Đại hội đảng CSVN lần thứ XIII chỉ còn là một vở kịch?

Toàn bộ ủy viên trung ương của đảng CSVN khóa 13 nhiệm kỳ 2021-2026 đã được quyết định trước khi Đại hội toàn quốc của đảng CSVN diễn ra vào đầu năm 2021.

Vào đầu năm 2021, tức là còn gần một năm rưỡi nữa thì đảng Cộng sản Việt Nam mới tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ XIII để bầu các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư.

Nhưng ngay từ cuối tháng 6 năm 2019, tại cuộc họp của Bộ chính trị dưới sự điều hành của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, nhiệm kỳ 2021-2026.

Việc đảng CSVN tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 được chính thức thảo luận tại hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khoá 12 vào cuối tháng 12 năm 2018. Bộ chính trị đã yêu cầu tất cả 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu và đã có gần 250 nhân sự. Bộ chính trị đã thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến với hơn 200 nhân sự.

Sáng 6-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng (lớp 1 và lớp 2). Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo.

Lớp bồi dưỡng gồm 95 nhân sự được quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN khóa XIII. Trong 2,5 tháng, các học viên sẽ nghiên cứu, trao đổi, thảo luận 46 chuyên đề, trong đó 37 chuyên đề do các chuyên gia trong nước và 9 chuyên đề do các chuyên gia quốc tế thực hiện. Nội dung chương trình học tập được chia làm 6 phần: Nền tảng tư tưởng, lý luận của đảng; kinh tế; văn hóa-xã hội; xây dựng đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kỹ năng lãnh đạo và quản lý. Lớp bồi dưỡng còn có hoạt động đi khảo sát thực tế tại địa phương và ở nước ngoài để các học viên nghiên cứu, tìm hiểu thêm một số kinh nghiệm thực tiễn.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, hai lớp bồi dưỡng đầu tiên trong chương trình bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII sẽ được tổ chức từ nay cho đến khoảng đầu năm 2020. Học viên là những nhân sự được phê duyệt quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương, giai đoạn 2020-2025; quy hoạch chức danh bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026.

Như vậy có thể nói toàn bộ các ủy viên trung ương của đảng CSVN khóa 13 nhiệm kỳ 2021-2026 đã được quyết định trước khi Đại hội toàn quốc của đảng CSVN diễn ra vào đầu năm 2021.

Những đảng viên đảng CSVN không được qui hoạch, không trải qua các khóa học bồi dưỡng thì họ sẽ mất hoàn toàn quyền ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của đảng theo qui định tại khoản 2 điều 3(Điều lệ đảng CSVN).

Cho dù những đảng viên có tài, có đức có tự ra ứng cử thì cũng không được bầu bởi danh sách nhân sự các ủy viên trung ương khóa 13 đã được Ban chấp hành trung ương khóa 12 quyết định và trở thành nghị quyết để triển khai tới các đảng bộ các tỉnh, thành, bộ là nơi sẽ có các đoàn đại biểu tới dự Đại hội 13.

Và như vậy, khi Đại hội đảng CSVN 13 diễn ra, danh sách các ứng cử viên trung ương sẽ được đưa ra giới thiệu. Và các đại biểu chỉ có thể bầu cho các ứng cử viên đã được quyết định trước.

Theo qui định tại khoản 1 điều 9(Điều lệ đảng CSVN) thì Cơ quan lãnh đạo các cấp của đảng do bầu cử lập ra. Khoản 2 qui định:

“Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).”

Như vậy, Ban chấp hành trung ương khóa 12 đã tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu tới dự Đại hội đảng toàn quốc 13.

Trong nhiều thập kỷ qua, đã có rất nhiều nhà trí thức có tâm huyết ở trong và ngoài đảng CSVN kêu gọi những người lãnh đạo cao nhất của đảng CS tiến hành dân chủ hóa trong đảng và tiến tới dân chủ hóa đất nước. Nhưng những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng, hợp lý của các nhà trí thức đã không được các quan chức lãnh đạo của đảng CS quan tâm.

Khi bản thân đảng CSVN đang nắm quyền cai trị đất nước mà không có dân chủ ngay bên trong nội bộ của đảng thì Nhân dân Việt Nam không mong đợi gì có được tiến trình dân chủ hóa đất nước do đảng CSVN khởi xướng.

Mặc dù Đại hội đảng toàn quốc XIII còn một năm rưỡi nữa mới diễn ra, nhưng gần như toàn bộ các ủy viên Ban chấp hành trung ương khóa 13 đã được qui hoạch và quyết định. Và như vậy, việc tiến hành Đại hội XIII chỉ còn là hình thức hay nói chính xác hơn là một vở kịch.