồi năm ngoái. Tuy nhiên, các bị cáo có thể chỉ lãnh những bản án nhẹ vì chính phủ muốn có những mối quan hệ tốt đẹp hơn với giới trẻ. Thông tín viên VOA Ralph Jennings tường thuật từ Đài Bắc.

Hàng trăm người đã xông vào trụ sở quốc hội Đài Loan hồi tháng 3 và chiếm cứ nơi này trong khoảng 3 tuần để phản đối việc các nhà lập pháp phê chuẩn một hiệp định thương mại dịch vụ với Trung Quốc, một nước đối địch về mặt chính trị. Trong lúc số người biểu tình tăng tới hàng ngàn người, trong đó có nhiều người không tán thành việc siết chặt các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, một đám đông đã xông vào chiếm cứ khu văn phòng nội các cho tới khi bị đẩy lui sau một loạt những vụ xô xát vào ban đêm.

Hôm qua, các công tố viên loan báo quyết định khởi tố 118 người tham gia cuộc phản kháng về những tội như xâm nhập trái phép, cản trở công vụ và xúi giục người khác phạm tội.

Tuy nhiên, phát ngôn viên nội các Đài Loan Tôn Lập Quần cho biết chính phủ hy vọng một sự đối xử nhẹ tay với các bị cáo sẽ có ích cho việc phát triển những mối quan hệ tốt đẹp hơn với giới trẻ. Ông Tôn cho biết thêm như sau.

"Đối với các sinh viên, chúng tôi mong muốn họ tham gia các sinh hoạt xã hội. Trong thời gian tới đây chúng tôi hy vọng có thể yêu cầu tòa án có thái độ khoan hồng đối với các bị cáo này."

Trong số những người bị khởi tố có anh Lâm Phi Phàm, một thanh niên 26 tuổi được cho là lãnh tụ của phong trào phản kháng. 3 người khác trong hàng ngũ lãnh đạo biểu tình cũng bị khởi tố.

Những người này đã phát động phong trào phản kháng có tên Hoa Hướng Dương, sau khi Đài Loan siết chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc từ năm 2008 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mã Anh Cửu. Trung Quốc lâu nay vẫn xem Đài Loan, một đảo quốc tự trị từ cuối thập niên 1940, là một phần lãnh thổ của họ và muốn đảo này tái thống nhất với Hoa Lục.

Nhiều người biểu tình ngồi lỳ ở quốc hội Đài Loan e rằng Trung Quốc rốt cuộc sẽ lợi dụng những mối quan hệ kinh tế để đặt đảo quốc này dưới sự cai trị của Bắc Kinh. Năm ngoái, phe Quốc Dân Đảng đương quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dân chúng về chính sách đối với Trung Quốc. Sự chỉ trích bắt đầu bằng những cuộc biểu tình hồi tháng 3 và lên tới cao điểm hồi tháng 11, khi Quốc Dân Đảng bị thảm bại trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Đảng này giờ đây đối mặt với một cuộc bầu cử tổng thống tranh đua gay gắt vào năm tới. Họ cho biết họ muốn gia tăng sự giao tiếp với giới trẻ để giải thích các chính sách của mình.

Ông Ngô Trọng Lễ, một nhà nghiên cứu chính trị học của Viện Nghiên cứu Trung ương ở Đài Bắc, cho rằng chính phủ hiện nay rất cần có sự ủng hộ của giới trẻ.

"Trong vấn đề này, chính phủ đương nhiên phải xét tới các yếu tố chính trị. Đảng đương quyền đã bị đại bại trong cuộc bầu cử cấp địa phương mới đây, cho nên họ hy vọng có thể phản ánh được những tiếng nói khác nhau trong xã hội."

Ông Ngô cũng cảnh báo rằng các vị thẩm phán ở Đài Loan có đủ tính chất độc lập, cho nên có thể họ sẽ không chấp nhận thỉnh cầu của chính phủ là đối xử nhẹ tay với các bị cáo.