Đại học Columbia giải thích lý do mời lãnh đạo Đảng Cộng sản Tô Lâm đến nói chuyện

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của Đại học Columbia ở New York, Mỹ, hôm 23/9.

Đại học Columbia của Mỹ nói rằng họ cam kết quyền tự do ngôn luận và không tán thành quan điểm của diễn giả nào khi tổ chức buổi nói chuyện với Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm, người đã trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được mời tới trường đại học này.

Ông Lâm, cũng là chủ tịch nước Việt Nam, đã phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của Đại học Columbia ở thành phố New York, nơi ông đang có mặt để tham dự khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hôm 23/9. Trong cuộc nói chuyện do bà Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo sư sử học của Đại học Columbia, điều phối, ông Lâm đã trả lời các câu hỏi của sinh viên sau đó.

Nhưng buổi nói chuyện này trước đó đã bị Dân biểu Mỹ Michelle Steel phản đối khi bà kêu gọi trường hủy bỏ sự kiện với nhà lãnh đạo Việt Nam. Bà Steel đã gửi một bức thư tới Chủ tịch tạm quyền của trường, Katrina Armstrong, vào ngày 20/9 để đề nghị trường rút lại lời mời ông Lâm và sau đó đưa ra một thông cáo ngay trước khi buổi nói chuyện diễn ra hôm 23/9 để nhắc lại lời phản đối này.

Bà Steel, người đại diện địa hạt 45 – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống – của California tại Quốc hội Mỹ cho rằng ông Lâm là một “nhà độc tài nguy hiểm đã kìm hãm quyền tự do ngôn luận và bắt giữ nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam”. Theo vị dân biểu này, Đại học Columbia không thể thúc đẩy một môi trường học thuật có tự do ngôn luận và tự do biểu đạt khi tiếp đón một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất của chủ nghĩa độc tài.

Một người phát ngôn của Đại học Columbia, khi trả lời yêu cầu bình luận của VOA qua email, nói rằng Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của trường “mời những nhân vật có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới tham gia cộng đồng trường” với mục tiêu “hỗ trợ sứ mệnh học thuật lớn hơn của trường là giảng dạy, sáng tạo và phát triển kiến thức."

“Sứ mệnh đó dựa trên cam kết cơ bản về quyền tự do ngôn luận, tìm hiểu cởi mở và tranh luận sôi nổi,” người phát ngôn nói.

Các diễn giả trước đây tới nói chuyện tại diễn đàn của Đại học Columbia bao gồm Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Nhật Zhinzo Abe, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, và Đức Dalai Lama.

Ông Lâm có bài phát biểu gần 30 phút, trong đó ông nói về “ngoại giao thời đại mới” của Việt Nam, sự hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ để từ hai cựu thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cảm ơn sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Ông Lâm nhắc đến sự khác biệt còn tồn tại giữa Mỹ và Việt Nam về nhân quyền nhưng nói rằng Việt Nam “chọn đối thoại thay đối đầu”.

Trong phần trả lời câu hỏi của GS Liên Hằng, người cũng là một thành viên quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam, ông Lâm đã đọc những tờ giấy khi trả lời các câu hỏi về việc hàn gắn quan hệ Mỹ-Việt dưới sự lãnh đạo của mình và đưa ra lời khuyên để giải quyết mối căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

GS Liên Hằng cho biết ông Lâm là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được mời tới nói chuyện tại Đại học Columbia.

Người phát ngôn của Đại học Columbia nói rằng chương trình nói chuyện với ông Lâm “bao gồm nhiều thời gian để sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả, thách thức hồ sơ của họ và đưa ra những quan điểm khác nhau.”

Ông Lâm đã trả lời câu hỏi của 7 sinh viên được GS Liên Hằng gọi tên, trong đó có các sinh viên Việt Nam, Trung Quốc, Úc và Nhật – họ hỏi về chính sách quốc phòng Việt Nam, ngoại giao “cây tre”, chính sách của Việt Nam để khuyến khích sinh viên về nước, sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ hay sự cân bằng của Việt Nam trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dân biểu Steel, trong bức thư phản đối, cho rằng ông Lâm có tiền sử được ghi nhận về việc kìm hãm quyền tự do ngôn luận trong vai trò trước đây của mình là Bộ trưởng Công an Việt Nam và rằng việc tiếp đón ông Lâm tại trường cho thấy “một tổ chức thường xuyên tự nhận mình là người bảo vệ quyền công dân lại đang bỏ qua tình cảnh của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.”

“Lời mời phát biểu tại một sự kiện không phải là sự xác nhận hay tán thành quan điểm của bất kỳ diễn giả nào,” người phát ngôn của Đại học Columbia nói.

Việt Nam luôn bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và cả chính phủ Mỹ đánh giá thấp về hồ sơ nhân quyền. Trước khi ông Lâm tới Mỹ, chính quyền Việt Nam thả tự do cho hai nhà hoạt động nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng.

Tuy nhiên tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ hôm 23/9 đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Mỹ không nên xem đây là dấu hiệu rằng ông Lâm sẽ là nhà lãnh đạo có quan điểm cải cách.

Ông Lâm đã gặp các lãnh đạo Google và Meta hôm 23/9 và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 25/9 bên lề hội nghị của LHQ ở New York.