Đài Loan tái nộp đơn làm thành viên Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn duyệt binh trước lễ kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Học viện Quân sự Hoàng Phố, Đài Loan, 16/6/2016.

Đài Loan vừa đề nghị các đồng minh ngoại giao của mình gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lá thư đề nghị được tham gia vào 3 cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Đây là một đơn đề nghị làm thành viên có mức độ mạnh mẽ khác thường, đáp lại áp lực trong nước về việc phải có những thành tựu quốc tế hơn nữa, nhưng chắc chắn đơn này sẽ bị Trung Quốc bác bỏ.

Bộ Ngoại giao hôm thứ Ba, 13/9, cho biết Đài Loan nộp đơn xin tham gia Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế vốn tập trung vào an ninh hàng không, và Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Bộ nói trong một tuyên bố rằng Đài Loan có thể đóng góp với cả 3 cơ quan "vì lợi ích chung của cả thế giới". Đài Loan cũng muốn tham gia cùng các thành viên của Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực để đến năm 2030 đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức này, trong đó bao gồm việc giảm nghèo đói cùng cực và kiểm soát nhiều hơn đối với biến đổi khí hậu.

Đơn xin tham gia Liên Hiệp Quốc đầu tiên của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn có tính chất mạnh mẽ nhất trong 7 năm qua, nhưng chắc chắn sẽ bị từ chối vì sự phản đối của Trung Quốc. Các quan chức Bắc Kinh không coi Đài Loan tự trị là một quốc gia có quyền thành viên Liên Hiệp Quốc. Họ chỉ coi đó là một phần lãnh thổ của họ. Họ nhấn mạnh Trung Quốc và Đài Loan rồi cuối cùng cũng sẽ thống nhất, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Đài Loan đều phản đối.

Đài Loan, với tên về mặt pháp lý là Trung Hoa Dân Quốc, đã rút khỏi Liên Hiệp Quốc năm 1971 khi Trung Quốc to lớn hơn nhiều đạt được thắng lợi ngoại giao. Trung Quốc hiện có hơn 170 đồng minh ngoại giao so với 22 của Đài Loan, điều này giúp Trung Quốc có ảnh hưởng rộng lớn ở tổ chức quốc tế ngày nay.

Nhận định về việc Đài Loan xin tham gia Liên Hiệp Quốc, Ngô Xuân Lệ, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại viện Academia Sinica ở Đài Bắc, nói: "Nỗ lực này sẽ không có kết quả nào. Đó là vấn đề mang tính biểu tượng".