Dù Đại hội 13 của Đảng Cộng sản còn chưa diễn ra, năm năm tới đây có thể coi như là thời gian vô nghĩa cho những ai hy vọng vào một xã hội tự do và cởi mở hơn ở Việt Nam.
Ngay cả Văn phòng Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng nói chính quyền Việt Nam gửi ra thông điệp “ớn lạnh” trước thềm đại hội bằng những bản án nặng cho các nhà hoạt động đòi các quyền con người căn bản như tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do biểu tình.
Toà án ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1 đã kết án ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tổng cộng 37 năm tù vì tuyên truyền chống nhà nước. Chủ tịch và người sáng lập hội Phạm Chí Dũng chịu án 15 năm trong khi hai thành viên Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người bị kết án 11 năm tù.
Bằng việc kết án ngay trước khi Đại hội đảng diễn ra từ 25/1-2/2 với mức án nặng nề, các nhà lãnh đạo bảo thủ của Việt Nam đã dập tắt bất kỳ hy vọng nào vào những tiến bộ về tự do ngôn luật trong nhiệm kỳ tới của các nhà lãnh đạo mà người ta đang đồn đoán vẫn toàn các gương mặt cũ.
Điều này xảy ra bất chấp những cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người và sự hội nhập sâu hơn với thế giới văn minh về kinh tế, thương mại và đầu tư. Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu EU đã có hiệu lực từ tháng 8/2020 trong khi cuối năm Việt Nam cũng hoàn tất hiệp định với Anh, nước mới rời EU.
Với kinh nghiệm cay đắng ở Trung Quốc, Phương Tây có lẽ không ngây thơ tin rằng quan hệ kinh tế sâu rộng thêm sẽ mang tới những thay đổi về dân chủ và nhân quyền. Nhưng họ vẫn cần thị trường gần 100 triệu dân, cần tới nguồn lao động, đất đai và tài nguyên còn tương đối rẻ để kiếm lời. Họ sẽ vẫn lên tiếng mỗi khi có những vi phạm nhân quyền trắng trợn nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng hy sinh những lợi ích thương mại để gây sức ép với Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam hoàn toàn hiểu điều này và họ muốn xử cho thật nặng những người dũng cảm đấu tranh đòi một tương lai tốt đẹp hơn. Mục tiêu là dập tắt những phong trào đấu tranh từ khi chúng mới chỉ là đốm lửa. Điều trớ trêu là họ đang làm những gì mà thực dân Pháp trước đây làm với họ khi chính họ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn.
Hôm vừa rồi tôi có dịp nói chuyện với một nhà báo chuyên đưa tin về Việt Nam từ nước ngoài và nghe lời than giờ phỏng vấn chuyện trong nước khó hơn vì quá nhiều nhà hoạt động đã bị bắt. Ngoài nhóm ba người vừa bị kết án, các nhà hoạt động khác như Phạm Đoan Trang, ba người trong gia đình bà Cấn Thị Thêu gồm bà và hai con trai Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương, nhà văn Phạm Thành và nhiều người khác đã bị bắt.
Năm 2020 đánh dấu 20 năm tôi rời Việt Nam để có thể viết mà không sợ bị tổng biên tập gạch đỏ bài vì sợ quan tuyên giáo, hay bị an ninh sách nhiễu vì không theo lề phải. Thế mới thấy tự do ngôn luận ở Việt Nam dậm chân tại chỗ, thậm chí xấu đi trong hai thập niên qua. Dù điều luật võ đoán tuyên truyền chống nhà nước đã đổi số từ 88 sang 117, bản chất của cả nó lẫn của những người vẽ ra nó vẫn vậy. Nhưng trông mong gì khi câu “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” của Chế Lan Viên còn quá đúng với những người tự xưng là cộng sản cũng như ủng hộ viên của họ.